Aa

Phường Định Công "đường thông, hè thoáng" sau hàng loạt phản ánh

Thứ Hai, 17/08/2020 - 13:20

Ghi nhận thực tế tại phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã bước đầu có những thay đổi tích cực trong cuộc chiến giành lại vỉa hè, lòng đường cho người đi bộ sau hàng loạt phản ánh của phóng viên.

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

"Bộ mặt đô thị" bước đầu được chỉnh trang

Sau hàng loạt phản ánh của người dân về tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm, trưng dụng vô tội vạ vì mục đích tư lợi được đăng tại trong chuyên đề "Bao giờ vỉa hè mới thuộc về người đi bộ?", lực lượng chức năng phường Định Công đã có những động thái tích cực hơn. Mặc dù các sai phạm vẫn còn nhưng đã giảm đáng kể so với thời gian trước, bước đầu đồng hành thành phố cùng cuộc chiến chung tay giành lại vỉa hè, lòng đường cho người đi bộ.

Lực lượng chức năng phường Định Công ra quân xử lý các sai phạm về trật tự đô thị.

Khu đô thị (KĐT) Định Công thuộc phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội), tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nhiều nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nay đã và đang dần được thay đổi. 

Phường Định Công "đường thông, hè thoáng" hơn

Dọc tuyến đường Trần Nguyên Đán - nơi tập trung nhiều hàng quán ăn uống đã phải thu gọn bàn ghế. Các ngân hàng, siêu thị phải điều chỉnh lại chỗ giữ xe cho khách để có không gian cho người đi bộ di chuyển.

Các quán cafe bớt "bành trướng" hơn

"Các quán bia, hàng ăn, quán cafe đã có ý thức hơn nhưng không biết việc này duy trì được bao lâu. Chủ quan tôi thấy vẫn tồn tại nhiều chủ hộ kinh doanh đối phó, chỉ thực hiện khi có cơ quan chức năng nên nếu việc này không được thực hiện quyết liệt, liên tục thì chẳng mấy đâu lại vào đó" - một cư dân thuộc KĐT Định Công chia sẻ.

Khu vực Trần Điền - xung quanh bệnh viện Bưu Điện, các cửa hàng kinh doanh tạp hóa cũng thu nhỏ diện tích buôn bán, mặt đường lớn thông thoáng hơn. Ngã tư lớn nối 2 khu vực trên đã giảm hẳn số lượng xe ô tô đỗ tùy tiện trên vỉa hè, lòng đường. 

So sánh sự thay đổi "bộ mặt đô thị" phường trước và sau khi ra quân xử lý sai phạm lấn chiếm vỉa hè. Bước đầu, đã có những hiệu quả tích cực.

Các bãi rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng xuất hiện tràn lan, tự phát trên vỉa hè, lòng đường xung quanh các tòa chung cư CT5, CT6 phía ngoài mặt đường chính của KĐT đã được thu dọn, khu vực tập trung rác cũng được các công nhân vệ sinh môi trường che chắn cẩn thận hơn.

Các bãi rác đã được xử lý, thu gọn

Tuy nhiên, vẫn còn đó những sai phạm "cố chấp" tồn tại, vì mục đích tư lợi bất chính mà không quan tâm đến lợi ích chung của người dân. Ngoài ra, việc di chuyển chỗ đậu/đỗ ô tô, xe máy, trả lại không gian cho người đi bộ lại nảy sinh thêm một vấn đề bất cập là các phương tiện này dồn hết vào các ngõ nhỏ gần đó.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại không ít những sai phạm...

Theo một cán bộ phụ trách đô thị phường Định Công cho biết, UBND phường sẽ tiếp tục kết hợp với lực lượng CA phường tổ chức các đợt ra quân chỉnh trang trật tự đô thị, phá dỡ các trường hợp vi phạm, tuyên truyền việc chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và nâng cao ý thức người dân hơn nữa.

Duy trì bao lâu hay lặp lại "vết xe đổ"?

Việc UBND phường Định Công, Công an phường Định Công có những hành động tích cực là đáng ghi nhận, bởi việc này không chỉ thiết lập mỹ quan đô thị mà còn đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn phường. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là, hiệu quả này sẽ duy trì được bao lâu? Muốn lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, cần phải làm quyết liệt và triệt để trong một thời gian dài liên tục. Nhìn từ những bài học cũ, nếu việc ra quân mang tính chất "đầu voi, đuôi chuột" thì hiệu quả sẽ lại chỉ dừng lại ở tính thời điểm.

Từ trước đến nay, việc lập lại trật tự đô thị, trả lại vỉa hè cho người đi bộ là một việc làm không hề dễ dàng. Có nhiều nguyên nhân, chủ quan lẫn khách quan dẫn đến tình trạng trên. Đó là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, thường tái phạm khi không có lực lượng chức năng kiểm tra.

Trong khi đó, lực lượng chức năng vì nhiều lý do khác nhau không thể thường xuyên bám trụ kiểm tra, nhắc nhở, hoặc nếu có kiểm tra thì cũng thiếu kiên quyết. Thêm vào đó, tình trạng các hộ buôn bán nhỏ lẻ “bưng vào khi lực lượng chức năng đến, bưng ra khi lực lượng chức năng đi” vẫn tồn tại bao nhiêu năm nay.

Nếu không quyết liệt xử lý triệt để, sai phạm sẽ hoàn sai phạm

Hơn nữa, nếu như các quán ăn, nhà hàng, cửa hàng lớn đều phải đóng thuế kinh doanh, chi phí mặt bằng, đầu tư chi phí cao kéo theo giá thành cao thì những hàng quán ăn vỉa hè, các hàng bán rau củ nhỏ dọc vỉa hè ít chi phí hơn nên giá cả các mặt hàng cũng thấp hơn. Chính sự tiện lợi, giá cả phải chăng nên các mặt hàng hàng quán vỉa hè vẫn luôn là lựa chọn của nhiều người. Thói quen xấu này của người tiêu dùng cũng là cơ sở cho việc kinh doanh trên vỉa hè, lề đường tồn tại lâu nay theo quy luật “có cầu ắt có cung”.

"Vấn đề nhức nhối này đã xảy ra rất nhiều năm, chúng ta đang phải đặt ra câu hỏi chính quyền sở tại có đang dung túng, bao che cho hành vi này hay không? Chính quyền các cấp cần phải mẫn cán, quyết liệt trong việc xuống tận địa bàn từng hoàn cảnh hộ dân. Đồng thời, cần liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết việc làm cho những người bán hàng rong. Chỉ có như vậy thì tình trạng này mới chấm dứt bởi ai cũng cần có việc làm để mưu sinh cả.

TS Nguyễn Ánh Hồng - nhà nghiên cứu văn hóa, Học viện Báo chí và tuyên truyền.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, cửa hàng tận dụng vỉa hè làm nơi để phương tiện hay lấn chiếm kinh doanh thì cần xử lý thật nghiêm. Đây là vấn đề rất nhức nhối, nếu các cơ quan chức năng không quyết liệt thì tình trạng này sẽ kéo dài mãi" - nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Ánh Hồng nhấn mạnh.

Để giải quyết tình trạng đòi hỏi những giải pháp căn cơ, bài bản, trong đó quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của người dân. Đồng thời, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, thống nhất của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền vận động, cùng với đó là giải quyết sinh kế cho người buôn bán nhỏ và kiên quyết, xử lý những hộ kinh doanh cố tình vi phạm. 

Chính quyền các quận, phường cần chỉ đạo các lực lượng chức năng kết hợp tuyên truyền, vận động phòng chống dịch bệnh với các giải pháp quyết liệt nhằm lập lại trật tự đô thị, tạo ra bước ngoặt trong ý thức của mỗi người dân. Đồng thời, lãnh đạo các địa phương, các cơ quan chức năng phải tăng trách nhiệm, sâu sát tình hình để vỉa hè, lòng đường thông thoáng, đô thị trở nên văn minh hơn.

Sử dụng lòng đường, vỉa hè sao cho đúng luật?

Theo khoản 4 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã quy định rõ như sau:

Điều 25a. Sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông.

1. Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.

2. Hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây:

a) Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày; trường hợp thời gian sử dụng tạm thời lớn hơn 30 ngày phải được Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các hệ thống đường địa phương) chấp thuận;

b) Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ;

c) Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ;

d) Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động văn hóa đó;

đ) Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Vỉa hè là sở hữu chung của toàn dân

3. Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:

a) Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét;

b) Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.

4. Đối với trường hợp sử dụng hè phố quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này, hộ gia đình phải thông báo với Ủy ban nhân phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố. Đối với các trường hợp quy định tại các Điểm a, d, đ Khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời hè phố.

Như vậy, theo quy định tại Nghị định 100/2013/NĐ-CP quy định thì việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông chỉ trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d, đ tiết 2 khoản 4 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP.

Hành vi lấn chiếm vỉa hè bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cụ thể, tại Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định mức xử phạt với một số hành vi lấn chiếm vỉa hè như sau:

– Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 2, Điểm b Khoản 4, Điểm e Khoản 5 Điều này.

– Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng với cá nhân, từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

+ Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 5; khoản 6; điểm a khoản 7 điều này;

+ Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 5 m2 làm nơi trông, giữ xe…”.

+ Các hành vi lấn chiếm vỉa hè làm nơi trông giữ xe có thể bị xử phạt đến 15.000.000 đồng với cá nhân; 30.000.000 đồng với tổ chức.

Theo Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và khoản 2 Điều 3 Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013, người kinh doanh, bán hàng, có hành vi lấn chiếm vỉa hè sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, nếu có hành vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức, dựa trên những căn cứ sau đây:

a) Vi phạm nghiêm trọng được thực hiện do lỗi cố ý;

b) Vật, tiền, hàng hóa, phương tiện là tang vật trực tiếp của vi phạm hành chính hoặc được trực tiếp sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính, mà nếu không có vật, tiền, hàng hóa, phương tiện này thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm.

Theo quy định nói trên, cá nhân, tổ chức lấn chiếm vỉa hè có thể bị tịch thu phương tiện nếu cố ý thực hiện hành vi vi phạm và vi phạm đó bị coi là nghiêm trọng theo quy định pháp luật.

Theo Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng quy định:

“Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8 điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc phải đỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn rác, vật tư, vật liệu, chất phế thải, hàng hóa, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra".

Như vậy, tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm vỉa hè ngoài bị xử phạt hành chính, bị tịch thu phương tiện vi phạm còn bị buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm gây ra, tức là hoàn trả lại phần diện tích vỉa hè đã lấn chiếm cho người đi bộ.

Theo quy định tại điểm c khoản 1; điểm d khoản 2; điểm d khoản 3 Điều 38; điểm c khoản 3; điểm d khoản 4; điểm d khoản 5 điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, những cá nhân sau có thẩm quyền tịch thu phương tiện vi phạm hành chính:

– Chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp.

– Trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất.

– Trưởng công an cấp huyện; trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng phòng cảnh sát trật tự, trưởng phòng cảnh sát phản ứng nhanh, trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội…

Ngoài ra, theo điểm đ khoản 3 Điều 70 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, những cá nhân sau đây có thẩm quyền xử phạt hành chính về các hành vi lấn chiếm vỉa hè: “Cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top