![Photo Travel: Naga, thần rắn biểu tượng trong kiến trúc chùa Khmer](https://cdn1z.reatimes.vn/652356615132086272/2025/2/7/trongchinhnaga-02-17389175536462132034960.jpg)
Photo Travel: Naga, thần rắn biểu tượng trong kiến trúc chùa Khmer
Đối với đồng bào Khmer sinh sống ở các tỉnh Tây Nam Bộ như Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang…, mỗi ngôi chùa đều được xem là Bảo tàng về nghệ thuật kiến trúc và thường có điểm nhấn là thần rắn Naga trang trí ở các góc mái, cổng rào, lan can, cột cờ...
***
Với hình thể độc đáo, tùy theo cách thức thể hiện như nhiều đầu, thường là số lẻ 5, 7, 9, phổ biến nhất ở con số 7 mà hình ảnh rắn thần Naga lại hàm chứa những ý nghĩa khác nhau.
Theo tiếng Phạn, "Naga" mang nghĩa là rắn lớn và linh vật này được gắn với hai vị thần là Vishnu và Shiva, theo nguồn gốc Hindu giáo. Người Ấn Độ cổ quan niệm rắn Naga là linh hồn của thiên nhiên, bảo vệ nguồn nước, giúp mùa màng tốt tươi, biểu trưng thịnh vượng.
Rắn thần Naga có nguồn gốc từ Ấn Độ được người Khmer và Chăm kế thừa, lưu dấu trong những ngôi chùa cổ tại các tỉnh Tây Nam Bộ như Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang…
Ở mỗi ngôi chùa Khmer, tùy theo cách thức thể hiện mà hình ảnh rắn thần Naga lại hàm chứa những ý nghĩa khác nhau. Trong ảnh là rắn thần Naga 5 đầu ở chùa Xiêm Cán, Bạc Liêu.
Đối với đồng bào Khmer Tây Nam Bộ, rắn Naga được gọi là Niệk theo nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc ra đời, trong đó có truyền thuyết lập quốc của người Khmer. Theo đó, vị vua đầu tiên lãnh đạo Vương quốc Chân Lạp là Kampu, vốn là người tài giỏi, đức độ, được nhân dân yêu mến, sùng kính như vị thần.
Thời trai trẻ, chưa lập vương quốc, trong lần vượt biển sang đất nước của những hòn đảo, ngài đã gặp con gái vua rắn Naga, một cô gái kiều diễm, thông minh, xinh đẹp. Khi vua rắn Naga tổ chức lễ kén rể cho con gái, Kampu đã vượt qua tất cả các chàng trai trong các cuộc thi văn võ để làm chồng công chúa Naga. Vợ chồng Kampu đã lãnh đạo nhân dân, kết nối các bộ lạc, lập nên Vương quốc Chân Lạp.
Biết ơn công chúa Naga, sau này khi xây dựng các cung điện, đền thờ, chùa chiền, các công trình tâm linh, các vị vua đều đắp tượng rắn Naga để thờ, xem đó là vị thần canh giữ chốn linh thiêng. Ngày nay, trong kiến trúc nhiều ngôi chùa của người Khmer, các phù điêu Naga nơi mái cuốn có ý nghĩa trừ tà, tránh hỏa hoạn và bảo vệ Đức Phật.
Biểu tượng rắn thần Naga vô cùng uy nghi tại chùa Trà Tim có tên chữ Khmer là MAJJMARAM CHRUITIMCHAS, tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, khóm Tâm Trung, phường 10, TP. Sóc Trăng.
Rắn thần Naga xuất hiện ở đền, chùa mang ý nghĩa bảo hộ đức Phật, bảo vệ không gian yên tĩnh, thanh sạch chốn chùa chiền. Trong ảnh là rắn thần Naga ở chùa Som Rong hay còn được gọi là Bôtum Vong Sa Som Rong, tọa lạc tại số 367 Tôn Đức Thắng, phường 5, TP. Sóc Trăng.
Cận cảnh hình tượng rắn Naga ở chùa Bôtum Vong Sa Som Rong, Sóc Trăng.
Hình tượng rắn thần Naga ở lối lên chùa Xiêm Cán, Bạc Liêu.
Thần rắn Naga khi xuất hiện thường có phần đuôi uốn cong, phần đầu là hình ảnh phồng mang với 3 đầu, 5 đầu, 7 đầu hoặc 9 đầu. Rắn 3 đầu tượng trưng cho tam tài: thiên - địa - nhân, 5 đầu tượng trưng cho ngũ hành: kim - mộc - thủy - hỏa - thổ, còn 7 đầu tượng trưng cho sự đắc đạo trong tu hành và 9 đầu chính là con đường dẫn lên thiên đàng. Tuy nhiên, phổ biến nhất trong các chùa Khmer ở Nam Bộ là rắn Naga 5 đầu.
Thần rắn Naga xuất hiện ở khắp nơi, từ nóc chùa, chân cầu thang chánh điện, chân cầu thang phòng đọc sách, chân cột cờ, trên những chiếc xe tang đưa người chết đến nơi hỏa thiêu tượng trưng cho vị thần đưa linh hồn người tốt lên cõi Niết Bàn.
Sự xuất hiện của hình tượng rắn Naga là nét văn hóa đặc trưng của người Khmer Nam Bộ, góp phần tạo nên một không gian linh thiêng, huyền bí của các ngôi chùa Khmer Nam Bộ.
Hình tượng rắn thần Naga trên mái chùa Kh'Leang, Sóc Trăng. Linh vật này thường ngự trên mái chùa, cổng rào, cột cờ... với ý nghĩa để xua đuổi tà ma và bảo vệ Đức Phật.
Hình tượng rắn thần Naga trên mái chùa Bôtum Vong Sa Som Rong, Sóc Trăng.
Hình tượng rắn thần Naga trên mái chùa Kh'Leang, Sóc Trăng.
Ngôi chùa trở nên uy nghi, bình an hơn với sự bảo vệ của rắn thần Naga nên khi xây dựng các cung điện, đền thờ, chùa chiền, các công trình tâm linh, đồng bào Khmer Tây Nam Bộ đều đắp tượng rắn Naga, xem đó là vị thần canh giữ chốn linh thiêng.