Photo Travel: Opal card, tấm thẻ quyền năng cho việc đi lại ở Sydney
Hơn 10 năm sau trở lại, Sydney trong mắt tôi không mấy đổi thay, có chăng Opal card đã thay tấm thẻ giấy khi sử dụng các phương tiện công cộng ở đây gồm xe bus, tàu hỏa, xe điện (light rail) và phà.
***
Nói đến Sydney nghĩa là nói đến những đặc trưng của nước Úc và ngược lại, nói đến Australia thì không thể không đề cập trước tiên đến Sydney. Dĩ nhiên, mức chi phí sinh hoạt và chi phí du lịch đều không hề rẻ chút nào với du khách, từ khách sạn, ăn uống và nhất là di chuyển… đều đắt đỏ nếu không tính toán.
Sân bay quốc tế Sydney Kingsford Smith Airport không hoành tráng và có thiết kế đẹp như các sân bay quốc tế ở nhiều nước khác nhưng việc làm thủ tục nhập cảnh và di chuyển về trung tâm khá thuận tiện. Con trai đã nạp sẵn cho bố mẹ mỗi người một thẻ Opal trị giá 100AUD sử dụng trong những ngày ở Sydney vì tiết kiệm hơn so với mua vé sử dụng một lần, tiền vé nhiều nhất sẽ là 18.70 AUD/ngày, vào các ngày cuối tuần tiền vé nhiều nhất chỉ có 9.35 AUD. Nghĩa là cuối tuần, giá vé tối đa bằng một nửa phí hằng ngày thông thường, nên đây là thời gian tốt nhất để đi du lịch xa hơn như bãi biển Bondi hoặc Blue Mountains.
Opal card sử dụng thanh toán phí khi đi các loại phương tiện công cộng ở Sydney gồm bus, tàu hỏa, xe điện (light rail) và phà. Du khách có thể sử dụng thẻ Opal khi bắt đầu chuyến đi, sau đó nhấn ra khi bạn hoàn thành chuyến đi của mình. Hệ thống sẽ tính toán và trừ giá vé chính xác dựa trên khoảng cách bạn di chuyển và phương thức vận chuyển.
Nhanh, thuận tiện, an toàn và sạch sẽ là những lý do thuyết phục để tàu điện trở thành loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến và được ưa thích nhất tại Sydney. Vì thế, cũng dễ hiểu tại sao Transport for NSW, cơ quan chịu trách nhiệm điều hành và quản lý mạng lưới tàu thuộc chính quyền bang New South Wales đã dự báo số hành khách sử dụng Sydney trains có thể lên tới con số hơn 4.000 triệu người.
Một tầng trung gian ở giữa có không gian nhỏ nhất dành cho những người lớn tuổi, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật phải sử dụng xe lăn. Hai tầng khác thì theo các bậc thang đi lên và đi xuống. Các ghế ngồi bọc nhung xanh điểm hoa vàng trang nhã và không hề có kiểu "mùi tàu xe" đặc trưng thường gặp trên phương tiện vận chuyển công cộng.
Thêm một lý do nữa để cảm thấy thú vị với tàu điện Sydney là thiết kế đa dạng và giàu tính thẩm mỹ của các ga tàu. Dù lớn hay nhỏ, mỗi ga đều mang một dáng vẻ khác nhau. Có ga như St.James phảng phất bóng dáng kiến trúc của các nhà ga ở châu Âu thế kỷ 19 trong khi ga Trung tâm (Central) lại rất hoành tráng và cổ kính, còn ga Museum thì được thiết kế như một bảo tàng lâu đời.
Xe điện (light rail) lại tương đối mới ở Sydney sau khi mạng lưới xe điện rộng khắp từ những năm 1870 đến năm 1961 bị giải tán bởi gây tắc nghẽn trên đường. Hiện ở Sydney có hai tuyến đường kết nối light rail là giữa ga Trung tâm và đồi Dulwich, dừng ở China Town, cảng Darling, sòng bạc, chợ cá Sydney... Chuyến light rail thứ hai chạy từ Circular Quay qua trung tâm thành phố đến ga Trung tâm, sau đó hướng về phía Đông qua Surry Hills, đi qua Sydney Cricket Ground và đến Kingsford.
Chán đô thị rồi, với tấm thẻ "quyền lực" Opal card lên light rail để qua bến tàu Circular Quay, từ đó bắt chuyến xe bus 333 đi bãi biển Bondi. Đi lên đi xuống, dọc ngang khắp nơi trong suốt 5 ngày, thế mà khi tạm biệt Sydney, mỗi người vẫn còn dư khoảng vài chục AUD trong thẻ Opal. Nếu sử dụng taxi với mức độ đi lại như vậy, chắc chắn chi phí sẽ phải gấp tới nhiều lần./.