PVcomBank – Ngân hàng không khoảng cách

PVcomBank – Ngân hàng không khoảng cách

Thứ Sáu, 27/08/2021 - 06:00

Ngày 01/10/2013, trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng Công ty CP Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank), Ngân hàng PvcomBank chính thức được thành lập, với kỳ vọng sẽ giúp cả hai đơn vị trên thoát khỏi cảnh khó khăn.

Vào thời điểm ấy, PVFC và Western Bank là những tổ chức tín dụng yếu kém trong hệ thống với nợ xấu cao. PVFC từng được coi là "một cánh chim đầu đàn của Tập đoàn dầu khí", đến trước thờ điểm sáp nhập, báo cáo nợ có vấn đề năm 2012 của đơn vị này cho thấy có trên 8.500 tỷ đồng nợ xấu, trong đó hầu hết là các khách hàng không có khả năng hoàn trả (Vinashin, Vinalines, một số khách hàng sắt thép, bất động sản, thủy điện...). Còn với Western Bank, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tình hình tài chính của ngân hàng này trước khi hợp nhất cũng có nhiều vấn đề không kém.

Trong bối cảnh đó, với một “cái bóng” đầy tai tiếng, thương hiệu hoàn toàn mới – PvcomBank gặp không ít khó khăn và thực tế xuất phát điểm là sự yếu kém về tài chính. Điều duy nhất thúc đẩy Ngân hàng này khi đó là tinh thần nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, tăng tốc mở rộng tiếp cận khối khách hàng cá nhân qua đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ. 

Để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn, nợ xấu cũng như tăng trưởng tín dụng lành mạnh, phát triển mạng lưới, quá trình tái cơ cấu Ngân hàng đã được thực hiện từ năm 2016. Song song với đó, PVcomBank tiếp tục đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn thiện hệ thống quản trị ngân hàng và kiện toàn hệ thống nhân sự quản lý các cấp để nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả của công tác quản lý.

Trong giai đoạn tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng  Ngân hàng này liên tục có được hàng loạt giải thưởng. Điều này cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi của cả Ban lãnh đạo cũng như nhân viên của Ngân hàng trong bối cảnh tái cơ cấu mạnh mẽ. Nhiều giải thưởng uy tín mà PVcomBank đã đoạt được như:

-    Ngân hàng có dịch vụ Thẻ tốt nhất Việt Nam 2021 – FDM

-    Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam – Fast 500 – Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam

-    Ngân hàng có giải pháp quản lý dòng tiền mặt doanh nghiệp hiệu quả 2019 (ABF)

-    VNA Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất & tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2018 (VNR500)

-    Theo công bố từ Finance Derivative Awards, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) được vinh danh tại 03 hạng mục giải thưởng lớn của Việt Nam năm 2021: Ngân hàng có sản phẩm tài trợ thương mại tốt nhất, Ngân hàng có dịch vụ thẻ tốt nhất và Ngân hàng có chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Nhìn lại những ngày tháng ấy, người ta thắc mắc và hoài nghi điều gì đã giúp PVcomBank “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” như vậy. Có lẽ, chỉ có thể nói rằng, điểm tựa duy nhất giúp “đứa con sài đẹn” PVcomBank vượt qua nghịch cảnh ngặt nghèo chính là niềm tin và tinh thần thép của đội ngũ lãnh đạo và nhân viên. Niềm tin đã giúp họ vượt qua trở ngại và khát vọng khiến họ trở nên tinh anh hơn, sáng tạo hơn, quyết liệt hơn trên con đường đổi mới và tái cấu trúc. 

Theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, PVcomBank được phép giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại tại ngày 30/9/2015 đối với nhóm khách hàng Vinashin, Vinalines, nhóm khách hàng liên quan đến cổ đông cũ Western Bank và nhóm khách hàng trước đây chưa được xác định kỳ hạn trả nợ hợp lý. Trong ba năm đầu tái cơ cấu, PVcomBank đã thu hồi nợ xấu và tái cấu trúc 3.000 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là thu hồi nợ nhóm liên quan đến Western Bank trước đây là 1.238 tỷ đồng, Vinashin là 224 tỷ đồng, Vinalines 1.208 tỷ đồng, nhóm PVC 142 tỷ đồng…

Nếu tại thời điểm hợp nhất, Western Bank gặp khó khăn thanh khoản, thì PVcomBank sau hợp nhất, theo đánh giá của NHNN, thanh khoản luôn được duy trì tốt, cũng như đã chủ động hơn trong việc cơ cấu và dịch chuyển tài sản sang những khoản có tính chuyển đổi cao, an toàn như trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2019 kết quả kinh doanh của ngân hàng này tăng trưởng vượt bậc, cụ thể, tổng doanh thu năm 2019 đạt 11.609 tỷ đồng, bằng 121% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 210 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2019. 

Tổng tài sản đạt 164.196 tỷ đồng, tăng 16,8%; doanh thu thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 184 tỷ đồng, tăng 114,4%; tín dụng đạt 100.105 tỷ đồng, tăng 15,8%; huy động đạt 148.448 tỷ đồng, tăng 23,1%.
Năm 2020, sự bùng phát mạnh và diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép - phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và duy trì phát triển kinh tế, PVcomBank đã nỗ lực triển khai các hoạt động kinh doanh và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao.

PVcomBank đã và đang không ngừng nỗ lực, sáng tạo, hoàn thiện hệ thống sản phẩm, phấn đấu trở thành Ngân hàng chuẩn mực trong cung cấp dịch vụ.

Thông điệp của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đình Lâm đưa ra trong báo cáo thường niên năm 2020: “Các tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu PVcomBank nói chung và mục tiêu kế hoạch năm 2020 của Ngân hàng nói riêng. Tuy nhiên, kiên định với khẩu hiệu hành động “Ngân hàng không khoảng cách”, PVcomBank đã và đang không ngừng nỗ lực, sáng tạo, hoàn thiện hệ thống sản phẩm, phấn đấu trở thành Ngân hàng chuẩn mực trong cung cấp dịch vụ để đồng hành cùng sự phát triển của khách hàng: Lấy lợi ích của khách hàng - đối tác làm mục tiêu hành động, đồng thời thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”.

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản ngân hàng đạt 164.196 tỷ đồng, tăng 16,8%, số dư huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm 2019; nguồn huy động không kỳ hạn tăng 45% so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động tín dụng cũng có sự tăng trưởng phù hợp, đảm bảo hiệu quả. Số dư tín dụng tại thời điểm 31/12/2020 tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019. 
Năm 2020, doanh thu hợp nhất của PVcomBank đạt 13.298 tỷ đồng, bằng 133% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 73,6 tỷ đồng, bằng 124% kế hoạch năm.

Doanh thu ngân hàng mẹ đạt 13.123 tỷ đồng, bằng 137% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ngân hàng mẹ đạt 66,2 tỷ đồng, bằng 137% kế hoạch năm. Tổng tài sản tính đến 31/12/2020 của PVcomBank đạt 180.567 tỷ đồng, tăng 10% so với 31/12/2019. PVcomBank đảm bảo tuân thủ giới hạn và các yêu cầu về an toàn trong hoạt động kinh doanh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ an toàn vốn đạt 9,23% (quy định ≥ 9%).

PVcomBank đã có sự tăng trưởng mạnh về hoạt động huy động vốn. Tính đến ngày 31/12/2020, số dư huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm 2019; nguồn huy động không kỳ hạn tăng 45% so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động tín dụng cũng có sự tăng trưởng phù hợp, đảm bảo hiệu quả. Số dư tín dụng tại thời điểm 31/12/2020 tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019. 

Để đạt được những thành quả như trên, trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch Covid-19, Ban lãnh đạo PVcomBank đã liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ. PVcomBank tiếp tục thúc đẩy triển khai mạnh mẽ Dự án Nâng cao hiệu quả hoạt động; nâng cấp ứng dụng Mobile Banking với các tiện ích mới giúp gia tăng trải nghiệm của khách hàng trong không gian số; ra mắt phương thức xác thực giao dịch Smart OTP; phát hành các dòng thẻ tín dụng được tích hợp đa tính năng mang lại những lợi ích vượt trội cho khách hàng. PVcomBank cũng đẩy mạnh triển khai các giải pháp công nghệ phù hợp để đáp ứng nhu cầu kinh doanh và quản trị nhằm hiện thực hóa lộ trình chuyển đổi số, hướng tới trở thành ngân hàng hợp kênh...

Năm 2020 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của PVcomBank trong mảng Ngân hàng số với hạ tầng công nghệ liên tục được nâng cấp đã đem lại cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ tài chính số hóa ưu việt, nâng tầm trải nghiệm cùng hàng ngàn ưu đãi hấp dẫn. Song song với đó, Ngân hàng cũng chú trọng cải tiến, phát triển mảng thanh toán điện tử với các sản phẩm thẻ tích hợp nhiều tính năng cùng các chương trình khuyến mại phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, PVcomBank đã nỗ lực khắc phục khó khăn khi đảm bảo duy trì hoạt động 100% trên toàn hệ thống.

“Ngân hàng đã triển khai Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 hiệu quả, đúng định hướng, trong đó công tác thu hồi nợ đã đạt được những kết quả nhất định. PVcomBank cũng chú trọng triển khai mạnh mẽ các dự án Nâng cao hiệu hoạt động nhằm nâng tầm chất lượng dịch vụ, tối ưu lợi ích khách hàng; nâng tầm trải nghiệm cho khách hàng đặc biệt là các sản phẩm công nghệ, thẻ…; Thúc đẩy hoàn thiện chính sách nhân sự tiền lương, bộ KPIs cho cán bộ kinh doanh đồng bộ, hiệu quả; Đẩy mạnh đào tạo cải tiến tối ưu quy trình hệ thống; tăng hiệu quả kiểm soát rủi ro, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Sự nỗ lực và thành tựu của PVcombank được nhiều tổ chức uy tín ghi nhận và vinh danh bằng những giải thưởng cao quý” – Thông điệp của Chủ tịch HĐQT cho biết.
Theo PVcomBank, lũy kế đến 31/12/2020 tính theo giá trị thu hồi/xử lý nợ, Ngân hàng đã đạt 63,6% kế hoạch đặt ra. Ngày 31/12/2020, tổng nợ xấu của Ngân hàng tăng 27% so với đầu năm, ghi nhận gần 2,627 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất đến 45%, nợ có khả năng mất vốn tăng 26%. Kết quả kéo tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ vay tăng mạnh từ 2,63% lên 3,12%. 

Theo đề án cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, PVcomBank giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng thuộc nhóm Vinashin, Vinalines, các biên liên quan của Western Bank và một số khách hàng trước đây chưa xác định kỳ hạn trả nợ hợp lý tại ngày 30/9/2015. Tổng số dư nợ gốc của các khách hàng này tại ngày 31/12 lần lượt là 417,6 tỷ đồng, 880,4 tỷ đồng, 1.203 tỷ đồng và 4.554 tỷ đồng. 

Năm 2021, PVcomBank tiếp tục kiên định với định hướng tăng trưởng bền vững gắn với an toàn, hiệu quả trong hoạt động. PVcomBank sẽ tiếp tục nắm bắt cơ hội thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng trưởng phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chủ động kiểm soát rủi ro và quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ tái cấu trúc Ngân hàng.

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và ở trong nước vẫn tồn tại nguy cơ dịch bùng phát trở lại làm ảnh hưởng đến đời sống con người và tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu tiềm ẩn, trích lập dự phòng có thể là thách thức lớn đối với các TCTD trong năm 2021.

PVcomBank xác định năm 2021 hoạt động của Ngân hàng sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ngân hàng tiếp tục thực hiện Tái cơ cấu theo lộ trình Đề án được phê duyệt và cập nhật theo phê duyệt của Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2030 của Ngân hàng. Các hoạt động kinh doanh năm 2021 theo hướng tăng trưởng thận trọng, chất lượng. Kiểm soát được rủi ro và dành tối đa nguồn lực để xử lý rủi ro.

Theo đó, PVcomBank phấn đấu doanh thu hợp nhất 12.943 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 86,6 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 190.000 tỷ đồng, doanh thu ngân hàng mẹ 12.565 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ngân hàng mẹ 80 tỷ đồng…

2021 cũng có thể là năm đầu tiên PVcomBank bước vào giai đoạn tái cơ cấu kéo dài thêm 10 năm theo như đề xuất của đơn vị này. Cụ thể, sau khi kết thúc giai đoạn tái cơ cấu 2016 - 2020, PVcomBank đã gửi Ngân hàng Nhà nước phương án tái cơ cấu kéo dài thêm 10 năm. Theo đó, PVcomBank đề xuất giữ nguyên nhóm nợ tại ngày 31/12/2020 đối với các khoản nợ của nhóm khách hàng trên. 

Đồng thời giãn trích lập dự phòng rủi ro theo năng lực tài chính và/hoặc thoái lãi dự thu đối với các khoản nợ này và các khoản đầu tư chứng khoán vốn, nợ xấu đã bán cho VAMC. Đề án tái cơ cấu là tiền đề quan trọng giúp PVcomBank tránh được áp lực trích lập dự phòng đối với các khoản nợ xấu tồn đọng nhiều năm qua, từ đó Ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận để tạo niềm tin, hình ảnh tốt trong mắt khách hàng và đối tác.

Để đạt được kế hoạch trên, PVcombank sẽ bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hoàn thiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2030 của Ngân hàng và thực hiện tốt các nội dung, giải pháp tái cơ cấu được phê duyệt.

Trong bối cảnh nợ xấu từ các khoản tiềm tàng nói trên vẫn còn lớn, việc ban lãnh đạo PVcomBank đưa ra kế hoạch thận trọng là điều dễ hiểu để từng bước tái cơ cấu. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh phức tạp cũng chính là nguyên nhân khiến ngân hàng chưa thể tính đến hướng đi bứt phá mạnh mẽ ngay lúc này. PVcomBank cần chuẩn bị nguồn lực thật tốt, từng bước phát triển, xóa bỏ nợ xấu một cách thận trọng chứ không tìm đến phương án tăng trưởng nóng đi kèm rủi ro cao.

Năm 2018, PVcomBank gây tiếng vang lớn với “nước đi lạ” khi cho ra đời… MV ca nhạc mang tên “Gần nhau cùng ước mơ”. Sản phẩm này do nhạc sĩ Tuyên sáng tác nhạc và lời, nhạc sĩ Dương Khắc Linh hoà âm phối khí. Người ta ngỡ đó chỉ là một sản phẩm âm nhạc bình thường như rất nhiều cách mà các thương hiệu làm truyền thông. Nhưng không, phía sau đó là những thông điệp đầy nhân văn và xúc động. 

5 trường phái âm nhạc: Rock, Pop, Opera, R&B, Bolero đã được kết hợp tài tình trong MV thông qua phần thể hiện sống động của 5 nghệ sĩ tài năng: Ca sĩ, giảng viên thanh nhạc Hoàng Tú, Rocker Trần Vinh Quang, Ca sĩ Hoàng Phú, Vũ Phụng Tiên, Huỳnh Phương Duy đã tái hiện câu chuyện về 5 con người đến từ 5 ngành nghề khác nhau trong xã hội Việt Nam: Nông dân, công nhân, trí thức, học sinh và doanh nhân. Đây cũng chính là 5 nhóm khách hàng mà PVcomBank tận tâm phục vụ ngay từ khi mới ra đời.

Hình ảnh trích trong MV ca nhạc ấn tượng - "Gần nhau cùng ước mơ" của PVcomBank.

Và đó là cách mà PVcomBank tôn vinh, tri ân khách hàng của mình - Đầy tinh tế và ấm áp. Sự thật là, nhìn lại chặng đường mà Ngân hàng này đã bươn chải vượt qua, với xuất phát điểm khác biệt rất nhiều cách mà các ngân hàng khác ra đời, ta thấy rung lên sự nỗ lực, chân thành, khiêm tốn, thân thiện và tận tụy. Đó có lẽ là lý do vì sao mà PVcomBank chọn cho mình một slogan ấn tượng và không khỏi gây tò mò: “Ngân hàng không khoảng cách”. Dõi theo hành trình dài, ta nhìn thấy nỗ lực của PVcomBank trong việc mang đến những dịch vụ tối giản nhất, thuận lợi nhất, hiệu quả nhất cho người sử dụng, để làm sao từ doanh nhân, trí thức đến những người nông dân đều dễ hiểu, dễ làm và không có bất cứ sự phân tầng đối tượng nào trong xã hội. 

Điều này được minh chứng rõ ràng khi PVcomBank không ngừng đẩy mạnh số hóa ngay từ những ngày đầu tiên “chập chững” bước vào thế giới ngân hàng. Bằng tất cả sự quyết tâm, dấn thân, chỉ đôi năm sau khi ra đời, Ngân hàng này đã vượt qua nhiều tên tuổi sừng sỏ ghi danh trong hàng loạt giải thưởng như Ngân hàng bán lẻ đổi mới hiệu quả nhất Việt Nam 2016, 2017 (ABF – Singapore); Ngân hàng tài trợ thương mại hiệu quả nhất Việt Nam (ABF – Singapore); Ngân hàng có sản phẩm Mobile Banking sáng tạo hiệu quả nhất năm 2017 (IFM –Singapore); Ngân hàng có giải pháp Core Banking đột phá, hiệu quả nhất (IFM - Singapore); Chiến dịch truyền thông hiệu quả và Website sáng tạo hiệu quả (ABF - Singapore)… 

Tất cả những điều đó đều hướng đến việc tận tâm phụng sự khách hàng. 4 giá trị cốt lõi mà PVcomBank theo đuổi luôn là kim chỉ nam trên mọi bước đi của mình: Khách hàng là trung tâm; Nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất; Tính trung thực được đặt lên hàng đầu; Hiệu quả được coi trọng. Ấy là cách mà PVconBank đã và đang phụng sự khách hàng, phụng sự xã hội và không ngừng trao đi.  

08/26/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top