Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.
Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.
Vi phạm trật tự xây dựng: Vấn đề làm nóng nghị trường Quốc hội
Một trong những vấn đề nóng được nêu ra tại nhiều kỳ họp Quốc hội (QH) mới đây và được dư luận xã hội quan tâm trong nhiều năm qua là việc quản lý quy hoạch xây dựng, xử lý những sai phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng (TTXD).
Theo các cơ quan chức năng, vi phạm trong lĩnh vực xây dựng không chỉ xảy ra trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn mà diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Các hình thức vi phạm chủ yếu là phá vỡ quy hoạch đô thị, vi phạm quy định về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, xây nhà siêu mỏng, siêu méo, gây mất mỹ quan đô thị… Vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đang tồn tại công khai, gây nhức nhối trong dư luận, đòi hỏi các cấp chính quyền cần khẩn trương nhìn nhận thực trạng, trách nhiệm, từ đó có giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời. Tại nghị trường QH, có đại biểu nêu rõ: Ðiều đáng lo hiện nay là tại nhiều địa phương, có những vi phạm chưa được xử lý dứt điểm thì công trình vi phạm mới đã xuất hiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà việc xử lý còn hạn chế.
Trên địa bàn TP Hà Nội, mặc dù đã có những quy định rõ ràng bằng các văn bản pháp luật và sự chỉ đạo sát sao của các Bộ, ban, ngành song thực tế các vi phạm trong hoạt động xây dựng đã và đang tiếp tục diễn ra trên địa bàn các quận, huyện, nhất là quận Hoàng Mai.
Hoàng Mai là một quận nội thành nằm ở phía đông nam của thành phố Hà Nội. Đây là quận có diện tích lớn thứ tư của thành phố và có dân số đông nhất trong số 30 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội. Chính bởi việc dân số đông kèm theo quỹ đất chỉ lớn tương đối nên việc vi phạm TTXD diễn ra khá phổ biến. Mặc dù chính quyền địa phương quận Hoàng Mai đã bắt tay thực hiện việc quản lý, siết chặt tình hình TTXD, thế nhưng đến nay, dường như những hành động này chỉ như muối bỏ bể.
Công trình vi phạm trật tự xây dựng mọc lên như nấm
Theo đó, trên địa bàn phường Giáp Bát thuộc quận Hoàng Mai xuất hiện rất nhiều công trình xây dựng có dấu hiệu vi phạm. Cụ thể, công trình xây dựng tại số 101 đường Kim Đồng đang được xây dựng với quy mô 6 tầng +1 hầm và hiện đang đổ cột lên tầng thứ 7, mật độ xây dựng 100%.
Ngoài ra, một công trình khác có địa chỉ số 685 đường Giải Phóng đang được chủ đầu tư cho xây dựng lên đến 7 tầng, 1 hầm, hiện công trình chưa có dấu hiệu dừng lại.
Công trình số 685 đường Giải Phóng đang được chủ đầu tư cho xây dựng lên đến 7 tầng, 1 hầm, có dấu hiệu vi phạm TTXD
Công trình có địa chỉ 62 ngõ 543 Giải Phóng đã được xây dựng lên đến 6 tầng, 1 hầm và tiếp phần tum dù đã gần hoàn thiện mà không hề thấy sự xuất hiện và xử lý của lực lượng chức năng địa phương.
Một công trình khác tại địa chỉ số 571 Giải Phóng cũng có dấu hiệu vi phạm TTXD khi có chiều cao vượt quá giấy phép được cấp.
Được biết, trên thực tế công trình xây dựng tại số 571 Giải Phóng được UBND Quận Hoàng Mai cấp GPXD số 376.03.2017/GPXD ngày 22/3/2017 cho bà Lý Thị Thu Hà với quy mô xây dựng 5 tầng, 1 lửng, 1 tum. Diện tích xây dựng tầng 1 là 70 m2 trong đó có 39,7m2 nằm vào chỉ giới mở đường, cấp phép xây dựng có thời hạn. Tầng 2,3,4 được cấp diện tích 76,5 m2. Tầng 5 được cấp diện tích 30,3m2, tầng lửng được cấp 30,3 m2, tầng tum được cấp 12,4m2. Tổng diện tích xây dựng là 372,5m2 trong đó có 158,8m2 nằm vào chỉ giới mở đường được cấp phép xây dựng có thời hạn. Công trình đua ban công 1m (theo thiết kế). Mật độ xây dựng 86%.
Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng từng cho biết, qua kiểm tra từ đầu năm 2020 đến nay, các đơn vị chức năng đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý đối với 237 trường hợp vi phạm mới. Trong đó, 59 trường hợp xây dựng không phép; 92 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 15 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 71 trường hợp có các vi phạm khác.
“Đến nay, đã xử lý dứt điểm 157/237 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 66,2%, trong đó, cưỡng chế phá dỡ 6 trường hợp; tự khắc phục 114 trường hợp; cấp bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng 37 trường hợp.
Đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 80/237 trường hợp, chiếm 33,8%. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 669 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 13,4 tỷ đồng” - ông Nguyễn Việt Dũng cho hay. Tuy nhiên, theo đánh giá, mặc dù số lượng công trình xây dựng mới vi phạm TTXD có chiều hướng giảm, nhưng về hình thức vi phạm lại diễn biến phức tạp và khó lường hơn. Một số cá nhân, hộ gia đình cố tình vi phạm, số khác thì “lách luật” móc nối với cán bộ chính quyền địa phương “bật đèn xanh” để được xây dựng thêm những phần ngoài giấy phép. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các quận, huyện của Hà Nội, nhưng tập trung nhiều nhất ở một số quận trung tâm, như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai
Cũng theo số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng, việc xử lý vi phạm TTXD trên địa bàn TP chưa đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt vấn đề xử lý dứt điểm các công trình tồn đọng.
Như vậy, để những vi phạm TTXD diễn ra nghiêm trọng, phá vỡ quy hoạch đô thị thủ đô, trách nhiệm chính vẫn thuộc về chính quyền UBND phường Giáp Bát và UBND quận Hoàng Mai.
Trước thực trạng vi phạm TTXD ngày càng diễn ra tinh vi và có tính chất nghiêm trọng, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi các Sở: Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND các quận, huyện thị xã về việc tăng cường công tác kiểm tra, xác minh, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai theo nội dung phản ánh của báo chí.
Theo đó, UBND TP đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng, giao UBND các quận, huyện tập trung xử lý, dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng, đất đai, khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, đất đai.
Đồng thời, xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức có liên quan theo quy định.
UBND TP cũng yêu cầu báo cáo UBND TP kết quả thực hiện, gửi các sở chuyên ngành để tổng hợp theo lĩnh vực ngành…
Bên cạnh đó giao UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để các vi phạm phát sinh. Chủ động tổ chức kiểm tra, xác minh khi có báo chí phản ánh, kịp thời xử lý theo thẩm quyền đối với các vụ việc trên địa bàn quản lý, trả lời báo chí theo quy định.