
Photo Travel: Mùa "lấy mật giữa lưng chừng trời"
Vùng đất Bảy Núi là điểm đến yêu thích với những hàng thốt nốt vươn mình, chào đón những đôi chân thích lang thang. Còn đối với bà con đồng bào dân tộc Khmer, hàng nghìn cây thốt nốt ở các xã thuộc huyện miền núi Tri Tôn và TX. Tịnh Biên là nguồn nguyên liệu dồi dào trong việc nấu sản phẩm đường, từ mật hoa thốt nốt.
***
Bao đời nay, thốt nốt gắn liền với đời sống của người dân vùng đất bán sơn địa này ở An Giang. Cái tên loại cây nghe rất lạ tai "thốt nốt" cũng bắt nguồn từ tiếng Khmer là "th'not" nhưng người dân địa phương đọc trại ra thành "thốt nốt".
Mùa lấy nước thốt nốt bắt đầu khi thời tiết vào mùa khô, kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch hằng năm. Trên thân loại cây thân thẳng, cao đến 30m này, người trèo lấy nước thốt nốt phải có sức khỏe, cẩn thận và chịu khó. Họ không chỉ giỏi trèo cao cheo leo giữa cái nắng gay gắt mà còn phải thuần thục kỹ năng cắt buồng trái, lấy nước.
Hàng nghìn cây thốt nốt ở các xã An Phú, Văn Giáo, An Cư, An Hảo (Tịnh Biên) và Lương Phi, Ô Lâm, Châu Lăng (Tri Tôn) là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp mật hoa thốt nốt, giúp bà con Khmer trong việc nấu sản phẩm đường.
Thốt nốt có tuổi thọ cao, cây càng già càng cho nhiều nước, sản lượng mỗi năm tăng thêm và có trữ lượng đường cao. Do cây cao trên 15m nên phải dùng những cây tre dài, có nhiều nhánh làm thang để leo lên ngọn.
Mùa thu mật, trên ngọn cây thốt nốt rất dễ bắt gặp những người đi lấy nước thốt nốt để nấu đường. Trước đây, người ta thường dùng ống tre gai, chọn ống to, giao lóng để hứng nước. Nay thì ống tre không còn dùng nhiều nữa, thay vào đó là các vật dụng bằng nhựa nhỏ để nhẹ công mang lên cây. Sau một ngày, người lấy nước thốt nốt sẽ leo lên lấy nước, đổi bình và tiếp tục công đoạn cắt cuống bông thốt nốt dần cho đến khi hết bông.
Nước thốt nốt được người dân nấu thành đường hoàn toàn bằng phương pháp thủ công với chiếc chảo gang đặt trên lò đất đỏ lửa. 10 lít nước thốt nốt sẽ được nấu trong vài giờ để tạo ra 1kg đường ngọt thanh tự nhiên, không sử dụng phụ gia. Quá trình nấu khuấy liên tục đến khi đường cô đặc, có màu vàng đặc trưng là đạt yêu cầu và đem ra lò ngay để tránh bị cháy khét, đổ vào khuôn hình trụ, sau đó trút ra cắt khoanh và dùng lá thốt nốt gói bên ngoài như bánh tét.
Anh Châu Sóc Chiếp, xã Châu Lăng (Tri Tôn) với những can nhựa, đeo dao nhỏ len lỏi qua những hàng thốt nốt chuẩn bị thu hoạch mật hoa trong vườn của gia đình…
… cây thốt nốt 30 - 40 năm tuổi hầu như ra bông, cho trái và nước quanh năm, anh Châu Sóc Chiếp phải leo trên cây tre dài, có nhiều nhánh làm thang leo với những bậc thang từ thân cây tre…
… cẩn thận lấy những bình nước tích trữ từ hôm trước xuống, cắt tiếp phần ngọn những cuống bông, nước từ cuống bông sẽ chảy ra.
Mật thốt nốt sau khi được lấy xuống từ cây...
… phải lọc qua miếng màng mỏng cho sạch bông, bụi…
... sau đó, cho vào chảo lớn, nấu khoảng 5 - 6 tiếng là cô đặc thành đường.
Với hơn 60 ngàn cây thốt nốt nằm rải rác tại các xã An Phú, Văn Giáo, An Cư, An Hảo (TX. Tịnh Biên) và Lương Phi, Ô Lâm (huyện Tri Tôn) trong thời kỳ thu hoạch đã giúp gần 1.000 hộ người dân tộc Khmer mưu sinh bằng nghề lấy nước thốt nốt và sơ chế thành đường chảy cùng với hơn chục cơ sở tinh chế đường...
Thương hiệu thốt nốt Bảy Núi đã là thương hiệu nổi tiếng được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Vào tháng 2/2024, nghề làm đường thốt nốt của đồng bào Khmer huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.
Mật thốt nốt lấy về phải nấu liền, nếu không sẽ chua, không thể nấu đường nên gia đình anh Châu Sóc Chiếp phải xây lò nấu đường gần nơi lấy mật, để thuận tiện cho việc nấu đường...
Mẻ đường thốt nốt có màu vàng sánh đặc trưng của gia đình chị Neáng Chanh Tha, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (An Giang). Thường thì sau khi nấu cô đặc lại, đường thốt nốt chất lượng có màu vàng sậm và vị ngọt thanh.