Aa

Phường Khương Mai: Công trình xây dựng trên phố kiểu mẫu "nuốt trọn" vỉa hè

Thứ Sáu, 21/08/2020 - 13:20

Công trình xây dựng, các hộ kinh doanh, phương tiện giao thông "tranh nhau" tận dụng từng mét đất vỉa hè, lòng đường vì mục đích tư lợi là thực trạng đang diễn ra tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Hàng loạt sai phạm trên "phố kiểu mẫu"

Thực hiện chủ trương giành lại vỉa hè cho người đi bộ, trong những ngày qua, hàng loạt công trình lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại Hà Nội đã bị các lực lượng chức năng xử lý. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều công trình, dự án, hộ kinh doanh biến vỉa hè làm của riêng, lấn chiếm lối của người đi bộ vì mục đích tư lợi. Thực tế ghi nhận được tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội, vấn nạn này đang diễn ra công khai, thậm chí ngay cạnh các biển cấm không lấn chiếm.

Tại địa chỉ số 206 và 204 phố Lê Trọng Tấn, các công trình này ngang nhiên trưng dụng toàn bộ vỉa hè để làm nơi tập kết nguyên vật liệu xây dựng, chắn hết không gian lối đi của người đi bộ, Hành vi này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông nếu người đi bộ phải di chuyển xuống lòng đường bởi đây là tuyến phố có lượng phương tiện giao thông di chuyển dày đặc.

Công trình số 206, 204 Lê Trọng Tấn lấn chiếm vỉa hè

"Cứ mỗi đợt thi công giai đoạn quan trọng của công trình là vỉa hè biến thành nơi để sỏi, đá, cát, gạch, sắt thép... Lối đi đã nhỏ mà các công trình "đua nhau" chiếm hết thì người dân di chuyển như thế nào? Lúc nguyên vật liệu được sử dụng xong thì vỉa hè cũng "nham nhở", đi mà không chú ý cũng rất dễ trơn trượt, đặc biệt nguy hiểm cho người nhà và trẻ nhỏ. Từ giờ đến lúc hoàn thành công trình, còn bao lần ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quanh khu vực nữa" - là bức xúc của người dân đang sinh sống gần đó.

Vỉa hè "nhếch nhác", dễ "trơn trượt" khi rác thải công trình ngập tràn.

Đầu ngõ 134 Lê Trọng Tấn, một dự án đang xây dựng dở dang, dù có quây tôn công trình và đặt biển cảnh báo nhưng phía mặt đường vẫn xuất hiện những tấm tôn lạ trên vỉa hè. "Chúng tôi lo rằng, việc các công trình sai phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên tuyến phố không bị xử lý nghiêm để làm gương thì sẽ rất dễ dẫn đến hệ lụy là các công trình khác sẽ tiếp diễn sai phạm. Như công trình này mới chỉ bắt đầu, chưa thể khẳng định có "bành trướng" như các dự án khác cùng phố hay không nhưng nhìn những tấm tôn quây "ngả ngiêng" không rõ có thể bị đổ lúc nào cũng khiến người dân khu phố cảm thấy hoang mang về sự an toàn trong quá trình thi công của dự án này" - Anh H. (ngõ 134 Lê Trọng Tấn) chia sẻ.

Công trình số 134 Lê Trọng Tấn

Quan sát tại công trình số 128 Lê Trọng Tấn, các tấm sắt, phế thải xây dựng để "thản nhiên" trên vỉa hè. Theo phản ánh của một số người dân trong khu vực, muốn di chuyển qua số nhà này, một là phải đi lên những tấm sắt của công trình -  việc này không phải ai cũng dám, hai là chọn cách đi xuống lòng đường.

Công trình số 128 Lê Trọng Tấn

"Tuyến phố kiểu mẫu giờ chỉ còn là quá khứ. Gần đây, nhiều công trình xây dựng trái phép, vượt tầng, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan đô thị không hiếm. Trong quá trình thi công, vật liệu xây dựng, máy móc của công trình ngang nhiên cản trở người dân đi lại qua khu vực nhưng cũng chưa thấy bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý" - một người dân sinh sống tại ngõ 192 Lê Trọng Tấn cho biết. 

Phố kiểu mẫu ngày đó - bây giờ, lòng đường được trưng dụng triệt để làm nơi dừng đỗ xe ô tô

Bên cạnh các công trình xây dựng vi phạm, các hộ kinh doanh, các phương tiện giao thông trên đường Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái... cũng tranh nhau từng mét đất vỉa hè. Tất cả đều phục vụ mục đích tư lợi mà không nghĩ tới những nguy cơ, hệ lụy có thể xảy ra đối với người đi bộ từ hành vi trái phép đó.

Các vi phạm lấn chiếm vỉa hè vì mục đích tư lợi trên địa bàn phường Khương Mai (Thanh Xuân, Hà Nội)

Ghi nhận thực tế trên tuyến phố Lê Trọng Tấn, có rất nhiều biển hiệu tuyên truyền "năm không": không hộ nghèo, không tệ nạn xã hội; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không vi phạm trật tự xây dựng. Tuyên truyền là vậy nhưng vẫn tồn tại các sai phạm, các công trình, hộ kinh doanh không chấp hành và thực hiện theo đúng tiêu chí đề ra.

Các xe rác thải - tác nhân gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, lấn chiếm lòng đường do không có nơi tập kết đúng quy định.

Những vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quanh khu vực là rõ “như ban ngày”. Nhưng việc thiếu quyết liệt trong công tác xử lý đã khiến người dân cho rằng có dấu hiệu bao che vi phạm của các cấp chính quyền, gây bức xúc trong dư luận.

Người dân đang "chờ xem" liệu với những lời hứa ra quân mạnh mẽ để xử lý của chính quyền các địa phương lần này có ngăn chặn triệt để các công trình ngang nhiên “ôm” trọn vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường? Đề nghị UBND phường Khương Mai và các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc thanh tra, xác minh và công khai xử lý vi phạm (nếu có) để phản hồi tới người dân.

Theo quy định tại Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP, việc sử dụng tạm thời hè phố để trung chuyển vật liệu phục vụ thi công xây dựng công trình phải được UBND cấp huyện và Sở GTVT cấp phép. Thời gian sử dụng chỉ từ 22 giờ đến 6 giờ sáng và phải đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Đặc biệt, phải dành lối đi tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, tại chân rất nhiều công trình, nhất là những công trình thi công trên diện tích hẹp, các nhà thầu đã lấn hết vỉa hè mà không mảy may nghĩ đến việc chừa lối cho người đi bộ.

Pháp luật có, chính quyền có nhưng các sai phạm vẫn "ngang nhiên" tồn tại?

Liên quan đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND sửa đổi Điều 14 Quyết định 09/2018, tại 2 văn bản này đã điều chỉnh các quy định về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên toàn địa bàn TP Hà Nội.

Chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ bắt đầu từ ngày 16/01/2017 tại TP HCM sau khi Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tán đồng kế hoạch của quận 1. Rồi từ TP HCM, chiến dịch lan tới Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác trên địa bàn cả nước. Thế nhưng, chính sự không gắt gao xử lý triệt để cùng ý thức chấp hành của một bộ phận người dân mang tính chống đối đã khiến cuộc chiến kéo dài đến tận bây giờ vẫn chưa có hồi kết, hiệu quả chỉ mang tính thời điểm.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008, pháp luật không cho phép lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, chỉ được sử dụng ngoài mục đích giao thông trong một số trường hợp và phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nhưng tình trạng vẫn xảy ra nhiều, phổ biến. 

Chính sách pháp luật đã quy định rõ ràng nhưng việc thực hiện chưa nghiêm túc, từ ý thức người dân đến cơ chế quản lý còn lỏng lẻo. Việc cá nhân “lót tay” cho cán bộ phường để sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè là điều có thật!

Một hộ kinh doanh "ngang nhiên" vi phạm ngay cạnh biển cấm không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law, để trả lại vỉa hè cho người đi bộ, đầu tiên UBND các quận, phường nên có cảnh báo, tuyên truyền giáo dục rộng rãi để khơi dậy ý thức chấp hành cho người dânNghị định 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Theo đó, chương 5 quy định về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm như sau:

+ Lập biên bản ngừng thi công xây dựng;

+ Đình chỉ thi công xây dựng;

+ Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm: thời hạn cưỡng chế từ 3 đến 10 ngày kể từ khi ban hành quyết định đình chỉ thi công. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải chịu toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.

Khi dẹp vỉa hè, lòng lề đường lực lượng chức năng cần phải tuân thủ về hình thức, trình tự, thủ tục theo Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành

Việc chiếm dụng vỉa hè quy định tại Điều 36 Luật Giao thông đường bộ năm 2008:

“1. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.

Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 của Luật này, trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật này;

b) Đổ rác hoặc phế thải không đúng nơi quy định;

c) Xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường”.

Theo đó, chủ thể vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ; mức phạt thấp nhất là: “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng”; và cao nhất là "Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các tổ chức thực hiện xây dựng trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ".

Ngoài ra, Điều này cũng quy định:

Nguyên nhân chính khiến vỉa hè bị chiếm dụng thường là:

- Do ý thức và thói quen tùy tiện của người dân cộng với sự thiếu quyết liệt của chính quyền.

- Do khách quan khi tổng lượng xe máy, ô tô cá nhân ở các đô thị lớn vượt quá xa sức chịu tải của khu gửi xe.

“9. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn rác, vật tư, vật liệu, chất phế thải, hàng hóa, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra”.

Như vậy, tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm vỉa hè ngoài bị xử phạt hành chính còn bị buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm gây ra, tức là hoàn trả lại phần diện tích vỉa hè đã lấn chiếm cho người đi bộ.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc thi hành các biện pháp mạnh tay khi xử phạt những cá nhân, tập thể chống đối, cố tình vi phạm việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường thì cũng cần phải tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng trong quần chúng nhân dân thông qua các phương tiện truyền thông, để người dân hiểu, thấm nhuần và thực hiện một cách nghiêm túc, kể cả khi không có sự hiện diện của lực lượng chức năng, giải quyết việc làm cho những người bán hàng rong, bán trên vỉa hè vì...“đòi thì dễ, giữ mới khó”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top