Phương pháp cân bằng công việc và cuộc sống
“Chúng ta dùng tuổi trẻ để kiếm tiền và chúng ta dùng tiền để mua lại sức khỏe lúc về già rồi chết trong sự cô đơn”. Vì sao vậy? Vì khi còn trẻ lúc nào ta cũng chỉ biết công việc, ta nghĩ rằng cần khẳng định bản thân mình, cần phải kiếm tiền thật nhiều, ta phải mua nhà, mua xe… Và rồi vòng quay cuộc sống cuốn ta đi mãi không có điểm dừng. Cho đến khi có tuổi, ta nằm đu đưa trên chiếc võng, không còn sức để đi du lịch, không còn tuổi trẻ để tận hưởng. Nghĩ về những gì đã qua, ta ngậm ngùi với chữ “giá như…”.
Có lẽ nói đến đây thì chẳng ai mong cuộc đời mình sẽ đi theo hướng như vậy phải không các bạn? Và các bạn sẽ có rất nhiều suy nghĩ phản biện như: “Nói vậy thì ta không tập trung vào sự nghiệp à?”; “Nói vậy thì ta không cần kiếm tiền à? Không kiếm tiền sao có thể trang trải cuộc sống, mua những gì mình thích, sống cuộc đời rực rỡ?”.
Ừ thì đúng vậy, tuổi trẻ là phải trải nghiệm, phải có ước mơ, hoài bão, khao khát, phải sáng tạo thì mới mong thành công trong sự nghiệp. Tuổi trẻ phải học hỏi không ngừng, dấn thân, dám thất bại để học những bài học quý giá. Tuổi trẻ phải tận dụng thời gian để tạo dựng các mối quan hệ công việc. Thế nhưng hôm nay, tôi muốn chia sẻ với những bạn trẻ đang biến mình thành công cụ của đồng tiền, của công việc, là công cụ của ai đó và đánh mất đi sự cân bằng trong cuộc sống của chính mình.
Các bạn cần nhớ, công việc là công cụ để đạt được mục tiêu của bạn, để kiếm tiền, và tiền phải là công cụ để bạn sử dụng cho các mục tiêu trong cuộc đời mình. Mục tiêu đó phải làm cho bạn hạnh phúc. Cảm giác hạnh phúc sẽ tạo ra năng lượng sống và năng lượng sống tạo ra sức hút, sự may mắn cho chính bạn.
Hãy làm việc hăng say nhưng phải hăng say trong hạnh phúc.
1. Mất năng lượng
Bạn có thể cảm nhận nguồn năng lượng của chính mình đấy. Khi bạn thấy năng lượng của mình bị suy giảm, đó là khi bạn “tiêu tốn” nhưng lại không “thu về”. Tưởng tượng như bạn tiêu tiền mà không kiếm tiền, chắc chắn sẽ dẫn đến phải đi vay, đi xin, nếu không xin được thì có thể là đi móc túi, ăn cướp… Hay như cái máy điện thoại, máy tính xài nhiều cũng nhanh hết pin và bạn sẽ phải sạc pin thường xuyên đúng không nào?
Năng lượng chúng ta cũng vậy, khi ta tiêu tốn nó quá nhiều vào công việc và các mối quan hệ trong công việc, những vấn đề tiêu cực mà chúng mang lại sẽ khiến ta có cảm giác chán nản, mất năng lượng. Năng lượng đến từ thể chất và cả tinh thần, là thứ ta khó nhìn thấy hay cầm nắm được, nên ta thường không quan tâm.
Khi mất năng lượng hay có chuyện buồn, rất nhiều bạn trẻ đi vay, mượn năng lượng từ những người xung quanh (như đi nhậu, đi bar, tán tỉnh người khác để giảm stress…). Và nếu như cứ phụ thuộc vào những nguồn năng lượng vay mượn đó, một ngày chúng ta sẽ phụ thuộc vào nó và đánh mất chính mình. Rất nhiều bạn trẻ cứ căng thẳng là phải nhậu nhẹt, hút thuốc, thậm chí sử dụng chất kích thích dẫn đến nghiện ngập. Có người thì vay mượn năng lượng từ người yêu, bạn bè, coi bạn bè như chỗ “xả rác” rồi đến lúc người ta không còn bên mình thì lại buồn tủi, thậm chí hận thù, hơn nữa có người còn muốn kết thúc cuộc sống của mình.
Đó là bởi nguồn năng lượng ấy không phải do chính mình tạo ra. Nếu như phải có ai đó, điều gì đó mới giúp ta có năng lượng thì đó chính là năng lượng phụ thuộc, vay mượn. Bạn sẽ không thể kiểm soát được và có thể mất nó bất cứ lúc nào bạn nhé!
Vậy nên, năng lượng phải do chính mình tự tạo ra để cân bằng cuộc sống. Điều này sẽ được đề cập đến phía sau.
2. Sức khỏe suy giảm
Khi rơi vào trạng thái mất cân bằng, bạn sẽ thấy cơ thể mệt mỏi, đau đầu, hoang mang, stress, căng thẳng, cơ thể uể oải, buồn ngủ, thậm chí tự kỷ, trầm cảm…
Trong lúc tiêu cực, bạn sẽ đặt ra những câu hỏi như: “Sao ta phải khổ sở thế này nhỉ?”; “Sao mình lại phải làm công việc này nhỉ?”; “Sao người khác đi du lịch mà mình lại chỉ có công việc?”...
Nhưng khi bị guồng xoay công việc cuốn đi, bạn lại bù đầu vào công việc mà quên mất rằng các cơ quan, bộ phận trên cơ thể mình cũng cần nghỉ ngơi, không biết rằng bạn đang bắt cơ thể làm việc quá công suất và dần phá hủy nó.
Ngoài ra, nếu vì công việc mà ta suốt ngày phải ăn nhậu, gan của chúng ta cũng bị phá hủy một cách âm thầm, có thể khi phát hiện ra thì đã quá muộn. Liệu sự thành đạt hay tiền bạn có lúc đó có thể lấy lại được lá gan khỏe mạnh hay không?
3. “Tớ không có thời gian”
Khi tụi bạn họp lớp bạn nói vậy; khi những người thân yêu cần bạn, bạn cũng nói vậy. Bạn bỏ qua hết những mối quan hệ ngoài công việc với câu cửa miệng “sự nghiệp là trên hết”. Tuy nhiên, bạn có sự nghiệp để làm gì nếu như một ngày, bạn bè quên mất bạn trên cuộc đời, lúc cần chia sẻ lại không có ai; gia đình bạn cũng không hỏi han, chăm sóc, khiến cho bố mẹ, anh chị em buồn phiền. Sự nghiệp bạn có mà ích kỷ cho riêng mình thì sau này chắc chắn bạn sẽ cô đơn.
Nên nhớ rằng, sự nghiệp của bạn cần được ghi nhận bởi những người quan tâm và yêu thương bạn nhất. Sự thành công của bạn phải làm cho họ hạnh phúc, đó mới là thành công thực sự. Và người thân yêu của bạn chỉ hạnh phúc khi thấy bạn vui vẻ, hạnh phúc mà thôi.
1. Không yêu công việc mình làm
Rất nhiều bạn trẻ chỉ làm việc vì tiền mà quên mất rằng mình cần đam mê trong công việc. Có thể bạn đam mê rồi mới làm, nhưng cũng có thể bạn thử sức, bạn làm và đào sâu một cách nghiêm túc rồi mới dần đam mê.
Nhưng dù làm công việc gì đi nữa, bạn cũng cần thích nó. Nếu làm công việc mà bản thân không yêu thích thì thực sự đi làm như tra tấn vậy. Việc đó cũng như thể bạn phải chịu đựng mãi một người mình không yêu, không hòa hợp mà không thể chuyển hóa mối quan hệ, nó khiến bạn chẳng thể cân bằng.
2. Ôm đồm những việc mình không có năng lực
Nhiều bạn trẻ làm những việc không phù hợp với năng lực của bản thân, đôi lúc vì cả nể mà nhận thêm các công việc chẳng liên quan dẫn đến bị quá tải công việc, stress và ức chế mà cuối cùng còn bị phê bình vì không đạt chuẩn trong việc đó. Dần dần, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn bạn sẽ mất niềm tin vào bản thân dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực.
3. Đánh đồng công việc và cuộc sống
Có nhiều người trong đầu chỉ có công việc. Các bạn mang công việc vào quán cafe cùng bạn bè, người yêu; mang nó về gia đình và khiến bạn đi tới đâu thì căng thẳng ở đó. Không chỉ bạn mất cân bằng mà còn khiến cho những người xung quanh mất cân bằng theo.
4. Không học cách yêu bản thân
Bạn làm việc quá hăng say và quên mất chính bản thân mình, không chăm sóc bản thân, không để ý tới các dấu hiệu về sức khỏe.
5. Quá tham vọng và bất chấp để đạt được mục tiêu trong công việc
Điều này dẫn đến việc bạn sẽ mang trong mình những toan tính, mưu mô, lợi dụng, bạc đãi... Bạn cạnh tranh không lành mạnh với đối thủ khiến cho năng lượng của bản thân tích lũy dần chuyển hóa thành tiêu cực. Chính năng lượng này sẽ phá hủy bạn, khiến bạn dù thành công cũng không bao giờ thấy an tâm cả, bạn sẽ luôn bất an và nghi ngờ. Đó cũng là tình trạng mất cân bằng.
6. Không biết cách quản lý thời gian, sắp xếp công việc hiệu quả
Cũng ngần ấy việc nhưng người sắp xếp tốt có thể làm xong rất nhanh, còn với người không biết sắp xếp thì chỉ thấy rối lên và không làm được gì cả. Đôi lúc bạn mất cân bằng ngay cả khi bạn chẳng làm được gì nên hồn trong công việc. Vấn đề nằm ở năng lực của bản thân bạn.
1. Tự tạo nguồn năng lượng tích cực và học hỏi, thay đổi bản thân
Thay vì đi vay mượn năng lượng, bạn có thể tìm giải pháp tạo ra năng lượng tích cực cho bản thân như:
- Đọc sách và chiêm nghiệm.
- Tham gia thêm những khóa học giúp bạn biết cách kiểm soát cảm xúc, lập kế hoạch trong công việc một cách khoa học, quản lý thời gian, nâng cao năng lực bản thân.
- Gặp gỡ những người bạn tích cực, có sự cân bằng trong cuộc sống để học hỏi và xin lời khuyên từ họ.
- Áp dụng một số kỹ thuật nhỏ như cười thật nhiều, khen mọi người, nói những lời tích cực, động viên người khác, chăm sóc, giúp đỡ mọi người... cũng có thể khiến bạn thay đổi. Những điều nhỏ bé đó cũng là cách tạo năng lượng tích cực rất hữu hiệu.
2. Cam kết tận hưởng thời gian dành cho bản thân
Bạn thích điều gì nhất thì hãy tranh thủ bất cứ khi nào để làm điều đó. Bạn có thể ca hát cùng bạn bè ở một quán cafe nhỏ hay vào phòng thu âm, chơi bất cứ môn thể thao nào bạn thích như đi đá banh, đánh cầu lông, đi bơi... Bạn cũng có thể đi spa thư giãn hay chạy xe một vòng thành phố, hoặc đơn giản là nhâm nhi ly trà, cà phê suy ngẫm về những điều tốt đẹp và quên công việc đi. Cuối tuần bạn có thể đi du lịch cùng những người mình yêu thương... Hãy yêu bản thân mình trước thì người khác mới yêu bạn được.
3. Cần biết nói “Không”
Nghệ thuật từ chối là điều bạn cũng cần trang bị cho mình, để giảm bớt những việc không liên quan khiến bạn ngập lụt trong công việc, hạn chế tốn thời gian vô ích. Từ chối bớt những cuộc nhậu để bảo vệ sức khỏe cũng là việc cần thiết. Tất nhiên không phải là không bao giờ đi nhậu mà bạn cần chọn lọc và chừng mực, phải biết giới hạn của chính mình.
4. Thúc đẩy sự sáng tạo giúp giảm stress
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, căng thẳng chính là nguyên do chính kìm hãm sự sáng tạo, vì thế hãy tận hưởng những hoạt động sáng tạo mà bạn yêu thích để giúp giảm căng thẳng:
- Làm cho các hoạt động hàng ngày trở nên thú vị hơn như thử một công thức nấu ăn mới cho bữa tối, ngâm mình trong bồn tắm dầu thơm thay vì tắm nhanh, nghe thể loại nhạc mới hoặc học một ngôn ngữ mới trong khi bạn đi làm.
- Học sở thích mới mà bạn luôn muốn thử như một môn nghệ thuật nào đó.
- Tranh thủ thời gian ăn trưa để sáng tạo ra hoạt động nào đó thú vị như đi dạo, gặp ai đó trò chuyện, vẽ, viết tiểu thuyết, nhật ký...
- Tìm cách khiến cho công việc trở nên thú vị hơn. Hãy tưởng tượng, hình dung công việc như một trò chơi và ta chiến thắng từng cấp độ, hoàn thành xong một cấp độ sẽ thưởng cho bản thân một món quà nho nhỏ, như vậy mình sẽ dần thích công việc hơn.
5. Chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục
Khi bạn làm việc vất vả mà ăn uống không điều độ, sức khỏe sẽ sa sút. Vậy nên không tốn quá nhiều thời gian để bạn có thể chuẩn bị một bữa sáng đủ chất, nhiều rau củ cùng các loại hạt hoặc đơn giản hơn là ngũ cốc và trái cây. Bạn nên uống đủ nước mỗi ngày, tập thói quen sử dụng vitamin để tăng đề kháng và hỗ trợ cho cơ thể.
Ngoài ăn uống, hãy nhớ rằng tập thể dục đóng một vai trò rất lớn trong việc giảm căng thẳng, vì vậy hãy dành thời gian và động viên bản thân tập thể dục đều đặn. Điều này sẽ giúp bạn cân bằng và nạp thêm năng lượng.
6. Yêu thương và cho đi
Hãy dành một phần thời gian mỗi ngày của mình để giúp một ai đó, động viên một người nào đó. Các bạn cũng đừng bỏ quên gia đình, bố mẹ; hãy thường xuyên hỏi thăm và về thăm họ bất cứ khi nào có thể, đừng chần chừ, bởi đôi khi mải công việc, quay đi quay lại rồi bố mẹ đã rời xa chúng ta lúc nào chẳng hay. Hãy lên kế hoạch cho các công việc từ thiện từ nhỏ tới lớn. Việc cho đi đều đặn sẽ giúp bạn thấy hạnh phúc, bình an, giúp bạn cân bằng cuộc sống rất nhiều. Vì thế đừng quên làm những việc tốt mỗi ngày bạn nhé!
Hy vọng rằng những bí quyết cân bằng trên sẽ phần nào giúp cho các bạn trẻ nhìn nhận lại chính công việc và cuộc sống của mình. Mong các bạn đừng làm nô lệ cho tiền bạc và công việc. Hãy nhớ đó chỉ là công cụ phục vụ cho mục đích sống của các bạn mà thôi./.