Aa

Phương án nào có thể giải quyết vấn đề bãi rác Nam Sơn?

Chủ Nhật, 19/07/2020 - 07:10

Đối với vấn đề rác thải của thành phố, lãnh đạo TP Hà Nội đã đưa ra nhiều hướng giải quyết có hiệu lực trong thời gian tới.

Khủng hoảng bãi rác Nam Sơn

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, rác thải ngày càng gia tăng và trở thành vấn nạn khó giải quyết. Tại Việt Nam, chỉ riêng lượng rác thải sinh hoạt đã có khoảng 25,5 triệu tấn/năm, rác thải ở đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày và rác thải ở nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày (Số liệu của Tổng cục Môi trường năm 2019). Thế nhưng, rác thải vẫn được đổ ra hàng ngày và ước tính ngày càng nhiều hơn. Câu chuyện về rác vẫn chưa thể được giải quyết triệt để, do đó vẫn còn tiếp diễn những vụ việc như bãi rác Nam Sơn “đóng băng” những ngày gần đây.

Cách đây 1 năm, vào tháng 7/2029, bãi rác Nam Sơn đã trở thành vấn đề nhức nhối khiến dư luận quan tâm. Người dân quanh bãi rác Nam Sơn từng 3 lần chặn xe để yêu cầu được đền bù di dời, khiến nội thành Hà Nội ùn ứ rác thải sinh hoạt.

Người dân Nam Sơn chặn xe vào bãi rác. Ảnh: Thanh Niên

Đúng một năm sau, bãi rác Nam Sơn lại nóng trở lại khi người dân tiếp tục chặn xe vào bãi rác để yêu cầu TP thực hiện lời hứa đền bù cho những người dân trong vùng bị ảnh hưởng. TP Hà Nội đã thông báo hết quý 2/2020 sẽ đền bù xong để người dân trong vùng ảnh hưởng của bãi rác này di dời, nhưng đến nay việc chi trả tiền giải phóng mặt bằng chậm không đúng cam kết.

Hơn nữa, giai đoạn 1 thành phố quy định đền bù cho các hộ dân trong bán kính từ m – 1.000m trở lên và từ 1.200 m trở lên. Tuy nhiên, hiện tại thành phố lại quy định lại, bồi thường cho nhà người dân trong bán kính 400 m, còn trên 400 m thì chỉ nhận được hỗ trợ. Đó là lý do vì sao người dân trong vùng bãi rác Nam Sơn vẫn còn bức xúc. 

Bãi rác Nam Sơn rộng hơn 157 ha, được xây dựng từ năm 1999 trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ của H.Sóc Sơn. Quanh bãi rác, có hơn 2.000 hộ dân thuộc diện phải di dời, tổng diện tích đất khoảng 396 ha, gồm cả đất nông nghiệp và đất ở.

Với tình trạng nắng nóng của mùa hè như hiện nay thì vấn đề ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng hơn khiến người dân càng ngột ngạt. Thêm nữa là tình trạng rỉ nước bốc mùi ở các hồ chứa cạnh khu chôn lấp bốc mùi rất mất vệ sinh.

Chính vì những điều đó, từ đêm 12/7, người dân Nam Sơn đã giăng lều, trải bạt ngay tại con đường dẫn vào bãi rác khiến các xe rác không thể vào và phải quay đầu về nội đô.

Vấn đề rác thải không chỉ khiến những người dân Nam Sơn bức xúc mà những người dân trong nội thành Hà Nội bức xúc không kém. Rác không được chuyển vào bãi rác Nam Sơn khiến nội đô Hà Nội ùn ứ rác. Tại các tuyến đường trên địa bàn quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng..., rác thải tràn ngập khắp phố, bốc mùi hôi thối nhưng chưa được ô tô thu gom rác chuyển đi. Nhiều hộ dân trên những tuyến đường này đã kêu ca phàn nàn khi rác thải cứ ùn ứ tại chỗ gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường. Những công nhân môi trường không còn cách nào khác đành phải phủ tạm bạt lên những xe rác trên đường phố.

Hướng giải quyết của TP Hà Nội

Giải quyết vấn đề này, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã phân công Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn và Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng trực tiếp lên đối thoại với người dân nhằm giải đáp thắc mắc và tháo gỡ khó khăn.

Sáng 17/7, lãnh đạo TP Hà Nội đã nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân về những tồn tại mà cán bộ cơ sở làm chưa tốt. Hà Nội đề nghị UBND huyện Sóc Sơn, UBND các xã và người dân tiếp tục giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện các chính sách về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án với tinh thần bảo đảm tối đa quyền lợi chính đáng cho người dân; đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi.  

"Những gia đình phải di dời nhà ở nhiều năm để dành đất cho bãi rác sẽ được thành phố hỗ trợ tối đa để tạo thuận lợi người dân. Quan điểm của Chính phủ và thành phố là không bao giờ để người dân phải “màn trời chiếu đất”, sau khi người dân dành đất cho dự án công ích, thì chính quyền luôn tìm cách để người dân sau tái định cư có cuộc sống tốt hơn" – Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nói trong buổi đối thoại.

Buổi chiều cùng ngày, người dân bắt đầu dỡ lều bạt, dời điểm chốt chặn trước lối vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, mở đường cho xe chở rác vào bãi rác này.

Trong khi đó, Chủ tịch UBTP Hà Nội cũng trả lời báo chí, đối với vấn đề hố chôn lấp rỉ nước, do thay đổi quy định từ đặt hàng sang đấu thầu công ty xử lý nước thải để xảy ra tình trạng trên thì ông sẽ đề nghị lên chính phủ thay đổi quy định thực tiễn hơn.

Về chiến lược xử lý rác thải của TP trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đang xây dựng và chuẩn bị đưa vào khai thác nhiều nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao theo tiêu chuẩn châu Âu. Ví dụ như Nhà máy điện rác Nam Sơn với công suất 4.000 tấn/ngày đêm, đưa tỷ lệ rác thải chôn lấp xuống dưới 5%. Khí thải từ các nhà máy này đảm bảo hoàn toàn không độc hại, được Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học Công nghệ kiểm định.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe – Giảng viên khoa môi trường tại ĐH KHTN - ĐHQG Hà Nội

Bàn về vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe – Giảng viên khoa môi trường tại ĐH KHTN - ĐHQG Hà Nội cho biết: “Phương pháp xử lý rác phổ biến nhất tại Việt Nam là chôn lấp như trường hợp ở Nam Sơn nhưng không xuể, đặc biệt là chất dẻo, nilon, nhựa cứng chôn lấp cũng không thể tiêu hủy được hoàn toàn dù có qua hàng trăm năm. Như chất dẻo chẳng hạn chôn bao lâu nó mới phân hủy và chôn không đúng quy cách sẽ gây hậu quả thế nào? Rồi còn nhiều điều cần phải bàn, thứ nhất là nước rỉ từ rác, thứ hai là ruồi, thứ ba là động vật có vú nhỏ sống trong bãi rác như chuột, mèo hoang có thể lan truyền vi khuẩn như vi khuẩn ăn thịt người Whitmore.

Biện pháp đốt khá triệt để, vì vậy nhiều quốc gia đã sử dụng phương pháp này. Tuy nhiên, công nghệ đốt không phải dễ thực hiện. Không phải như cho củi vào lò là đốt thành tro, thành than mà cần cả hệ thống máy móc công nghệ đặc biệt, để rác có thể bị tiêu hủy hoàn toàn và thu khí bay lên khử hết độc rồi mới thải ra môi trường. Đối với một số loại rác là chất dẻo, nếu lò đốt không đủ nhiệt độ sẽ gây ra chất dioxin độc hại”.

Vì vậy, nếu như có một nhà máy theo đúng quy chuẩn châu Âu để xử lý rác thải trong thời điểm rác bị ùn ứ như hiện nay thì môi trường mới có thể được giải cứu.

Bãi rác Nam Sơn chất chồng như núi

Vấn đề rác thải không phải dễ dàng xử lý. Ngay cả ở những nước phát triển trên thế giới thì nó cũng khiến các nhà quản lý đau đầu. Không chỉ ở khâu xử lý rác thải của chính quyền mà còn ở ý thức của người dân. Do vậy, chuyên gia Nguyễn Đình Hòe cho biết: "Số lượng rác quá lớn cho nên không chỉ xử lý bằng công nghệ, thu gom... mà còn phải đặt nó trong một kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế quốc dân, hài hòa với các lĩnh vực khác thì mới quản lý được. Ngoài các biện pháp xử lý thì cộng đồng cũng phải nâng cao ý thức tăng cường tái sử dụng đồ nhựa, phân loại rác tại nguồn chứ rác thải ngày càng nhiều, người người đều ném ra thì không có cách nào xử lý được".

Nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng được UBND Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017 do Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, lớn nhất Việt Nam hiện nay, nguồn rác sẽ được lấy ở 9 quận nội thành. Dự án sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ.

Dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện mỗi giờ. Tiến độ dự kiến tháng 8/2020 sẽ hoàn thành và vận hành chính thức vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thành phố có thể lùi thời hạn đưa vào vận hành của dự án này.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top