Photo Travel: Đại nội Huế, nơi biểu tượng Rồng bay lượn
Trong quan niệm thẩm mỹ cung đình, rồng tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của bậc thiên tử nên trở thành biểu tượng phổ biến nhất trong mỹ thuật cung đình Huế.
***
Không chỉ là linh vật hàng đầu trong tứ linh "Long, Lân, Quy, Phụng", rồng còn tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của đấng quân vương. Trên đất Cố đô, rồng thời Nguyễn tượng trưng cho sức mạnh của bậc đế vương và dễ chiêm ngưỡng hình tượng này trên khắp các công trình kiến trúc, điêu khắc như cung điện, lăng tẩm, tôn miếu, Cửu đỉnh…
Hình tượng rồng có ở hầu khắp các công trình quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành (còn gọi là Đại nội) Huế với các mô típ như lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nhật, long hý thủy, hồi long, viên long, long truy, long phụng, long lân, long thọ, long vân khánh hội, trúc hóa long, cúc hóa long...
Từ sân Đại Triều, ngay thềm điện đã có hình rồng chầu được chạm khắc trên những lan can bậc đá. Ngoài hiên, rồng được chạm quấn xung quanh cột, cách điệu trên những con son gỗ của hệ kết cấu đỡ mái hiên. Rồng được đắp ở đỉnh mái, trên bờ nóc, bờ quyết của các tầng mái với nghệ thuật khảm sành sứ rất đặc trưng của kiến trúc cung đình Huế.
Trên đỉnh mái các công trình kiến trúc, điêu khắc ở Đại Nội, rồng được thể hiện với một mô-đun nhất định. Cụ thể, từng chiếc vảy cắt gọt theo các mảnh gốm vàng để gắn lên thân rồng, việc diễn tả hình ảnh được thực hiện rất kỹ lưỡng. Ngay cả hai cửa thoát nước mái phía đầu hồi điện Thái Hòa cũng được đắp hình mặt rồng há miệng. Các chi tiết trang trí rồng trên mái có tính nghệ thuật rất cao, thể hiện tài năng của những nhà thiết kế và những nghệ nhân xây dựng công trình./.