Photo Travel: Mường Thanh, cây cầu "tiến quân lịch sử" trên dòng Nậm Rốm
Như một nét huyền nối liền giữa hiện tại với thời kỳ lịch sử dân tộc, chiến thắng Điện Biên Phủ, cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm đã chứng kiến thời khắc lịch sử ngày 7/5/1954 và cuộc sống của người dân Điện Biên 70 năm qua.
***
Nằm giữa trung tâm TP. Điện Biên Phủ, cầu Mường Thanh thuộc di tích thành phần của Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Đây cũng là điểm đến của hầu hết du khách lên thăm chiến trường xưa với mong muốn tận mắt thấy cây cầu "tiến quân lịch sử" 70 năm trước.
Do địa hình Điện Biên Phủ lọt giữa một lòng chảo rộng, xung quanh là núi cao bao bọc, ở trận địa trung tâm lại có dòng sông chảy qua chia cắt, nên việc giao thông liên lạc từ Sở Chỉ huy trung tâm (Hầm De Castries) với các cụm cứ điểm trên dãy đồi phía Đông, Đông Bắc gặp nhiều khó khăn. Đó là lý do mà quân Pháp cho xây dựng cầu Mường Thanh, vắt ngang sông Nậm Rốm để giải quyết vấn đề này.
Cầu do Donald Coleman Bailey thiết kế bằng phương pháp lắp ghép nên còn có tên gọi là cầu Bailey và trở thành một công trình quân sự nằm trong phân khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vật liệu xây dựng cây cầu bằng chất liệu sắt, làm sẵn và vận chuyển bằng máy bay từ nước Pháp sang lắp ghép tại Điện Biên Phủ. Cầu dài 40 mét, rộng 5 mét, hai bên thành cầu là những thanh sắt chống đỡ giản đơn không có trục giữa, sàn cầu lát bằng gỗ, dưới là những thanh dầm cũng bằng sắt được liên kết với nhau rất chắc chắn, đảm bảo tải trọng cho phép từ 8 đến 15 tấn.
Chiều 7/5/1954, quân Pháp không ngờ rằng cây cầu họ xây dựng lại chính là con đường dẫn đến sự "đại bại" khi bộ đội ta băng qua cầu Mường Thanh, tiến thẳng vào Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm, ghi dấu sự sụp đổ hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Dù có thêm nhiều cầu mới khang trang, chắc chắn hơn bắc ngang dòng sông Nậm Rốm nhưng cầu Mường Thanh vẫn đứng đó, như nhân chứng của lịch sử, nối liền thời khắc lịch sử với hiện tại và mãi là cây cầu "tiến quân lịch sử"./.