Photo Travel: Năm Tỵ thăm "thủ phủ" nghề nuôi rắn hổ
Từ xa xưa, xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao) đã nổi tiếng với lễ hội dân gian Trò Trám được cử hành vào nửa đêm 11 rạng 12 Tết âm lịch - một hình thức tín ngưỡng phồn thực thờ sinh thực khí (nõ và nường, giống như linga và yoni của người Chăm). Ngày nay, Tứ Xã được biết đến là "thủ phủ" của nghề nuôi rắn hổ mang ở Phú Thọ.
***
Sau hai "trung tâm rắn" ở miền Bắc là Lệ Mật (Hà Nội) và Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc), nghề nuôi rắn ra đời ở Tứ Xã gần hai chục năm trở lại đây nhưng là cả "gia tài" của nhiều hộ gia đình. Với những hộ chăn nuôi tại đây, loài bò sát này còn quen mặt hơn cả những loài gia súc, gia cầm như gà, vịt, lợn…
Nghề nuôi rắn Tứ Xã được hình thành từ đầu những năm 1990 và chính thức được công nhận là làng nghề nuôi rắn vào năm 2007. Giai đoạn những năm 2005 - 2010 là thời gian cực thịnh của làng nghề này, với hơn trăm tấn rắn thương phẩm xuất khẩu mỗi năm.
Nuôi rắn không đòi hỏi nhiều công sức, ít chịu mưa nắng như các nghề khác, chuồng trại không tốn diện tích, kích thước chuồng rất nhỏ, chỉ dài 50cm, rộng và sâu 30cm. Rắn thương phẩm chia làm 3 loại: loại 1 từ 1,5kg trở lên; loại 2 nhỏ hơn và loại 3 nhỏ dưới 1kg. Đặc biệt, đây còn là mặt hàng xuất khẩu lớn, rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc nên có đầu ra, đem lại hiệu quả kinh tế cao và thu hút nhiều hộ gia đình đầu tư hơn.
Theo quan niệm dân gian, năm nay là năm Tỵ, tức năm Rắn, người dân nuôi rắn Tứ Xã hy vọng công việc nuôi rắn luôn ổn định, thu lại lợi nhuận cao giúp đời sống bà con đi lên./.