Theo báo cáo từ Sở Xây dựng, tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức từ Vĩnh Phúc và Hòa Bình dự kiến đăng ký lưu trú tại Phú Thọ là 4.405 người, bao gồm 270 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và 4.135 công chức, viên chức.
Trước áp lực bố trí nơi ở cho lượng cán bộ quy mô lớn, tỉnh Phú Thọ đã rà soát các cơ sở nhà ở công vụ do ngân sách Nhà nước đầu tư như ký túc xá Trường Đại học Hùng Vương, nhà khách Trung tâm Hội nghị tỉnh và khu chung cư sinh viên tại Khu đô thị Minh Phương. Đây được xem là những địa điểm khả thi để bố trí lưu trú cho đội ngũ cán bộ sau khi sáp nhập.

Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ sẽ là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới sau khi sáp nhập 3 tỉnh.
Đối với nhóm cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu xem xét bố trí nhà ở công vụ ngay trong khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Trung tâm Hội nghị tỉnh, đảm bảo vừa đúng quy định vừa thuận tiện cho công tác điều hành.
Cùng với việc tận dụng hạ tầng hiện có, Phú Thọ cũng đang nghiên cứu phương án xây dựng mới khu nhà ở công vụ trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị tỉnh. Khu nhà ở này không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn có thể chuyển đổi công năng linh hoạt trong tương lai.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng khẩn trương rà soát quỹ nhà ở hiện có, đề xuất phương án cải tạo, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, ưu tiên cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Sở Tài chính được yêu cầu nghiên cứu chính sách hỗ trợ chi phí đi lại cho cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo ổn định đời sống và sinh hoạt tại nơi làm việc mới.
Ngoài ra, hội nghị cũng tập trung thảo luận các phương án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồng thời đề xuất điều chỉnh quy hoạch bảo tồn Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2040 trong bối cảnh thay đổi hành chính quy mô lớn đang được triển khai./.