
Photo Travel: Về sóc Phnôm Pi, nghe tiếng chày giã "đu đủ đâm" nức tiếng
Vùng đất biên giới Tri Tôn, An Giang là nơi giao thoa của nhiều văn hóa nên ẩm thực ở đây khá phong phú. Một trong những món đặc sản dân dã du khách phải thử khi ghé thăm nơi đây là món "đu đủ đâm" của đồng bào Khmer.
***
Sóc Phnom Pi (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang) chỉ cách thị trấn Tri Tôn gần 2km, là nơi sinh sống chan hòa của ba dân tộc Kinh - Chăm - Khmer. Mỗi dân tộc là một thức vị riêng, không lẫn vào đâu ở sóc Phnom Pi, đặc biệt là đu đủ đâm. Chỉ một đoạn đường chưa đến 500m ở Phnom Pi với hàng chục quán đu đủ đâm cũng khiến nơi đây trở thành "con đường đu đủ đâm" nức tiếng.
Đu đủ sau khi gọt vỏ và rửa sạch được bào thành sợi. Từng sợi đu đủ dai giòn, ngòn ngọt với sắc xanh đan cài cùng màu đỏ tươi như gọi mời thực khách từ trong chiếc tủ kính trưng bày.
Theo tiếng Khmer, "đu đủ đâm" có tên là bốk-la-hông, khi chế biến thường dùng cách đâm (hoặc là dầm, giã) trong cối.
Đu đủ bào sợi phải ướp đá để tươi và giòn hơn, bí quyết "giữ chân khách" ở sóc Phnom Pi.
Vốn được biến tấu từ món gỏi đu đủ của Campuchia, tên gọi dân dã này theo tiếng Khmer là bốk-la-hông, một món gỏi đu đủ mà khi chế biến thường dùng cách đâm (hoặc là dầm, giã) trong cối, từ đó món ăn này có tên gọi "đu đủ đâm". Người dân sóc Phnom Pi đã học hỏi và chế biến để món ăn dân dã này biến thành đặc sản "vạn người mê".
Dù là món ăn dân dã nhưng "đu đủ đâm" mang hương vị độc đáo, ngon "xoắn lưỡi" khi thêm chút béo của trứng vịt hòa với nước sốt gỏi, vị mặn vừa phải của mắm, vị chua của chanh, vị béo của đậu phộng rang hay vị cay cay từ những miếng ớt.
Ăn kèm với món đu đủ đâm là món bò nướng, một trong những đặc sản An Giang nức tiếng. Đu đủ đâm và bò nướng là cặp đôi hoàn hảo vì một cái thơm béo, một cái giòn, chua dịu, rất hợp để đưa đẩy trong bữa ăn vặt.
Đu đủ đâm còn ăn kèm xiên chân, cánh gà nướng béo ngậy.
Theo cô gái trẻ Néang Srây Ny, chủ quán đu đủ đâm Rina, nơi được đánh giá là quán ngon và đắt khách nhất "con đường đu đủ đâm" nguyên liệu chế biến phải là loại đu đủ mỏ vịt, không bị dập và có màu sắc tự nhiên. Đu đủ mỏ vịt được bào lấy sợi ướp cùng với đá giữ lại vị giòn, ngọt. Bởi là tiệm đầu tiên ở sóc Phnom Pi nên quán đu đủ đâm Rina luôn đông khách nhất, khi cô chủ Néang Srây Ny luôn tay cho nguyên liệu (đường, muối, bột ngọt, hành tím, tỏi, ớt, chanh) vào cối, đâm cho đều. Các nguyên liệu khác tiếp tục được thêm vào và đâm với lực nhẹ hơn để không bị nát.
Ngoài đu đủ đâm, quán còn bán thêm ếch kẹp nướng Tri Tôn, đây cũng là một món ngon được nhiều người yêu thích. Món ăn này bắt nguồn từ người Khmer và được chế biến theo hương vị Campuchia.
Quầy bán đơn giản với một chiếc tủ kính, trong đó là nguyên liệu chuẩn bị được bảo quản trong nước đá nên khi gỏi đến tay khách vẫn còn rất tươi và giòn.
Không chỉ thể hiện sự sáng tạo trong chế biến, đu đủ đâm còn là thức ăn mang sự giao thoa tinh túy về ẩm thực và văn hóa của người dân miền Tây, một món đặc sản dân dã nhất định bạn phải thử khi ghé thăm vùng đất biên giới Tri Tôn./.
Khách gọi món, chủ quán mới lần lượt cho các nguyên liệu gồm đường, muối, bột ngọt, hành tím, tỏi, ớt và miếng chanh vào cối rồi đâm cho đều. Đặc biệt khi ăn kèm sẽ thêm trứng vịt vữa (loại trứng có lòng trắng và lòng đỏ hòa vào nhau).
Rẽ vào lối về phum sóc Phnom Pi là thấy ngay một dãy phố đu đủ đâm, nơi từ đầu đường đã ngửi được hương thơm thức ăn lan tỏa, điểm đến không thể bỏ qua của du khách mỗi dịp đến với vùng Bảy Núi An Giang.