Photo Travel: Hoang sơ thác Hiêu, nức tiếng vịt quay Cổ Lũng
Vẻ đẹp hùng vĩ của thác Hiêu cùng các món ăn dân dã mang đậm bản sắc địa phương như vịt quay Cổ Lũng đã khiến Pù Luông không chỉ là nơi lưu giữ "linh hồn" của rừng già mà còn là điểm đến khám phá văn hóa của cộng đồng người Thái xứ Thanh.
***
Để đến được thác Hiêu, từ điểm đến đầu tiên ở Pù Luông là Bản Đôn (xã Thành Lâm), tôi phải chạy xe qua thị trấn Cành Nàng về hướng xã Cổ Lũng tầm 25km, đến thác bản Hiêu thuộc thôn Hiêu, xã Cổ Lũng. Đến được trung tâm xã Cổ Lũng, lại tiếp tục vượt qua quãng đường không quá dài nhưng rất khó đi nên bỏ lại ô tô, ngồi sau xe máy của chị phụ nữ dân tộc Thái địa phương chạy xe ôm để vào được thác Hiêu nằm giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, huyện Bá Thước, Thanh Hóa.
Trong tiếng Thái, "Hiêu" có nghĩa là mỏm đất chênh vênh, nhô ra bên ngoài. Tên gọi của ngọn thác cũng đúng với địa thế thực tế bởi với chiều dài hơn 800m, thác bắt nguồn từ một hang đá ở dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương. Để ngắm nhìn được trọn vẹn vẻ đẹp của dòng thác, tiếp tục lội thác trong khoảng gần giờ đồng hồ để lên đỉnh Hiêu. Nhìn xuống từ đây sẽ thấy dòng nước ngang lưng chừng núi chia tách làm 2 nhánh, đổ về 2 hướng khác nhau rồi hợp lại ở cuối dòng. Các vách đá tạo nên hàng chục tầng thác nước.
Đổ bọt trắng xóa một vùng, mang theo chất đá vôi cũng chính là điều đặc biệt khiến thác Hiêu không giống như những thác nước khác: không có bùn và không bị trơn do rêu khó mọc trên nền đá vôi. Ngoài chân thác là một "hồ bơi tự nhiên" khổng lồ, mực nước chỉ hơn 1m, bên dưới là nền cát, thỏa sức cho du khách ngụp lặn nên nước trong veo, màu xanh ngọc bích.
Bản Hiêu nằm bên bờ suối Hiêu với những ngôi nhà sàn của người Thái rải rác dọc hai bên bờ suối. Theo bà con dân tộc Thái nơi đây, đây là nguồn nước chưa bao giờ cạn và cũng chính là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nước nuôi loài cá bỗng dưới nếp nhà sàn và tưới cho những thửa ruộng bậc thang trong vùng.
Cá bỗng bà con dân tộc Thái nuôi thoạt nhìn giống cá trắm với thân mình thon dài nhưng lưng của chúng có màu xanh rêu, môi và vây màu đỏ. Đây là loài cá sống ở nguồn nước trong sạch, là loài cá quý, đặc sản. Loài cá này có sức đề kháng tốt hơn so với cá khác, thịt săn chắc thơm và ngon.
Ở bản Hiêu, du khách còn có cơ hội thưởng thức các món ăn dân dã mang đậm bản sắc dân tộc địa phương, trong đó có những món ăn được chế biến từ vịt Cổ Lũng, được ví như "sâm cầm xứ Thanh". Thường gọi là vịt suối, vịt Cổ Lũng là đặc sản nổi tiếng của người Thái. Giống vịt này cổ rụt, chân nhỏ lùn, cổ và đầu thường có lông khoang, lông mướt thích sống trong môi trường sạch nên được người dân nơi đây nuôi thả trên những cánh đồng, con suối ở bản.
Vịt Cổ Lũng được chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau, nhưng ngon nhất phải kể đến món vịt quay thơm phức béo giòn. Sau khi được sơ chế sạch, vịt được nhồi các gia vị như lá mắc mật, muối, đường, ngũ vị hương rồi khâu kỹ lại đem nướng trên than hoa. Thịt vịt chín nóng giòn màu nâu đỏ bắt mắt và hương vị thơm ngon khó cưỡng, món này nhất định phải ăn cùng nước chấm nêm từ gan vịt nghiền nhỏ cộng muối và hạt mắc khén đã được giã nhỏ thì ngon đúng điệu.
Đã đến Pù Luông mà chưa đến thác bản Hiêu và thưởng thức món thịt vịt Cổ Lũng vẫn chưa được coi là trải nghiệm trọn vẹn đâu bạn nhé!