Có nên thờ cúng ở nhà trọ, nhà thuê không?
Sinh viên ở các địa phương về thành phố học, tất nhiên phải thuê nhà trọ. Nông dân các nơi về thành phố mưu sinh, thuê nhà trọ. Các cặp vợ chồng mới xây dựng gia đình cần có tổ ấm riêng nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện kinh tế để mua căn hộ, phương án tốt nhất là thuê nhà. Rồi kể cả nhiều người có điều kiện nhưng chưa ổn định cuộc sống, họ cũng thuê nhà cho chủ động để khi nhảy việc thì lại thuê chỗ khác gần nơi làm việc cho thuận tiện… Không ít bạn trẻ thậm chí còn thích thuê hơn mua nhà, vì được trải nghiệm nhiều không gian sống hơn, không thích lại thay đổi chứ không muốn trói buộc vào một nơi cố định đến… chung thân. Vì vậy, thuê nhà dần dần đã và đang trở thành xu hướng mang tính phổ biến.
Nhưng những người đi thuê nhà luôn có một mối băn khoăn: Vậy ở nhà thuê có cần và có nên lập ban thờ để thờ cúng thần linh, tổ tiên hay không? Và nếu thờ cúng thì có gì khác với việc thờ cúng ở ngôi nhà thuộc sở hữu của mình? Rất nhiều người đã hỏi tôi về vấn đề này, và câu trả lời ở đây là: Thờ cũng tốt mà không thờ cũng… chẳng sao.
Tại sao lại như vậy?
Chủ nhà thờ rồi, không bắt buộc người thuê nhà phải thờ cúng…
Đây là tâm lý của khá nhiều người khi ở trọ hay thuê nhà. Quan điểm của những người này là, nhà và đất là của chủ nhà, mà chủ nhà nào cũng đều lập ban thờ để cúng Thần linh, Thổ địa ở đất đó rồi. Người thuê nhà chỉ sống ở đó
trong thời gian nhất định, thậm chí mang tính tạm bợ, nên không cần thờ cúng ở nơi sống tạm đó. Mặt khác, chủ nhà thờ Thần linh, Thổ địa rồi, mình cũng thờ nữa thì hóa ra có hai Thần linh sao? Còn nếu thờ gia tiên thì liệu ông bà mình có vào được nhà mà thực chất là của người khác để hưởng đăng trà quả thực không, hay lại bị Thần linh chặn ở cửa?
Điều đó cũng không sai. Tuy nhiên, ở đây cần phải phân biệt các hình thức nhà trọ, nhà thuê một cách cụ thể chứ không thể gộp tất cả vào một dạng được.
Dạng thứ nhất là nhiều người cùng thuê và ở chung một căn phòng, chúng tôi tạm gọi là ở trọ. Căn phòng đó chủ yếu chỉ là để ngủ chứ không có các không gian riêng.
Chẳng hạn nhiều người ở nông thôn lên thành phố làm nghề tự do như lượm ve chai, đồng nát, bán hàng rong, xe ôm, đánh giày… Những người này thường thuê chung một phòng, trong phòng thường kê những tấm phản liền nhau làm chỗ ngủ. Ngày đi làm, đến bữa ăn cơm bụi, chỉ tối mới về đánh một giấc rồi sáng mai lại dậy đi làm.
Các sinh viên ở ký túc xá hay thuê nhà trọ cũng gần giống như thế. Khác chăng là nhiều ký túc xá hay các phòng trọ tư nhân hiện nay cũng có công trình phụ khép kín.
Trong những trường hợp trên thì không thờ cúng tại nơi trọ cũng không sao. Lý do bởi vì dạng cư ngụ này giống như ở tập thể, mỗi người chỉ sử dụng một không gian nhỏ để ngủ; còn chủ nhà vẫn cai quản cả ngôi nhà hay cả khu nhà trọ đó và đã có ban thờ để thờ cúng Thần linh, Thổ địa… rồi. Hơn nữa, người ở trọ có muốn thờ cúng cũng khó vì không gian chật hẹp, tìm được nơi đặt ban thờ phù hợp không phải là điều đơn giản. Mặt khác, nếu thờ gia tiên thì mỗi người một gia đình, dòng họ khác nhau, chả lẽ thờ gia tiên… chung, hay mỗi người lại lập một bát hương riêng? Ở ký túc xá lại càng khó hơn vì mỗi trường có quy chế quản lý riêng, có nơi còn cấm hương khói trong phòng.
Có thờ có thiêng, có kiêng có lành…
Dạng thứ hai là thuê nhà, ở trọ nhưng không gian sống mang tính độc lập hay tương đối độc lập, chúng tôi gọi chung là thuê nhà, thì lại khác một chút. Đó là những người thuê cả một ngôi nhà độc lập, thậm chí là hai ba tầng, hay thuê hẳn một căn hộ riêng biệt…; tóm lại là thuê những không gian sống riêng biệt. Trường hợp này thì lại nên và cần phải thờ cúng.
Bởi vì, quan niệm của người Á Đông là đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, nếu là thuê ngôi nhà riêng biệt thì việc thờ cúng Thần linh, Thổ địa ở mảnh đất ấy là đương nhiên. Trường hợp thuê căn hộ thì với không gian khép kín, trong đó có bếp thì đương nhiên có Táo quân cai quản việc bếp núc. Cho dù hiện nay vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc Ông Công và Ông Táo là một hay là hai, nhưng cho dù là với quan điểm nào thì đó đều là các vị Thần linh, vì vậy việc thờ cúng là theo đúng phong tục truyền thống và để được Thần linh che chở, phù hộ.
Còn về việc thờ gia tiên, ở đây thông thường có hai trường hợp. Thứ nhất, nếu là một gia đình thuê một ngôi nhà độc lập hay căn hộ khép kín, riêng biệt (dù là có đầy đủ vợ chồng, con cái hay chỉ là người độc thân thì đó vẫn là một gia đình) thì việc thờ gia tiên là phải đạo, vì ai cũng có tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên có người lại cho rằng, việc thờ gia tiên là trách nhiệm của người con trưởng, còn con thứ thì không phải thờ. Điều đó hoàn toàn sai trái, vì cha mẹ là cha mẹ chung; việc thờ cúng là để nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục, hướng về cội nguồn và mang tính giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau. Hơn nữa, cha ông ta đã dạy: Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, nếu thành tâm thờ cúng sẽ được âm phúc, tổ tiên che chở, phù hộ…
Còn vấn đề Thần linh ngăn cản thì không cần phải lo lắng. Nếu khi dọn về nhà thuê, ta làm lễ nhập trạch đầy đủ, báo cáo và xin Thần linh cho phép thỉnh gia tiên về thờ cúng thì đương nhiên là đã “nhập hộ khẩu” rồi, gia tiên sẽ được vào nhà hưởng đăng trà quả thực và ban lộc cho con cháu. Lễ nhập trạch này rất đơn giản, chỉ cần 1 bếp ga du lịch, 1 ấm đun nước, 3 hũ nhỏ muối, gạo, nước và hoa quả, bánh trái, nếu có đĩa xôi, khoanh giò càng tốt. Khi làm lễ, bật bếp đun nước để sôi rồi lên hương, khấn Thần linh trước, khấn gia tiên sau… là được.
Trường hợp thứ hai, vài ba người độc thân thuê chung một căn hộ khép kín thì cũng vẫn nên lập ban thờ, nhưng trên ban thờ chỉ có một bát hương thờ Thần linh, Thổ địa mà không thờ gia tiên, và thành tâm cúng hương hoa vào ngày rằm, mồng một là được.
Ngay như khi nhiều người thuê chung một phòng, ở theo dạng tập thể, không có không gian riêng, hoặc sinh viên thuê chung phòng trọ hay ở ký túc xá, nếu điều kiện cho phép, có thể lập ban thờ đơn giản với 1 bát hương Thần linh, Thổ địa cũng tốt.
Tóm lại, việc thờ cúng ở nhà trọ hay nhà thuê nếu điều kiện cho phép thì nên làm. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, điều kiện cụ thể mà có những hình thức phù hợp, có thể đơn giản hóa chứ không câu nệ nhất thiết phải thực hiện đầy đủ như ở nhà riêng mà ta là chủ nhà.
Về hình thức thì thông thường ban thờ có 3 bát hương, bát hương thờ Thần linh to hơn đặt ở giữa, bên trái từ ngoài nhìn vào là bát hương thờ bà cô tổ và bên phải là bát hương thờ gia tiên. Trường hợp căn phòng quá hẹp, có thể chọn bát hương nhỏ nhưng không nên gộp làm 1 bát hương thờ chung. Còn trường hợp nhiều người ở chung một phòng có thể thờ 1 bát hương, nhưng đó là bát hương thờ Thần linh chứ không phải là thờ gộp Thần linh với bà cô tổ và gia tiên./.