Photo Travel: Thắp đèn, thức cùng phiên chợ cá "âm phủ"
Có một thế giới mua bán cá cảnh về đêm độc nhất giữa lòng Sài Gòn tồn tại mấy chục năm nay ở khúc đường Trần Hưng Đạo - Lưu Xuân Tín. Điều đặc biệt của phiên chợ dành cho các tín đồ cá cảnh này là chỉ họp nhộn nhịp nhất trong khoảng thời gian từ 3 giờ đến 6 giờ sáng, sau đó "biến mất", nhường chỗ lại cho cuộc sống tấp nập và hối hả của Sài thành.
***
Từ khoảng 3 giờ sáng, phiên chợ "có tuổi mà không có tên" nhưng lại nổi tiếng và trở thành nét riêng của Sài Gòn - TP.HCM mỗi khi nhắc đến bắt đầu nhóm họp. Trong cái thứ bóng tối lờ mờ, ánh đèn đường vàng vọt, người mua, kẻ bán trả giá xôn xao cả khúc đường.
Theo lời người bán, chợ cá cảnh này ra đời từ trước năm 1975. Thương nhân ở nhiều quận huyện như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn... họp tự phát trên tuyến đường này để mua bán cá cảnh. Con đường nhỏ trở thành khu chợ mua bán cá cảnh tấp nập với số lượng giao dịch lớn hàng đầu cả nước.
Cá cảnh các loại từ khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều được tập trung về đây, sau đó phân phối ngược về các cửa hàng kinh doanh trên cả nước. Giá cá cảnh tại chợ thường thấp hơn nhiều so với trong các tiệm cá cảnh. Những túi cá đủ các loại như bảy màu, tiger, cá đĩa, ba đuôi… có giá khoảng 150.000 - 200.000 đồng/bọc (50 - 60 con), thậm chí có cả cá tiền triệu như cá la hán được bơm sẵn oxy bày bán la liệt trên mặt đường. Khách hàng thích loại nào sẽ cầm đèn pin soi vào bọc cá để ngắm nghía, trả giá trước khi quyết định xuống tiền.
Khoảng 6 giờ sáng, chợ cá cảnh "âm phủ" biến mất lạ thường, nhường chỗ lại cho cuộc sống tấp nập và hối hả. Dù chỉ tồn tại một cách chóng vánh trong khoảng 3 tiếng đồng hồ nhưng hàng chục năm nay, chợ cá cảnh Lưu Xuân Tín đã trở thành một phiên chợ riêng biệt, đầy độc đáo, là nơi mưu sinh, nuôi sống nhiều người tại TP.HCM./.