Photo Travel: Chốn vương giả giữa cao nguyên đá

Photo Travel: Chốn vương giả giữa cao nguyên đá

Nhà báo Trọng Chính
Nhà báo Trọng Chính trongchinhphoto@yahoo.com
Thứ Bảy, 28/12/2024 - 07:00

Vượt qua phạm vi của cao nguyên đá, nhà Vương là di sản có tính biểu tượng ghi dấu thời kỳ vàng son của con người từng bá chủ một vùng rộng lớn giữa muôn trùng núi đá cùng vô vàn huyền tích xung quanh.

***

Ba lần gần nhất lên với cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), tôi đều đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ - năm mới tại Sà Phìn, nơi có Motel Hoa Đá của anh Công, người lính biên phòng năm xưa quê ở Hà Nam khi xuất ngũ đã ở lại gắn bó với cao nguyên đá.

Motel Hoa Đá của vợ chồng anh Công, chị Huế nằm ngay ngã ba Dinh nhà Vương, Sà Phìn và Lũng Cú. Có lẽ đây cũng là điểm lưu trú sớm nhất được xây dựng giữa vùng đá bạt ngàn, lại ở vị trí đắc địa nên lúc nào cũng kín phòng khách đặt. Chưa kể chợ Sà Phìn nằm kế bên kia đường của Motel Hoa Đá khiến những du khách như tôi dễ hòa mình trong tiếng khèn réo rắt, thưởng thức men rượu ngô nồng ấm, hương vị ngọt bùi của mèn mén trong văn hóa đậm chất người Mông.

Photo Travel: Chốn vương giả giữa cao nguyên đá- Ảnh 1.

Trên cao nhìn xuống, dinh nhà Vương nằm trọn trong thung lũng Sà Phìn là công trình đồ sộ, nguy nga, sừng sững giữa vùng cao nguyên đá và được bao bọc bởi rừng sa mu cổ thụ trăm tuổi.

Photo Travel: Chốn vương giả giữa cao nguyên đá- Ảnh 2.

Dinh thự mang đặc trưng của lối kiến trúc người Hoa với Tứ hợp phòng tức là phòng ốc ở 4 phía bao quanh sân nhà. Tất cả đều được làm bằng gỗ.

Photo Travel: Chốn vương giả giữa cao nguyên đá- Ảnh 3.

Ảnh chụp vua Mèo Vương Chính Đức treo trong Dinh họ Vương. Xung quanh ông có rất nhiều câu chuyện huyền thoại, kỳ bí tựa như lớp mây mù bao phủ quanh vùng đồi núi hiểm trở này vậy.

Trong những buổi sớm mai lảng bảng mù mây, tôi thường chêm ấm trà đậm từ căn bếp Motel Hoa Đá, mở lối ra ban công, nhìn thẳng xuống nhà Vương, nơi đẹp lạ lùng trong ngày đầu tiên của năm mới. Giữa thung lũng Sà Phìn, nhà Vương tựa lưng vào dãy núi cao, 2 bên có núi Văn - núi Võ như 2 người canh gác nhìn ra thung lũng rộng phía trước. Đó cũng là quần thể Dinh thự nổi bật với kiến trúc vương giả, thành quách kiên cố, rừng sa mộc hùng dũng vươn lên cao vút bao quanh.

Trước đây, một số hậu duệ của họ Vương sinh sống trong khu Dinh thự nhưng từ khi được Nhà nước xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, con cháu họ chuyển ra sống ở các khu nhà xung quanh. Đây là nhánh lớn nhất của họ Vương vẫn bám trụ ở vùng cao nguyên đá, nơi vua Mèo Vương Chí Sình đã bỏ tâm huyết để xây dựng khu Dinh thự trong thời kỳ hoàng kim của ông. Giờ nó là tài sản vô giá mang lại việc làm, nguồn thu nhập cho con cháu ông, đồng thời cũng là địa chỉ du lịch đầy tự hào nơi cực Bắc.

Photo Travel: Chốn vương giả giữa cao nguyên đá- Ảnh 4.

Kiến trúc của Dinh thự là sự kết hợp 3 nền văn hóa Trung, Pháp và Mông, tuy nhiên văn hóa Mông vẫn là văn hóa chủ đạo trong dinh thự nhà họ Vương. Tổng thể tại Dinh thự có 4 căn nhà ngang, 6 căn nhà dọc, chia làm 3 khu vực là tiền dinh, trung dinh và hậu dinh với 64 căn phòng nhỏ sắp xếp trên 2 tầng…

Photo Travel: Chốn vương giả giữa cao nguyên đá- Ảnh 5.

… mái lợp toàn bộ bằng ngói âm dương màu ghi xanh, ngói ống trang trí hoa văn hình chữ "Thọ", có thể chống được thời tiết khắc nghiệt nơi đây.

Photo Travel: Chốn vương giả giữa cao nguyên đá- Ảnh 6.

Do Dinh thự được thi công hoàn toàn bằng sức lực con người, không có sự can thiệp của máy móc nên để đảm bảo được tính kiên cố, những người thi công đã dùng đá xanh giúp cho dinh thự đứng vững dưới dòng thời gian lịch sử. Trong ảnh là bồn tắm sữa dê bằng đá của vua Mèo Vương Chính Đức.

Vương Thị Chờ, nữ hướng dẫn viên đầu tiên của Di tích Nhà Vương tôi gặp vào tháng 6 năm 2017 khi tôi tháp tùng đoàn công tác của Đại sứ Úc tại Việt Nam có chuyến thăm nơi đây. Là cháu gái đời thứ tư của vua Mèo Vương Chí Sình, Vương Thị Chờ từ bé đã gắn với tán rừng sa mộc, thân thuộc với từng con đường đá dưới mái nhà Vương. Hôm đó, cô đã rất đỗi tự hào khi giới thiệu với những vị khách ngoại quốc công trình do cố nội Vương Chí Sình xây dựng ở Sà Phìn, hơn 100 năm về trước. Còn với tôi, khi đó mới biết rằng cô là hướng dẫn viên duy nhất, có thâm niên lâu nhất tại Di tích Nhà Vương.

Năm 2021, khi con cháu vua Mèo Vương Chí Sình thành lập Hợp tác xã du lịch khu di tích Nhà Vương với 22 xã viên, đại diện cho 22 gia đình hậu duệ thì Chờ vẫn là hướng dẫn viên chính, chủ lực của nhà Vương. Đến những ngày đầu năm 2024, khi tôi trở lại thăm nhà Vương thì cô đã lui về hậu trường, phụ trách quầy bán vé tham quan và đào tạo thế hệ kế tiếp công việc hướng dẫn viên.

Giờ thì Chờ cũng như các gia đình hậu duệ vua Mèo Vương Chí Sình đã yên tâm trong việc trao truyền cách thức giữ gìn truyền thống của dòng họ, thật ý nghĩa khi con cháu của dòng họ giới thiệu về tổ tiên, dòng tộc mình. Để sau bao biến thiên, dâu bể của dòng họ Vương, các chứng nhân như Chờ và những gì còn hiển hiện đã giúp người đời được chiêm ngưỡng, bái vọng những hiện vật với vô vàn huyền tích xung quanh.

Photo Travel: Chốn vương giả giữa cao nguyên đá- Ảnh 7.

Bên bậc lên xuống hiên nhà toàn bộ được làm bằng đá xanh nguyên khối khai thác trong vùng, Vương Thị Chờ xúng sính bộ trang phục thiếu nữ Mèo, là hướng dẫn viên du lịch cho đoàn công tác của Đại sứ Úc tại Việt Nam có chuyến thăm nơi đây năm 2017.

Photo Travel: Chốn vương giả giữa cao nguyên đá- Ảnh 8.

Xung quanh nhà Vương, dòng họ Vương miền cực Bắc với 22 gia đình hậu duệ sinh sống gắn với những nét văn hóa đặc sắc dân tộc Mông trên cao nguyên đá…

Photo Travel: Chốn vương giả giữa cao nguyên đá- Ảnh 9.

… từ kiến trúc nhà…

Photo Travel: Chốn vương giả giữa cao nguyên đá- Ảnh 10.

… nếp sinh hoạt…

Photo Travel: Chốn vương giả giữa cao nguyên đá- Ảnh 11.

Photo Travel: Chốn vương giả giữa cao nguyên đá- Ảnh 12.

... đến kết cấu bên trong của mỗi hộ gia đình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top