Aa

Phương án tài chính để chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chủ Nhật, 03/12/2023 - 13:44

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường khó khăn trong tiếp cận vốn, càng khó khăn khi muốn tiếp cận nguồn tài chính để đầu tư xanh do chi phí sẽ tăng lên, trong khi tài sản đảm bảo khoản vay không có...

Tiếp cận vốn và vốn xanh: Nan giải với SMEs

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết trong giai đoạn vừa qua và cả hiện nay, có sự khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh. Ngoài vấn đề về tiêu thụ nội địa và đơn hàng xuất khẩu thì có tới 25% hội viên của Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng hiện nay họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe và tình trạng cán bộ ngân hàng gây khó dễ còn tồn tại.

Tiếp cận vốn tín dụng, tiếp cận tài chính xanh với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang gặp không ít khó khăn

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đưa ra một số nguyên dẫn đến ngân hàng dù hạ lãi suất vẫn tồn kho tín dụng, doanh nghiệp lại khó tiếp cận vốn vay. Trong đó, bên cạnh việc cầu tiêu thụ và cầu tín dụng không thể tăng cao do điều kiện vĩ mô trong và ngoài nước, có thực trạng cho thấy có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ, mặt khác có nhiều doanh nghiệp được ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay. 

Các NHTM đã cho vay đối với SMEs (tính đến cuối tháng 6/2023 dư nợ nhóm này đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế), nhưng tình hình cho vay cũng khó khăn hơn những tháng gần đây. Đáng chú ý, ông cũng thừa nhận thực trạng yếu kém trong công khai, minh bạch tài chính và kế hoạch kinh doanh từ phía DNNVV là không thể phủ nhận, thậm chí là chậm tiến bộ. Điều này khiến cho các NHTM và SMEs chưa thể xây dựng lòng tin với nhau để từ đó tăng cường hoạt động cho vay tín chấp. Về bản chất, các ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên khi cảm thấy yên tâm về sức khỏe của người đi vay thì họ chắc chắn sẽ không từ chối.

Việc các doanh nghiệp SMEs thường kinh doanh "2 sổ sách", không chú trọng về vấn đề xây dựng tín nhiệm tín dụng với ngân hàng một cách bền chặt dẫn đến các NHTM khó "rộng cửa" tín dụng với nhóm này trong bối cảnh phải đảm bảo chất lượng tín dụng, không hạ chuẩn nhằm tránh nợ xấu tăng cao, đã được các NHTM nhắc đến khá nhiều. Tiếp cận tín dụng kinh doanh thông thường đã khó, thì việc tiếp cận nguồn tín dụng để đầu tư cho chuyển đổi xanh, đối với nhóm này, vì vậy càng khó hơn. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết chẳng hạn dệt may là một trong những ngành có đông đảo số lượng SMEs nhất. Ngành dệt may Việt Nam hiện có 7.000 DN thì 80% là SMEs, 39% laf FDI. 80% dành năng lực sản xuất cho xuất khẩu. Đây cũng là ngành sử dụng động lực lượng lao động với 3 triệu lao động, trong đó hơn 70% nữ. Ngành này cũng đang đứng trước những thách thức về tiếp cận vốn khi nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu co hẹp những tháng qua.

Bên cạnh đó, việc cạnh tranh vào các thị trường lớn như Châu Âu, nơi dệt may Việt Nam đứng top 4, "không phải do doanh nghiệp chúng ta dở mà do chúng ta không cạnh tranh được về giá. Các nước thuộc thị trường phát triển như châu Âu họ khá công bằng và hỗ trợ cho các nước nghèo, chậm phát triển. Chẳng hạn như họ rất mở cửa, miễn thuế với hàng dệt may từ Bangladesh. Đó là lý do vì sao doanh nghiệp ta khó cạnh tranh lại chứ không phải do chúng ta không có các chứng nhận xanh như Chứng chỉ LEED - như thông tin được nhiều người chia sẻ gần đây. 

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các doanh nghiệp ta không quan tâm đến chuyển đổi xanh, mà ngay từ bây giờ, phải chạy đua đầu tư cho chuyển đổi xanh bởi theo Thỏa thuận xanh EU, rất nhiều chính sách xanh đang và dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này. Các doanh nghiệp dệt may sẽ là đối tượng phải sẵn sàng để vượt qua các rào cản xanh. Nhưng quay trở lại, thì vấn đề đầu tiên để đầu tư cho chuyển đổi xanh, lại vẫn là vấn đề vốn", bà Mai cho biết.

Những kiến giải tài chính xanh

Ở góc độ của NHTM, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp của NHTM Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), cho biết, trên thị trường hiện nay, xu hướng vốn ESG và tín dụng xanh đã và đang được các ngân hàng triển khai tích cực. Riêng với HDBank, ngân hàng với năng lực và uy tín của mình, từ những năm trước cũng như hiện nay, đang được các định chế tài chính lớn hàng đầu thế giới muốn thông qua HDBank để giải ngân vốn xanh cho doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, một phần nguồn vốn xanh của HDBank sẽ từ ADB, IMF, DEG, Affinity, Proparco...

Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, HDBank - chia sẻ, xu hướng ESG và cung cấp tài chính theo chuẩn ESG đang phổ rộng dần từ ngân hàng tới doanh nghiệp

"Có thể nói, nguồn vốn hàng trăm triệu USD cho chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững đã và đang được HDBank giải ngân vào các lĩnh vực xanh, góp phần xanh hóa dòng tín dụng. Nhưng đó không phải là tất cả nguồn vốn của chúng tôi. HDBank với định hướng ESG - Ngân hàng Hạnh phúc - Ngân hàng phát triển bền vững, đã xây dựng các tiêu chuẩn, thiết kế các sản phẩm với nỗ lực nắn dòng tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp xanh. Các doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn này, tất yếu phải có các kế hoạch, định hướng đầu tư, hành động để thực thi chuyển dịch xanh, phải vượt qua "bộ kính lọc xanh" của HDBank. Đây cũng là xu thế tất yếu của dòng vốn", ông Phương nói.

Ngoài ra, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank cho biết, thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không phải quá mức lo lắng, đặt nặng về kế hoạch xanh như thế nào để tiếp cận vốn xanh. "Doanh nghiệp SMEs hãy kết bạn với HDBank, chỉ cần vay từ 1 tỷ, 2 tỷ, 3 tỷ đồng trở lên tại HDBank... là chúng tôi đã có thể đồng hành cùng doanh nghiệp để xác định, thẩm định doanh nghiệp đang xanh tới mức nào, mà các doanh nghiệp "không phải tốn một đồng xu nào" cho câu chuyện thẩm định này", ông Phương khẳng định.

Nêu kỳ vọng của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký VITAS cho biết có tới 80% doanh nghiệp SME thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, đầu tư cho xử lý nước thải, năng lượng tái tạo. Mà vốn đầu tư này thì không nhỏ, ví dụ như ở quy mô một doanh nghiệp nhỏ, để đầu tư xử lý nước thải tái sử dụng thì cũng phải mất 2,5 triệu USD. Do đó, các doanh nghiệp hội viên kêu gọi các quỹ bỏ vốn đầu tư và chìa khóa trao tay cho doanh nghiệp.

Bà Mai Anh, Giám đốc Công ty Global Hub nhận xét, ở góc độ tiếp cận nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư, thì các quỹ đầu tư bền vững, đầu tư ESG ở các thị trường như Singapore..., đã và đang rất quan tâm cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp ESG và thúc đẩy chuyển đổi xanh ở các doanh nghiệp SMEs. Đây có thể xem là nguồn vốn tiềm năng khả thi mà các doanh nghiệp SMEs có kế hoạch chuyển đổi xanh cần lên phương án sẵn sàng tiếp cận.

Cho rằng ngân hàng cũng đã "đứng sau" các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh với các dự án năng lượng tái tạo, tuy nhiên đã có những thay đổi xuất hiện từ thay đổi chính sách khiến ở 2022 việc thực thi các chỉ tiêu giảm sử dụng điện tính đến 2022 là không đạt, bà Hoàng Thị Thanh Nga - Quản lý dự án Dệt May xanh bền vững, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) cho biết.

Theo bà Nga, để thực hiện mục tiêu theo Ủy ban bền vững VITAS tới 2023 xanh hóa ngành dệt, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước. thì phải xác định chuyển đổi của doanh nghiệp nhanh hay chậm không chỉ phụ thuộc công nghệ có sẵn hay không, an toàn không, có hiệu quả kinh tế không…., mà còn ở chỗ ngân hàng sẽ chia sẻ rủi ro ở mức độ nào. 

Đánh giá tương tự, ông Lê Hoàng, Giám đốc kinh doanh Longi khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, tập đoàn quốc tế sản xuất tấm quang điện, cho rằng vấn đề hiện nay là thị trường dệt may giảm tiêu thụ năng lượng do giảm đơn hàng, trong khi so sánh nhóm ngành F&B thì vẫn lắp đều và tăng trưởng ổn định. “Nếu có dòng tiền ổn định thì khả năng khôi phục điện xanh cho dệt may là rõ ràng”, ông Hoàng đánh giá và nói thêm về tổng quan thì Quy hoạch điện VIII được thông qua mới đây cũng ủng hộ năng lượng tái tạo. Và đây sẽ điểm cộng lớn cho doanh nghiệp dệt may trong hành trình chuyển đổi xanh. 

Ông Hoàng cũng cho rằng các doanh nghiệp có thể tiếp tục xem xét mô hình đầu tư linh hoạt hoặc có thể sử dụng tiền hỗ trợ từ các tổ chức tài chính tùy theo từng thời điểm, để có những bước đi khởi động hành trình xanh của mình. 

Theo ông Nguyễn Chí Hùng, Tổng Giám đốc một công ty kỹ thuật ở TP HCM, tại Đức, Chính phủ nước này có chương trình cho vay 100% dự án, không cần doanh nghiệp có doanh thu cao, nhưng doanh nghiệp phải có ý tưởng đầu tư chuyển dịch xanh, đảm bảo trị giá nhà máy và doanh thu, lợi nhuận từ nhà máy... Qua đó thúc đẩy chuyển đổi xanh hiệu quả và có động lực rõ ràng nhất.

Đây cũng là một trong những quan điểm mà các chuyên gia cho rằng, có thể là gợi ý cho các quỹ đầu tư hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp SMEs, với lãi suất cho vay theo công bố hiện đang rất thấp, như quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp SMEs đang cho vay từ 4,2%, nghiên cứu xem xét để mở rộng đối tượng, thúc đẩy vốn vay xanh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top