Photo Travel: Nhà hát Opera Sydney, "kiệt tác kiến trúc thế kỷ 20"
Với thiết kế độc đáo, Sydney Opera House - nhà hát Con Sò được UNESCO mô tả là "kiệt tác của kiến trúc thế kỷ 20" hay "biểu tượng kiến trúc nổi tiếng thế giới" và quả thực, đây là tác phẩm nghệ thuật hiện đại xuất chúng, minh chứng cho sức mạnh sáng tạo của con người.
***
Đó là lý do bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến Australia cũng ít nhất một lần ao ước được chụp hình bên "kiệt tác" này. Vậy điều gì làm nhà hát Con Sò nổi tiếng đến vậy? Câu trả lời thật đơn giản, tự thân Opera Sydney đã mang trong mình một đặc điểm kiến trúc mà không nơi nào có được.
Đến tận những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, thành phố Sydney vẫn chưa có một địa điểm để tổ chức các chương trình kịch, biểu diễn âm nhạc quy mô lớn. Năm 1955, Thống đốc bang News South Wales Joseph Cahill đã tổ chức một cuộc thi thiết kế nhà hát lớn cho thành phố Sydney. Từ 233 bản thiết kế gửi đến, cuối cùng ban giám khảo đã lựa chọn thiết kế đầy táo bạo, độc đáo của kiến trúc sư người Đan Mạch Jorn Utzon. Thiết kế của Jorn Utzon lấy cảm hứng từ hình tượng chiếc thuyền buồm lịch sử của vị thuyền trưởng huyền thoại James Cook của nước Anh, người có công khám phá rất nhiều vùng đất mới bao gồm nhiều vùng đất của Úc.
Khoảng 1 triệu viên ngói granite trắng tráng men nhập từ Thụy Điển, 6.225m2 kính, 645km dây cáp điện đã được sử dụng để hoàn thành công trình. Phần mái hình con sò nặng 15 tấn và được đỡ bằng 2.194 thanh bê tông đúc sẵn. Mỗi mái vòm hình vỏ sò của nhà hát là một kỳ quan về kỹ thuật mà các kỹ sư phải mất 10 năm mới xây dựng xong. Phía dưới những mái vòm đáng nhớ đó, du khách sẽ thấy 6 khu vực biểu diễn, chứa tổng cộng 5.738 khán giả.
Với kiến trúc độc đáo hình con thuyền và những cánh buồm căng gió vươn ra biển khơi, nhà hát Opera Sydney là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng và tôi, một du khách quay lại thăm xứ sở kangaroo tuần qua đã không bỏ qua địa danh nổi tiếng này.
Rời sân bay Kingsford Smith Airport (Sydney), tôi chỉ mất 15 phút với tấm vé tàu điện sử dụng một lần 18 AUD là đến Circular Quay, sân ga gần nhất đi bộ tới Sydney Opera House. Đến thăm nhà hát Con Sò vào sáng thứ Năm, ngày trong tuần nên khá vắng du khách, khác hẳn ngày cuối tuần vô cùng sôi động và đông đúc. Một khoảng thời gian thật hợp lý để tản bộ dọc theo quảng trường, ngắm nhìn công trình kiến trúc với những thiết kế độc đáo nhất thế giới của thế kỷ XX, trong ánh nắng mai chiếu rọi trên những viên gạch màu kem lợp mái được sản xuất ở Thụy Điển. Với cơ chế tự làm sạch tự nhiên, những "vỏ sò" xếp chồng lên nhau này mang một màu trắng tinh khôi, kiều diễm.
Bên trong nhà hát, người ta sử dụng vật liệu là than granite hồng và gỗ lấy từ New South Wales để trang trí. Tất cả những điều đó đã mang lại cho Sydney Opera House một vẻ đẹp sang trọng, quyến rũ và tinh tế. Đó cũng là lý do để Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận nhà hát Opera Sydney trở thành Di sản văn hóa thế giới ngày 28/6/2007. UNESCO nhìn nhận nhà hát Opera Sydney là một "công trình táo bạo, một thử nghiệm có tầm nhìn rộng lớn và ảnh hưởng tới nghệ thuật kiến trúc cuối thế kỷ XX". Được sánh ngang với Kim tự tháp (Ai Cập), Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), lúc này người ta mới thấy được tài năng vượt thời gian của Jorn Utzon (1918 - 2008), kiến trúc sư đã thiết kế nên công trình độc đáo này.
Bên cạnh chức năng là một nơi trình diễn nghệ thuật, Opera Sydney còn là địa điểm thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, hội nghị quan trọng hay những sự kiện lớn của thành phố. Đây cũng là một trong những nơi thu hút rất nhiều nhà nhiếp ảnh, họa sĩ, ca sĩ, khách du lịch và các cặp uyên ương từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi năm có cả chục triệu lượt khách tham quan nhà hát, đóng góp hơn 1 tỷ USD cho nền kinh tế Australia, đồng thời tạo việc làm cho khoảng 12.000 người.
Sau hơn 50 năm kể từ khi chính thức khai trương ngày 20/10/1973, nhà hát Opera Sydney vẫn luôn là một trong những điểm đến ưa thích nhất của bất cứ ai khi đến với đất nước của "những chú chuột túi". Tham quan và chụp một bức ảnh với nhà hát sẽ là một ấn tượng khó phai trong hành trình khám phá.
* Bộ ảnh được thực hiện bởi dòng máy ảnh EOS R Full-frame Mirrorless, EOS R5, Lens Canon EF 16-35mm f/2.8 L IS USM, Canon EF 24-70mm f/2.8 L, Canon EF 70-200mm f/2.8, do Canon Marketing Việt Nam cung cấp trải nghiệm.