Photo Travel: Lênh đênh "Hạ Long" nơi non cao
Với mặt nước xanh ngắt, cảnh sắc thơ mộng, có một Na Hang đẹp như mơ khi du khách ngồi nơi mũi con thuyền, chầm chậm thả trôi lững lờ trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.
***
Được mệnh danh là "Hạ Long" trên cạn, hồ Na Hang có diện tích hơn 8.000ha với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, là nơi kết nối các tuyến đường thủy từ thị trấn Na Hang với nhiều xã của huyện Na Hang và huyện Lâm Bình thông ra khu danh thắng quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn).
Na Hang vốn là tên gọi có nguồn gốc từ tiếng Tày, có nghĩa là "ruộng cuối, nơi được bao quanh bởi 99 ngọn núi trùng điệp mang hình dáng khác nhau tạo nên khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ. Cùng dòng nước trong xanh phẳng lặng bao quanh, nhiều du khách đã ví hồ như "Hạ Long giữa đại ngàn". Thêm nữa, bởi ở địa hình cao, hồ còn được thiên nhiên ưu đãi với những áng mây bồng bềnh quanh đỉnh núi khiến cảnh sắc trở nên vô cùng ấn tượng.
Trải nghiệm đầu tiên được nhiều du khách lựa chọn khi đến Na Hang là đi thuyền xuôi theo lòng hồ, lướt trên mặt nước mênh mông, trong xanh và chiêm ngưỡng cảnh sắc núi non trùng điệp dọc hai bên bờ. Hành trình này bắt đầu từ bến thuyền ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, nơi có cả chục chiếc thuyền sẵn sàng đón khách. Với lộ trình khám phá hồ thường kéo dài 2 tiếng, thuyền ngang qua nhiều điểm dừng chân như Cọc Vài, thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, Nặm Me, hang Phia Vài… hay cắm trại trên các đảo nổi nếu thời gian cho phép.
Thắng cảnh Cọc Vài vốn là một cột đá cao hàng trăm mét nằm sâu trong vùng 99 ngọn núi đá vôi xã Thượng Lâm, Lâm Bình, điểm đến đầu tiên trong chuyến lênh đênh. Trước khi có hồ thủy điện, rất khó để đến được nơi này bởi địa hình quá hiểm trở. Kể từ khi nước hồ dâng lên, việc đến thăm thắng cảnh bằng thuyền mới trở nên dễ dàng hơn. Cọc Vài trong tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu. Đây là cột đá tự nhiên, cao hàng chục mét so với mặt nước hồ. Trên mỏm đá vẫn có cây cối xanh tốt.
Sau khi khám phá Cọc Vài, du khách thả trôi ngay vùng lòng hồ để làm bữa trưa giữa lênh đênh. Với những ai mê ẩm thực, hẳn sẽ hài lòng bởi nhiều món ăn ngon như bánh củ chuối, bánh dày nhân vừng đen hay các món ăn chế từ thịt lợn đen... Đặc biệt, các loại cá, tôm đặc sản của lòng hồ như cá bỗng sông Gâm, canh gà lá thuốc của người Dao, nộm da trâu, rau dớn, măng rừng, hạt dổi, cơm lam, xôi ngũ sắc Na Hang...
Với du khách thích một chút mạo hiểm, thác Khuổi Nhi là nơi không thể bỏ qua. Hiện hầu hết tour tham quan lòng hồ đều cho khách dừng tại điểm này. Để đến chân thác, bạn phải vượt qua con đường mòn, dốc dài khoảng một cây số. Nếu không lên thác Khuổi Nhi, ta lại tiếp tục lênh đênh hệ thống hồ trên núi, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi với hình khối vô cùng đặc trưng, xếp lại kề nhau nổi bật giữa đại ngàn.
Sau ngày lênh đênh trên hồ khám phá cảnh sắc và ẩm thực, cả một nền văn hóa đặc sắc đến từ 12 dân tộc đang sinh sống quanh hồ sẽ là điểm khám phá tiếp theo. Tại bản Nặm Đíp (xã Lăng Can, Lâm Bình) có gần chục hộ chuyển đổi làm cơ sở lưu trú cho du khách. Tại đây, bạn được ngủ trong những căn nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, Tày, nghe biểu diễn đàn tính và các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa tại đây đã tạo nên một vùng văn hóa dân gian độc đáo làm đắm lòng bao du khách.