Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thanh phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.
Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.
Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó, chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.
Khó cân bằng giữa cấm và không cấm
Thanh Xuân Bắc là một trong 11 phường của quận Thanh Xuân (thành phố Hà Nội), nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam thành phố, có đường vành đai 3 của Thủ đô là đường Khuất Duy Tiến và đường Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6). Phía Đông giáp phường Nhân Chính và Thanh Xuân Trung, phía Tây và phía Bắc giáp phường Trung Văn và phía Nam giáp phường Thanh Xuân Nam, phường Thanh Xuân Bắc có diện tích 48,8 ha.
Diện tích không phải là quá lớn, nhưng mật độ dân cư cao khiến cho không gian sống khu vực luôn mang đến cảm giác có phần chật chội, ngột ngạt.
Sự tồn tại của những khu tập thể cũ có tuổi đời lên đến vài chục năm, cùng với vỉa hè, lòng đường thường xuyên bị lấn chiếm càng khiến không gian sống nơi đây trở nên bí bách, cho dù việc ách tắc tại đây hiếm khi xảy ra.
Cũng vì mật độ dân số cao và đông người qua lại, mà tại nhiều con đường thuộc phường Thanh Xuân Bắc đã bố trí nhiều biển cấm đỗ xe. Thế nhưng những con đường này lại chưa bao giờ vắng bóng hình ảnh ô tô, xe máy đỗ lại mà chủ xe thì chẳng thất đâu. Đặc biệt, luôn có một lượng lớn các xe ô tô, xe máy được đỗ trước các cửa hàng kinh doanh đồ uống, điển hình như quán cà phê Tối và một số quán ăn nhỏ, lẻ khác.
Theo quy định tại Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008, việc dừng, đỗ xe được quy định như sau: Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác; Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.
Như vậy, dựa vào hai khái niệm này thì có thể nhận thấy sự khác biệt cơ bản nhất giữa đỗ xe và dừng xe là ở thời gian đứng yên của xe. Cụ thể, dừng xe là xe đứng yên có thời hạn và người điều khiển không được tắt máy hay rời khỏi vị trí lái khi dừng xe còn đỗ xe là cho xe đứng yên mà không giới hạn thời gian.
Được biết, việc đặt biển cấm đỗ tại đường Nguyễn Quý Đức cũng nhận được không ít ý kiến trái chiều. Một mặt, biển cấm đỗ xe tại đây được coi là một biện pháp cần thiết nhằm hạn chế tình trạng dừng đỗ sai quy định, góp phần đảm bảo trật tự ATGT, trật tự đô thị. Mặt khác, một số người cho rằng việc cấm triệt để các phương tiện đỗ trên tuyến, ít nhiều sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của người dân, do khu vực này không có bãi, hầm gửi xe.
Theo ý kiến của một số người, đường Nguyễn Quý Đức là tuyến đường chính dẫn vào 5 trường học trên địa bàn như: Trường Mầm non Tràng An, Mầm non Thanh Xuân Bắc, Tiểu học Thanh Xuân Bắc, Tiểu học Đặng Trần Côn, THCS Việt Nam - Angiêri… nên vào giờ cao điểm, việc di chuyển của các phương tiện, đặc biệt là của phụ huynh đưa đón con đến trường gặp không ít khó khăn. Việc cấm đỗ xe sẽ gây ảnh hưởng đến việc đưa đón con của các bậc phụ huynh, đặc biệt là những ngày mưa bão.
Mong muốn trên cũng chỉ là số ít, phục vụ cho mục đích của một số phụ huynh bởi việc dừng đỗ tại đây vào giờ cao điểm chắc chắn sẽ gây ra tình trạng ắc tách giao thông cục bộ rồi từ đó tạo thành hiệu ứng domino làm giao thông toàn bộ khu vực tê liệt theo.
Quy định rõ ràng và việc cắm biển cấm dừng đỗ đúng đắn là thế, nhưng tại khu vực đường Nguyễn Quý Đức vẫn xảy ra tình trạng hàng loạt ô tô dừng, đỗ tại đây cản trở nghiêm trọng đến các phương tiện tham gia giao thông tại khu vực.
Không những thế, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để đỗ xe Thanh Xuân Bắc vẫn diễn ra phức tạp. Thậm chí, ngay vỉa hè trước UBND phường Thanh Xuân Bắc cũng bị lấn chiếm, sử dụng làm nơi đỗ xe ô tô, mặc dù quy định pháp luật đã cấm đỗ xe trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức.
Ra quân nhiều, hiệu quả chưa cao
Từ lâu nay, không ít lần lực lượng chức năng phường Thanh Xuân Bắc tiến hành ra quân, “dẹp loạn” lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, việc xử lý chỉ mang tính hiệu quả nhất thời, bởi sau đó một thời gian, mọi việc “đâu lại hoàn đó”. Một số lần ra quân có thể kể đến như:
Ngày 19/6/2019, Ban Chỉ đạo 197 phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) đã tổ chức ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn phường, tập trung xử lý tình trạng ô tô đỗ sau biển cấm trên phố Nguyễn Quý Đức.
Trong buổi ra quân này, Đại úy Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Trưởng Công an phường Thanh Xuân Bắc cho biết, do mặt bằng phục vụ cho việc trông giữ và dừng đỗ xe, đặc biệt là ô tô trên địa bàn phường Thanh Xuân Bắc hẹp nên tình trạng người dân dừng đỗ xe không đúng nơi quy định, thậm chí dừng ngay sau biển cấm vẫn xảy ra trong thời gian qua dù lực lượng chức năng phường vẫn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở.
Tiếp theo đó là những lần ra quân ngày 11/11/2019, ngày 03/12/2019, ngày 24/2/2020, ngày 28/5/2020... Mới đây nhất là vào ngày 27/6/2020, BCĐ 197 cùng các lực lượng chức năng phường ra quân xử lý giải quyết trật tự an toàn giao thông - trật tự đô thị - vệ sinh môi trường trên địa bàn phường, việc ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn phường nhằm mục đích là lập lại trật tự đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông các tuyến phố trên địa bàn phường.
Theo đó, lực lượng chức năng tập trung vào xử lý triệt để những vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định tại tuyến phố Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Nguyễn Quý Đức và đường vào các khu dân cư.
Có thể thấy, lực lượng chức năng phường Thanh Xuân Bắc tiến hành ra quân liên tục, thế nhưng kết quả đạt được lại không cao. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn tiếp diễn như chưa hề có gì xảy ra.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ chính ý thức của người dân, thường tái phạm khi không có lực lượng chức năng kiểm tra; nhiều cơ sở kinh doanh bị phạt hôm nay, ngày mai việc lấn chiếm lại tái phát, hoặc lúc nào xe tuần tra công an đến thì trật tự, vắng công an thì đâu lại về đấy; công tác kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm chưa có sự thống nhất.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng VP Luật Kết Nối cho biết: “Cần phải có biện pháp mạnh tay hơn cho những cá nhân, tổ chức cố tình làm trái, cơ quan thiếu trách nhiệm, lỏng lẻo trong quản lý để tiến tới làm giảm và ngăn chặn vấn nạn này” bởi dường như những mức phạt này chưa đủ mạnh để răn đe các cá nhân, đơn vị sai phạm.
Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định mức xử phạt với một số hành vi lấn chiếm vỉa hè như sau:
– Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 2, Điểm b Khoản 4, Điểm e Khoản 5 Điều này.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng với cá nhân, từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:
+ Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 5; khoản 6; điểm a khoản 7 điều này;
+ Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 5 m2 làm nơi trông, giữ xe…”.
+ Các hành vi lấn chiếm vỉa hè làm nơi trông giữ xe có thể bị xử phạt đến 15.000.000 đồng với cá nhân; 30.000.000 đồng với tổ chức.