Aa

"Phù phép" không gian chật chội bằng những thành phố dưới lòng đất

Thứ Hai, 03/04/2017 - 02:01

Ngay từ những năm 1960, Canada đã bắt đầu xây dựng “thành phố dưới thành phố” có khí hậu “mùa xuân vĩnh cửu”, còn tạị Trung Quốc, để giải nút thắt cho sự khủng hoảng về dân số, quốc gia này đã đặt mục tiêu trở thành đất nước phát triển không gian ngầm mạnh mẽ nhất trên thế giới.

Tại các đô thị lớn, mật độ dân số dường như luôn luôn trong tình trạng quá tải và có nguy cơ khủng hoảng. Vì vậy việc sử dụng quỹ đất làm sao cho hiệu quả luôn là vấn đề được các nhà cầm quyền đặt lên hàng đầu. Trong đó, khai thác, phát triển không gian ngầm được coi là biện pháp hiệu quả nhất.

Trung Quốc đặt mục tiêu đứng đầu thế giới về không gian ngầm

Trung Quốc - quốc gia có dân số đông nhất thế giới - có sự phân bố dân cư không đồng đều giữa vùng nông thôn và thành thị. Trong khi, mật độ dân số ở các vùng nông thôn, vùng có điều kiện thiên nhiên không thuận lợi phía Tây Trung Quốc, mật đô dân số trung bình chỉ là dưới 1 triệu người/km2. Thì ở vùng phía Đông, nhất là các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồng Kông, Trùng Khánh, Thẩm Dương... dân số đã lên tới 3 triệu, thậm chí là trên 8 triệu người/km2.

Do đó, trong một vài năm gần đây, với nỗ lực giảm tải dân số ở các vùng đô thị, bên cạnh việc phát triển đô thị vệ tinh, Trung Quốc khai thác sâu và mạnh không gian ngầm đô thị. Đồng thời, quốc gia này còn đặt ra mục tiêu sẽ là quốc gia đứng đầu thế giới về không gian ngầm.

Bản đồ

Bản đồ "thành phố" ngầm của thành phố Hồng Kông, Trung Quốc

Hiện tại, ngoài hệ thống tàu điện ngầm với chiều dài mỗi năm tăng thêm 180km, nhiều đô thị của Trung Quốc còn xây dựng đường cao tốc ngầm, hệ thống công trình ngầm đa chức năng. Thêm vào đó, nhiều khu đô thị ngầm với diện tích bằng 1/5 đến 1/3 tổng diện tích khu đô thị trên mặt đất cũng đã được xây dựng.

Có thể lấy ví dụ điển hình nhất là “thành phố Bắc Kinh ngầm" (hiện nay phần diện tích ngầm của Bắc Kinh chưa hẳn là đủ các điều kiện tiên quyết để trở thành một KĐT thực sự). Trong khi đó, khu ngầm Tây Trung Quan Thôn đã được xây dựng với diện tích lên tới 500 nghìn m2, khu ngầm Vương Phủ Tỉnh có diện tích vào khoảng 600 nghìn m2.

Ngoài ra, hơn 20 đô thị khác của Trung Quốc đã có quy hoạch không gian ngầm. Và thực tế hiện nay, Trung Quốc đang là quốc gia phát triển không gian ngầm mạnh mẽ nhất trên thế giới.

Trung tâm mua sắm dưới lòng đất ở Hồng Công, Trung Quốc

Trung tâm mua sắm dưới lòng đất ở Hồng Kông, Trung Quốc

Như vậy, quỹ đất của các đô thị tại Trung Quốc đã được sử dụng một cách hiệu quả, diện tích của chúng vì thế cũng được nới rộng, không phải theo chiều rộng, lan tỏa trên mặt đất mà theo chiều sâu xuống phía dưới lòng đất.

Canada xây dựng thành phố dưới thành phố

Tại Canada, tuy rằng tính đến thời điểm hiện nay, các đô thị của quốc gia này mật độ dân số vẫn ở mức trung bình nhưng dường như họ đã dự tính được trước tương lai. Thực tế, Canada được coi là một trong những quốc gia đáng sống nhất trên thế giới với dịch vụ xã hội, điều kiện sống, phúc lợi xã hội và nhiều tiện ích ở vào hàng tốt nhất thế giới. Điều này khiến cho nhiều dân cư ở nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn định cư ở Canada.

Ngay từ những năm 1960, thành phố Montreal của Canada đã bắt đầu xây dựng “thành phố dưới thành phố” có khí hậu “mùa xuân vĩnh cửu”, không tuyết, không mưa, không bão, không nắng nóng. Mở đầu trong số đó là dự án công trinh Place Ville-Marie, một tổ hợp bất động sản đa chức năng. Công trình này có dạng hình chữ thập với 47 tầng, diện tích sàn là 300 nghìn m2 và 1/2 số tầng của công trình nằm gọn dưới lòng đất.

Bản đồ thành phố ngầm lâu đời nhất trên thế giới của thành phố Montreal, Canada

Bản đồ thành phố ngầm lâu đời nhất trên thế giới của thành phố Montreal, Canada

Từ sau công trình đó, Montreal liên tục phát triển không gian ngầm dưới lòng thành phố. Lúc này, việc phát triển không gian ngầm để tạo ra thành phố “một mùa” đã không còn là mục đích duy nhất mà nó còn được phát triển để sử dụng hiệu quả hơn quỹ đát của thành phố.

Hiện nay, hệ thống đô thị ngầm lâu đời và lớn nhất trên thế giới này đã có 40 con phố ngầm, 32km đường bộ ngầm, hơn 1600 cửa hàng, 200 khách sạn, 40 ngân hàng và 30 rạp chiếu bóng, nhà hát, bể bơi đều nằm bên dưới lòng đất. Ít nhất 63 tòa nhà trên mặt đất đã được kết nối với các trạm xe điện ngầm, trạm xe buýt ngầm với lượng người sử dụng mỗi ngày lên tới hơn 500 nghìn người.

Thành phố ngầm khổng lồ Montreal, Canada

Thành phố ngầm khổng lồ Montreal, Canada

Vẫn tại Canada, Toronto cũng là một thành phố có hệ thống không gian ngầm đáng ngạc nhiên của thế giới. Hiện nay, đường hầm bộ được xây dựng bên dưới đô thị trung tâm với sự mở rộng chiều dài giống như một ma trận với 5 khối chiều rộng và 10 khối chiều dài.

Hệ thống này kết nối các tòa nhà lại với nhau bằng đường hầm ngầm với nhiều mục đích sử dụng. Bao gồm: mục đích giao thông vận tải, nơi mua sắm, văn phòng làm việc và các phòng họp. Những đường hầm ở Toronto có cấu trúc mở, có sự kết nối chặt chẽ với tầng nhà bên trên mặt đất. Như vậy, thành phố sẽ không tốn diện tích trên bề mặt để hình thành hạ tầng kết nối các tòa nhà, phát triển công trình đáp ứng nhu cầu giải trí, mua sắm của cư dân.

Mô hình thành phố ngầm của Toronto, Canada

Mô hình thành phố ngầm của Toronto, Canada

Từ các ví dụ trên có thể thấy, không gian ngầm là giải pháp tối ưu nhất cho việc sử dụng hiệu quả quỹ đất hạn hẹp của đô thị đông đúc và chật chội.

Các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Không gian ngầm (ACUUS) cho rằng sau khi GDP đầu người đạt 500 USD thì một quốc gia mới có đủ điều kiện để phát triển không gian ngầm; khi đạt mức 1000 USD thì bắt đầu đi vào giai đoạn quy hoạch và phát triển không gian ngầm đô thị; đạt tới 3000 USD thì giá đất đô thị tăng cao nên việc phát triển không gian ngầm đô thị đã chín muồi và tiến tới cao trào.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top