Aa

Phúc thẩm đại án Oceanbank: Dấu hỏi rất lớn về những người nhận tiền lãi đã có địa chỉ?

Chủ Nhật, 22/04/2018 - 11:00

Tại phiên tòa phúc thẩm vụ đại án Oceanbank đang được diễn ra, có một tình tiết thú vị nhiều lần được bị cáo Hà Văn Thắm nhắc lại là việc tại phiên tòa sơ thẩm đã xác định được địa chỉ người nhận tiền lãi nhưng đến nay sự việc này vẫn chưa được làm rõ, đây là một dấu hỏi rất lớn cần được điều tra, công bố.

Đã xác định được những người nhận lãi suất ngoài?

Đó là lời khai của cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) Hà Văn Thắm vào chiều 20/4, trong ngày thứ ba của phiên phúc thẩm.

Theo bản án sơ thẩm, Hà Văn Thắm bị xác định có vai trò đứng đầu vụ án xảy ra tại Oceanbank. Ông là người ra chủ trương, chỉ đạo chi lãi ngoài hợp đồng ở Oceanbank gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 1.500 tỷ đồng; chỉ đạo cho công ty của ông Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng trong khi không đủ điều kiện; giúp cựu tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt 49 tỷ đồng trong hành vi tham ô và 69 tỷ đồng trong hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn.

Thế nhưng tại phiên phúc thẩm, bị cáo Hà Văn Thắm đã trình bày về số tiền chi lãi suất vượt trần, cho rằng đã xác định rõ tên, địa chỉ người nhận vì thế tòa cần xem xét đối tượng bồi thường là khách hàng của Oceanbank chứ không phải là bị cáo Hà Văn Thắm.

Hà Văn Thắm cho rằng, tại phiên tòa sơ thẩm đã xác định được địa chỉ người nhận tiền lãi nên ông Thắm đề nghị cấp phúc thẩm tuyên những trường hợp này có trách nhiệm hoàn tiền cho OceanBank.

Bị cáo Hà Văn Thắm trước phiên tòa phúc thẩm

Bị cáo Hà Văn Thắm trước phiên tòa phúc thẩm

C46 nghi vấn có sự móc ngoặc với 3 công ty

Liên quan đến sự việc, ngày 13/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP).

Theo đó, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra điều tra mở rộng (giai đoạn 2) vụ án Hà Văn Thắm đã xác định: Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Hà Văn Thắm - Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank về việc chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống OceanBank; trong thời gian từ năm 2010 đến ngày 31/11/2014, tổng số tiền OceanBank đã chi trả lãi ngoài cho các khách hàng gửi tiền là hơn 1.576 tỷ đồng, trong đó chi cho Vietsovpetro số tiền 24,27 tỷ đồng, Lọc dầu Bình Sơn (19,36 tỷ đồng) và PVEP (76,78 tỷ đồng).

Theo C46, việc nhận, sử dụng các khoản tiền ngoài lãi suất tại Vietsovpetro, Lọc dầu Bình Sơn, PVEP là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu thỏa thuận, móc ngoặc giữa lãnh đạo Vietsovpetro, Lọc dầu Bình Sơn, PVEP với lãnh đạo OceanBank trong việc đưa, nhận tiền và để ngoài sổ sách kế toán nhằm chiếm đoạt, phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 280 - Bộ luật Hình sự.

Tranh cãi gay gắt tại tòa sơ thẩm

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Minh Thu (nguyên tổng giám đốc OceanBank) khai đã chi hàng chục tỉ đồng "chăm sóc" cho lãnh đạo 3 công ty này.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai nhiều lần vào Vũng Tàu cùng bà Nguyễn Thị Kiều Liên - GĐ CN Vũng Tàu để gặp lãnh đạo VietsovPetro, sau đó đưa tiền cho Kế toán trưởng là ông Võ Quang Huy và TGĐ Nguyễn Hữu Tuyến. Bị cáo Sơn khai mỗi lần đưa từ 10.000 đến 20.000 USD, hoặc 200 đến 300 triệu đồng.

Bị cáo Nguyễn Minh Thu khai có đến Vũng Tàu để thực hiện chi lãi ngoài và đến rất nhiều lần nên không nhớ. Tháng 1/2011 đến tháng 6/2012, cứ định kỳ 2-3 tháng 1 lần. Giai đoạn tháng 7/2012-6/2014, theo thanh toán bên kế toán, giao tiền 3 tháng/lần. Mỗi lần đi đều nhờ liên hệ trước và đi cùng bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên.

Bị cáo Thu khai, VietsovPetro chủ yếu gửi vào Oceanbank tiền USD, tiền VNĐ rất ít. Việc chi lãi ngoài cho VietsovPetro được nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm phê duyệt dựa trên số dư tài khoản của VietsovPetro.

Theo bị cáo Thu, số dư tiền gửi của VietsoPetro cao nhất vào khoảng năm 2011, có thời điểm tiền đô lên tới mấy trăm triệu đô. Tỷ lệ phần trăm đối với tiền gửi không kỳ hạn đối với tiền đồng là 0,1%/tháng, cuối 2012, Hà Văn Thắm cho áp dụng là 0,15%/tháng còn tiền đô thì thấp hơn nhiều, khoảng 0,05% hoặc 0,02%.

Nguyễn Minh Thu khai đưa tiền theo tỷ lệ, kế toán trưởng 70%, còn Tổng giám đốc là 30%. Việc thoả thuận đưa tiền bằng miệng, không có hợp đồng. Bị cáo Thu xác định đưa tiền lãi ngoài cho Võ Quang Huy và Nguyễn Hữu Tuyến. Sau khi ông Tuyến nghỉ hưu thì bị cáo đưa cho ông Từ Thành Nghĩa.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 11/09, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của BSRCo gồm ông Nguyễn Hoài Giang – Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Đinh Văn Ngọc – nguyên Tổng Giám đốc, ông Vũ Mạnh Tùng – Phó Tổng Giám đốc và ông Phạm Xuân Quang – Kế toán trưởng đã đồng loạt phủ nhận việc nhận lãi ngoài từ OceanBank dù bị cáo Nguyễn Thị Minh Thu khai đã chi hàng chục tỉ đồng tiền lãi ngoài trái quy định để "chăm sóc" cho 4 lãnh đạo công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Các ông Đinh Văn Ngọc, Nguyễn Hoài Giang, Phạm Xuân Quang (Lọc hóa dầu Bình Sơn) tại phiên tòa sơ thẩm

Từ trái qua phải, các ông Đinh Văn Ngọc, Nguyễn Hoài Giang, Phạm Xuân Quang (Lọc hóa dầu Bình Sơn) tại phiên tòa sơ thẩm

Tại phiên tòa, ông Phạm Xuân Quang, Kế toán trưởng BSR từ năm 2008 đến nay cho biết, BSR đã gửi tiền tại OceanBank rất nhiều lần ở nhiều thời điểm khác nhau, lần cao nhất số tiền gửi lên đến 1.100 tỷ đồng, hợp đồng gửi tiền ít nhất cũng là 200 tỷ đồng nhưng không nhớ tổng cộng BSR đã gửi vào OceanBank bao nhiêu tiền.

Ông Quang cũng như những người khác đều khai không hề nhận tiền lãi suất ngoài, lời khai của bà Thu chỉ là một chiều.

Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn cũng khai trước tòa:“Đã vài lần PVN gửi công văn yêu cầu gửi tiền vào OceanBank nên chúng tôi phải chấp hành”. Ông Đinh Văn Ngọc, cựu TGĐ BSR giai đoạn 2012-2015 (hiện đang công tác tại Lọc hóa dầu Nghi Sơn) cũng nói lời khai đó là “hoàn toàn bịa đặt” và còn đề nghị xem xét bà Thu về tội danh vu cáo theo Điều 22 Bộ luật hình sự.

Đại diện PVN tỏ thái độ gay gắt trước tòa khi cho rằng lời khai chi tiền "chăm sóc" của các bị cáo chỉ là một chiều, ảnh hưởng đến uy tín của PVN. Luật sư của PVN đề nghị tòa khi xét xử, cần xem xét loại bỏ các thuật ngữ có hàm ý để cho rằng PVN có nhận lãi ngoài, có tiếp nhận khoản "chăm sóc" lãi ngoài từ OceanBank.

Sớm làm sáng tỏ 3 vụ án để giải tỏa vướng mắc của “đại án”

Hiện nay, các vụ án vừa khởi tố nêu trên đều đang được điều tra giai đoạn 2. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, vấn đề có nhận lãi suất ngoài không vẫn cần phải được làm rõ, nhất là khi cơ quan điều tra đã khẳng định, có dấu hiệu thỏa thuận, móc ngoặc giữa lãnh đạo Vietsovpetro, Lọc dầu Bình Sơn, PVEP với lãnh đạo OceanBank trong việc đưa, nhận tiền và để ngoài sổ sách kế toán nhằm chiếm đoạt, phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 280 - Bộ luật Hình sự.

Trước đó, Viện kiểm sát cũng cho biết trong giai đoạn 2 của vụ án này, các cơ quan tố tụng sẽ làm rõ ai chiếm đoạt số tiền chi lãi ngoài của OceanBank?

Còn tại phiên phúc thẩm, Hà Văn Thắm khẳng định đã  rõ địa chỉ những người nhận lãi suất ngoài thì thiết nghĩ đây là một thông tin có giá trị rất cần được làm rõ để sáng tỏ bản chất của vụ án.

Tương tự, với việc C46 khởi tố vụ án liên quan đến khoản tiền trả lãi ngoài ở Vietsovpetro số tiền 24,27 tỷ đồng, Lọc dầu Bình Sơn (19,36 tỷ đồng) và PVEP (76,78 tỷ đồng), đến nay đã hơn một năm, vẫn chưa thấy khởi tố hay triệu tập một cá nhân nào thì không biết đến bao giờ vụ án mới được làm sáng tỏ?

Trong khi thời điểm xảy ra sự việc, các ông Nguyễn Hoài Giang, Nguyễn Vũ Trường Sơn, Từ Thành Nghĩa có liên quan đến trách nhiệm quản lý. Vì vậy, đây là thời điểm 3 vụ án đã được khởi tố cần được sớm làm sáng tỏ, để giải quyết được vướng mắc của “đại án” Hà Văn Thắm. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top