Aa

Phương án nào để nhà cao tầng phát huy được vai trò trong đô thị?

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 08/06/2018 - 01:01

Nhận thức về cao tầng như một “tội đồ” đang được thay đổi bằng việc tìm cơ chế và thúc đẩy cho những cơ hội để đô thị hoàn thiện. Theo đó, các đô thị cần có một cấu trúc rõ rệt để các kiến trúc cao tầng hình thành và phát huy được vai trò của nó.

Giải phóng mặt bằng để bù lại chức năng còn thiếu

Rõ ràng theo quy luật của sự phát triển và quá trình đô thị hoá, không thể cấm người dân khi giàu lên không được mua xe ô tô vì lý do tắc đường, cấm nhà đầu tư tham gia xây nhà cao tầng khi hạ tầng quá tải trong khi cầu luôn cao hơn cung trong bối cảnh giá nhà ở, văn phòng mặt đất đắt đỏ khan hiếm. 

Phải chăng, những thách thức về giao thông, trường học, thoát nước, phòng cháy chữa cháy... nên đặt trong bối cảnh chung của đô thị thay vì đổ hết mọi tội lỗi lên nhà cao tầng.

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Cao ốc có thực sự là thủ phạm gây bức tử hệ thống giao thông?", KTS. Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM bày tỏ quan điểm, không phải nhà cao tầng, mà nhà ống dày đặc, sử dụng nhiều đất đai mới chính là một trong những nguyên nhân chính của trục trặc ở các đô thị lớn tại Việt Nam.

Ông cho hay: “Tôi đồng ý quan điểm làm đô thị nén, đô thị nén không có tội gì hết. Lịch sử để lại một đô thị chưa hoàn thiện thì có khó khăn là đương nhiên. Làm đô thị nén, giải phóng mặt bằng để bù đắp lại chức năng chúng ta còn thiếu, cây xanh, không gian, nước, điện, chiến lược Nhà nước làm phải lấy thuế của nhà đầu tư, đóng góp lại cho Nhà nước, lấy cơ chế để phát triển chiều cao, chỉnh trang đô thị vừa thay đổi kết cấu hạ tầng bên cạnh vẫn giữ gìn đô thị truyền thống sẽ giảm bức xúc của người dân”.

Theo đó, hiến kế huy động nguồn tài chính từ đất để phục vụ lại đô thị khi xây dựng dự án cao tầng, PGS. TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Giải pháp thì có, nhưng dù là giải pháp nào cũng tốn kém. Vì vậy phải nghĩ cách tạo vốn, làm hạ tầng để cho đất xung quanh tăng giá trị, phải thu hồi lại giá trị tăng lên đó. Nhà kinh doanh bất động sản họ có ưu thế phương tiện và kinh nghiệm mạnh mẽ, nếu cho họ làm phải cân đối chặt chẽ mức lợi ích mà nhà nước thu được khi họ đóng góp lại cho cộng đồng”.

Tuy nhiên, ông Phạm Sỹ Liêm cũng khẳng định, đây là vấn đề mà không thể chỉ đặt tầm nhìn ở một phường, một quận, một doanh nghiệp, một ngành, một sở, mà phải là tầm nhìn của UBND, HĐND, là đại diện cho các tầng lớp nhân dân, khu vực chịu tác động họ đóng góp ý kiến để hoàn thiện.

Các đô thị cần có một cấu trúc rõ rệt để cho các kiến trúc cao tầng phát huy được vai trò

Các đô thị cần có một cấu trúc rõ rệt để các kiến trúc nhà cao tầng phát huy được vai trò (Ảnh: Zing.vn)

Vai trò của quy hoạch trong phát triển nhà cao tầng

Cùng đưa ra ý kiến tại hội thảo "Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam", nhiều chuyên gia cho rằng, bản thân kiến trúc nhà cao tầng không tạo ra nhược điểm cho đô thị. Thực tế, với công nghệ ngày càng hiện đại, nhà cao tầng ngày càng tỏ ra là có nhiều lợi thế, an toàn hơn, tiện nghi hơn, tiết kiệm đất và hiệu quả sử đụng đất cao hơn. Nhận thức về cao tầng như một “tội đồ” đang được thay đổi bằng việc tìm cơ chế và thúc đẩy cho những cơ hội để đô thị hoàn thiện. Theo đó, các đô thị cần có một cấu trúc rõ rệt để cho các kiến trúc cao tầng hình thành và phát huy được vai trò của nó.

Theo ông Nguyễn Tuấn Cường, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Atlantic, vấn đề xảy ra ùn tắc giao thông, mật độ dân số quá tải không nằm ở sự xuất hiện của một số chung cư cao tầng. Sự quá tải ở trung tâm xuất phát từ 2 nguyên nhân chính, một là quản lý bị "tắc", hai là chưa có sự đồng bộ hóa trong quy hoạch. Trong khi các đô thị ở nước ngoài xây theo mô hình bàn cờ, các hướng đều mở luồng di chuyển từ trung tâm ra ngoại thành thì ở Việt Nam ngược lại, quy hoạch dáng thắt cổ chai khiến các nút, điểm ở thủ đô bị tê liệt.

Với kinh nghiệm từ nước ngoài, ông Christoph Panfi,  Phó Chủ tịch WATG - đưa ra ví dụ các mô hình đô thị được tổ chức thành công như New York, Barcelona hay Singapore… đều là các đô thị có mật độ dân số cao hơn gấp 2 lần Hà Nội. Tuy nhiên nhờ các tòa cao ốc, mật độ xây dựng được giảm thiểu tạo không gian để tổ chức giao thông khoa học và các công trình công cộng - đây chính là một kinh nghiệm tốt giúp Việt Nam giải bài toán áp lực giao thông đô thị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top