Photo Travel: "Địa chỉ đỏ" lưu giữ di sản quân sự của dân tộc
Mở cửa đón khách tham quan từ ngày 1/11/2024, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật Quốc gia và nhiều khí tài quân sự hiện đang trở thành điểm đến được đông đảo du khách quan tâm, đặc biệt trong những ngày kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
***
Sau gần hai tháng mở cửa hoạt động, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Bảo tàng) đã đón lượng khách kỷ lục khi có thời điểm đạt khoảng 25.000 - 30.000 lượt, tương đương với lượng khách trung bình một ngày của những bảo tàng nổi tiếng thế giới như Louvre tại Paris (Pháp), Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia của Mỹ, Bảo tàng Quốc gia của Trung Quốc…
Sở dĩ Bảo tàng trở nên nổi tiếng không chỉ bởi phản ánh toàn diện, sâu sắc về di sản văn hóa quân sự Việt Nam qua các thời đại mà còn là công trình văn hóa đa năng, tổng hợp, hiện đại, tiêu biểu của quân đội và quốc gia, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử quân sự cho bộ đội và nhân dân.
Tọa lạc ở Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có quy mô 4 tầng nổi và 1 tầng hầm, với diện tích xây dựng 23,1 nghìn m2. Hiện hệ thống trưng bày tại tầng 1 giới thiệu hàng ngàn hiện vật, được tổ chức khoa học, phong phú, ứng dụng công nghệ tiên tiến như sa bàn 3D, màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động, mã QR tra cứu thông tin hiện vật…
Trong số hơn 150 nghìn hiện vật lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng, có tới 4 bảo vật Quốc gia. Ngay sảnh ra vào, chiếc tiêm kích MiG-21 mang số hiệu 4324 với 14 ngôi sao trên mũi, biểu tượng cho 14 chiến công bắn rơi máy bay Mỹ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từng có 9 phi công điều khiển chiếc MiG-21 4324, đã xuất kích 69 lần, gặp địch 22 lần, xạ kích 16 lần, bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Chiếc máy bay này được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật Quốc gia ngày 14/1/2015.
Trong khu chuyên đề kháng chiến chống Mỹ, có chiếc tiêm kích MiG-21 số hiệu 5121 do Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân điều khiển bắn rơi máy bay ném bom B-52 của Mỹ đêm 27/12/1972. Bên trong Bảo tàng, chiếc xe tăng T-54B mang số hiệu 843 dẫn đầu đội hình vào Sài Gòn, trên đường đến Dinh Độc Lập đã bắn cháy ba xe tăng và bọc thép của địch, húc tung cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Cuối cùng là bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Khu trưng bày ngoài trời giới thiệu một số vũ khí và phương tiện chiến tranh của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và của quân dân ta trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập của Tổ quốc. Khi đứng trước những hiện vật "biết nói" này, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng, 71 tuổi (Nghệ An) xúc động rưng rưng nhớ tới các đồng đội từng chiến đấu tại các chiến trường Quảng Trị, Sài Gòn..., trong đó có nhiều người đã không trở lại sau ngày giải phóng. Thăm Bảo tàng, để nhớ lại ký ức của một thời khói lửa, ông thấy thật tự hào và hạnh phúc hơn khi thế hệ ngày nay có một không gian văn hóa đặc biệt, để biết hướng về cội nguồn, hướng về truyền thống đấu tranh giành độc lập dân tộc của những người đi trước./.