Photo Travel: Trình Trò làng Trám
Khi nhiều người trẩy hội xuân thất vọng với biến tướng của các lễ hội thì xem trò làng Trám (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) diễn ra trong 2 ngày 11 và 12 tháng Giêng âm lịch được hỉ hả với các diễn xướng: Tứ dân chi nghiệp, khuyến khích mọi người về sỹ - nông - công - thương và đậm màu sắc phồn thực của người dân Đồng bằng Bắc Bộ.
***
"Linh tinh tình phộc" được coi là lễ hội độc đáo nhất của người Việt nhằm tôn vinh tín ngưỡng phồn thực, phản ánh nét văn hóa đặc trưng của dân cư nông nghiệp. Ngoài thời khắc cử hành Lễ Mật quan trọng nhất đêm 11, rạng sáng ngày 12 khi người đàn ông cầm linh vật "Nõ" lấy đà rồi chạm vào "Nường" của người đàn bà 3 lần vang lên tiếng kêu "phộc, phộc, phộc", trò Trám được trình hai lần ngay trên sân miếu Trò.
Gọi là "Trò" vì từ phần lễ của đêm "linh tinh tình phộc" đến phần hội (các trò vui chơi múa hát) đều có các trò "nhây nhả" (chữ của các cao niên ở xã Tứ Xã).
Trò Trám là "Lễ hội Nõ Nường" do đó toàn bộ tích trò diễn ra ở đây đều tuân theo chức năng hoạt động của Nõ và Nường. Từ cái cưa "xẻ" gỗ, cái đục "đục" gỗ là tượng trưng cho Nõ "phộc" vào Nường; hoặc Sỹ chiếc bút "quệt" vào nghiên mực, Nông cái cày "cắm" xuống đất, cần câu lưỡi "móc" vào mồm cá... và lời ca của nhóm "tứ dân chi nghiệp" (sỹ, nông, công, thương) cũng đều ám chỉ việc Nõ "phộc" vào Nường.
Chính người dân Tứ Xã tham gia diễn trò "tứ dân chi nghiệp", còn gọi là "bách nghệ khôi hài" - một màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa 4 nghề chính trong đời sống (sỹ, nông, công, thương) với những làn điệu dân ca riêng biệt của vùng quê đất Tổ.
Lời ca có trên 350 câu thơ lục bát không kể lời ứng tác tức thì. Trong ngày trình trò "bách nghệ khôi hài", các nhân vật công diễn các vai thợ cày, thợ cấy, thợ mạ, thợ gặt, thợ mộc, người chăn tằm, dệt vải, thầy đồ, thầy thuốc, thầy cúng, người đi buôn, đi câu, bắt cá… với những động tác, ngôn ngữ gây cười cho dân làng.
Trò Trám đã có lúc bị gián đoạn vì chiến tranh nhưng đã được người dân nơi đây "tìm lại" từ năm 1993 và được biết đến bởi lễ hội duy nhất ở Đồng bằng Bắc Bộ đề cập trực tiếp đến chuyện tính dục trong các nghi lễ của những người nông dân thuần phác bỏ tay cấy, tay cày vào trò./.