Photo Travel: Chiêm ngưỡng cổ vật gắn với "Con đường tơ lụa"

Photo Travel: Chiêm ngưỡng cổ vật gắn với "Con đường tơ lụa"

Nhà báo Trọng Chính
Nhà báo Trọng Chính trongchinhphoto@yahoo.com
Thứ Bảy, 26/10/2024 - 06:30

Có kiến trúc hình chữ "E", Bảo tàng Cam Túc ở TP. Lan Châu có diện tích trưng bày khoảng 10.000m2 với hơn 200.000 hiện vật liên quan đến lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của tỉnh Cam Túc và Con đường tơ lụa. Đây là một lựa chọn hoàn hảo cho du khách khi muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa ở nơi được ví như "vùng đất bí ẩn của Trung Hoa".

*****

Cam Túc nằm ở phía Tây Bắc Trung Quốc, nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nhiều di tích lịch sử cổ kính. Đây cũng là nơi giao thoa giữa văn hóa Trung Hoa và phương Tây, với những nét văn hóa và lịch sử độc đáo bên sông Hoàng Hà uốn lượn và sa mạc Gobi rộng lớn.

Bảo tàng Cam Túc tọa lạc ngay trung tâm TP. Lan Châu, với điểm nhấn gây ấn tượng là khu trưng bày gốm màu thời kỳ đồ đá mới Trung Quốc. Được chia làm ba phần, các hiện vật trưng bày ở đây bao gồm: Sự ra đời của nền văn minh nhân loại cổ, đỉnh cao nền văn minh nhân loại cổ và tàn dư của nền văn minh nhân loại cổ.

Photo Travel: Chiêm ngưỡng cổ vật gắn với "Con đường tơ lụa"- Ảnh 1.

Không gian tái hiện Di chỉ văn hóa thời kỳ đồ đá mới ở tỉnh Cam Túc cho thấy khu vực này đã có người sinh sống từ khoảng 6.000 năm trước Công nguyên, thời kỳ Trung Quốc cổ đại. Cộng đồng dân cư thường sống trong những chiếc lều vải, mái lợp cỏ tranh…

Photo Travel: Chiêm ngưỡng cổ vật gắn với "Con đường tơ lụa"- Ảnh 2.

… khiến Cam Túc được coi là một trong những mảnh đất phát tích nền văn minh Trung Hoa với nghệ thuật làm gốm màu Cam Túc, một hình ảnh thu nhỏ của nền văn minh thời tiền sử ở Cam Túc.

Theo các chuyên gia, nghệ thuật gốm màu trưng bày tại Bảo tàng Cam Túc là đồ gốm có văn tự và hình vẽ sớm nhất ở Trung Quốc; dụng cụ đựng rượu đã xuất hiện hình vẽ âm nhạc, múa, tôn giáo, cũng như tái hiện văn hóa rượu sớm nhất tại quốc gia này.

Vốn là một trong những mảnh đất phát tích nền văn minh Trung Hoa, nghệ thuật gốm màu Lan Châu ở Cam Túc trải qua 5.000 năm phát triển, nổi tiếng bởi tạo hình đa dạng, đẹp mắt, nhiều hoa văn, màu sắc tươi tắn, cũng như hình thức phong phú và nội hàm văn hóa có chiều sâu. Đồ gốm màu là một hình ảnh thu nhỏ của nền văn minh thời tiền sử ở Cam Túc với các họa tiết, hoa văn hình sóng biển (đại diện cho sùng bái nước), hình răng cưa (đại diện cho sùng bái núi non) và hình ếch nhái (đại diện cho sùng bái động vật dưới nước).

Photo Travel: Chiêm ngưỡng cổ vật gắn với "Con đường tơ lụa"- Ảnh 3.

Tuy vẫn còn tranh luận về mục đích sử dụng, nhưng những chiếc bình gốm đã trở thành các dụng cụ sinh hoạt trong không gian mô phỏng chiếc lều của cộng đồng dân cư sinh sống từ khoảng 5.000 năm trước Công nguyên.

Photo Travel: Chiêm ngưỡng cổ vật gắn với "Con đường tơ lụa"- Ảnh 4.

Nghệ thuật gốm màu với sự khéo léo của người thợ gốm cách đây 5.000 năm ở lưu vực sông Hoàng Hà là một thành tựu chủ yếu đại diện cho nghệ thuật gốm màu Trung Quốc.

Ngay chính giữa phòng trưng bày rộng hơn 500m2 là một chiếc bình gốm màu cổ cao, hình vân xoáy. Đây là một tuyệt tác và cũng là một báu vật tiêu biểu của nghệ thuật gốm màu Lan Châu có niên đại khoảng 5.000 năm. Báu vật này được phát hiện rất tình cờ bởi lão nông Trương Đức Lộc, một nông dân ở huyện Tần An (thành phố Thiên Thủy, Cam Túc) vào năm 1973.

Chiếc bình này có hình mặt người và nhiều hoa văn độc đáo. Ban đầu, người dân trong làng cho rằng nó chỉ là một món đồ tương đối tinh xảo nhưng không có giá trị lớn nên không ai để ý. Ông Trương đem chiếc bình về nhà và sử dụng nó làm chai đựng gia vị trong suốt 5 năm. Trong thời gian đó, ông và gia đình không thấy gì đặc biệt về chiếc bình này.

Photo Travel: Chiêm ngưỡng cổ vật gắn với "Con đường tơ lụa"- Ảnh 5.

Trong số hiện vật trưng bày, chiếc bình gốm màu cổ cao, hình mặt người và nhiều hoa văn hình vân xoáy độc đáo đã trở thành Bảo vật quốc gia có niên đại khoảng 5.000 năm.

Một ngày nọ, khi đoàn khảo cổ đến huyện Tần An điều tra các di tích văn hóa, họ nhận ra giá trị quan trọng của các di vật này và yêu cầu người dân báo cáo nếu phát hiện có bất kỳ di vật văn hóa nào. Ông Trương đưa chiếc bình cho các chuyên gia khảo cổ xem xét và sau đó được xác định là một bảo vật quốc gia có niên đại hàng nghìn năm.

Các chuyên gia tin rằng, chiếc bình có niên đại khoảng 5.000 năm và có thể là một vật trang trí hoặc vật dụng có giá trị nghệ thuật trong thời đại đó. Tuy vẫn còn tranh luận về mục đích sử dụng, nhưng chiếc bình gốm này cho thấy sự khéo léo của người thợ gốm cách đây 5.000 năm.

Photo Travel: Chiêm ngưỡng cổ vật gắn với "Con đường tơ lụa"- Ảnh 6.

Cận cảnh tạo hình đa dạng, đẹp mắt, với nhiều hoa văn, màu sắc tươi tắn, cũng như hình thức phong phú và nội hàm văn hóa sâu dày trên một chiếc bình gốm màu...

Photo Travel: Chiêm ngưỡng cổ vật gắn với "Con đường tơ lụa"- Ảnh 7.

Photo Travel: Chiêm ngưỡng cổ vật gắn với "Con đường tơ lụa"- Ảnh 8.

… cùng nhiều sản phẩm khác được trưng bày và giới thiệu đến công chúng Nghệ thuật gốm màu lưu vực sông Hoàng Hà, thành tựu đại diện cho nghệ thuật gốm màu Trung Quốc tại Bảo tàng tỉnh Cam Túc.

Từng là huyết mạch giao thông quan trọng của Trung Quốc thời cổ đại, Cam Túc ngự trị ngay trên con đường tơ lụa khi xưa nên tại Bảo tàng cũng có rất nhiều cổ vật có giá trị liên quan được trưng bày. Trong các hang đá, các tượng Phật xếp từng dãy, xen kẽ lẫn nhau. Nhiều cụm trưng bày cũng đã tái hiện hang đá Mạch Tích Sơn, nơi có 194 tượng đất, hơn 7.000 pho tượng khắc đá và 1.300m bích họa lấy từ hang động các thời đại như Bắc Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Chu, Đời Tùy, Đời Đường, Năm Đại, Tống, Nguyên, Minh, Thanh./.

Photo Travel: Chiêm ngưỡng cổ vật gắn với "Con đường tơ lụa"- Ảnh 9.

Trong thực tế khi khai quật mộ, các đồ gốm màu được đào lên thường là những mảnh vỡ vụn, nguyên nhân chủ yếu là tiền nhân nhằm tránh bị người đời sau trộm mộ, nên trước khi hạ táng đã đập vỡ những vật tùy táng này. Do đó, có được một đồ gốm màu nguyên vẹn và màu sắc còn rất tươi tắn trưng bày là điều hết sức khó khăn.

Photo Travel: Chiêm ngưỡng cổ vật gắn với "Con đường tơ lụa"- Ảnh 10.

Các em học sinh được giáo viên hướng dẫn tham quan những đồ gốm màu tại Bảo tàng tỉnh Cam Túc.

Photo Travel: Chiêm ngưỡng cổ vật gắn với "Con đường tơ lụa"- Ảnh 11.

Một trong những con đường huyền thoại được ví như "Con đường tơ lụa" ở Trung Quốc là cung đường Trà Mã Cổ Đạo, dài hơn 10.000km cũng trở thành chủ đề mang tính văn hóa lịch sử tại Bảo tàng tỉnh Cam Túc.

Photo Travel: Chiêm ngưỡng cổ vật gắn với "Con đường tơ lụa"- Ảnh 12.

Các hang đá chứng kiến thời kỳ rực rỡ của Phật giáo Trung Quốc với hàng trăm hang đá chứa đựng tượng phật...

Photo Travel: Chiêm ngưỡng cổ vật gắn với "Con đường tơ lụa"- Ảnh 13.

… cùng hàng nghìn bức tranh tường miêu tả các sự tích Phật giáo tại Bảo tàng tỉnh Cam Túc.

Photo Travel: Chiêm ngưỡng cổ vật gắn với "Con đường tơ lụa"- Ảnh 14.

Hầu hết các bức bích họa đều về chủ đề Phật giáo, từ hình ảnh các chư Phật, Bồ Tát, Ngọc Hoàng đến các cốt truyện kinh Phật.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top