Aa

Quận Ba Đình: Quy hoạch phố cũ đi vào bế tắc vì những vi phạm TTXD

Thứ Tư, 28/10/2020 - 14:42

Dù Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội đã được ban hành từ 2015 nhưng tại quận Ba Đình tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra vô cùng nghiêm trọng, tác động nặng nề tới quy hoạch thủ đô.

Lời tòa soạn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Phố cũ vỡ quy hoạch vì vi phạm TTXD

Để quản lý chặt, tránh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) đô thị cũng như bảo tồn khu phố cũ Hà Nội, ngày 13/8/2015, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội. Quy chế này là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quản lý thực hiện, giám sát các hoạt động xây dựng có liên quan đến quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn quận Ba Đình. Đồng thời là cơ sở để các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia, giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện. 

Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tại các tuyến phố cũ thuộc quận Ba Đình.

Theo đó, mục tiêu của quy chế được đề ra như sau: Việc quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ hà nội và các khu vực phụ cận phải đạt được các yêu cầu: Cụ thể hóa nội dung quản lý quy hoạch, kiến trúc theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 ( được thủ tương chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/07/2011) và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội (được ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt tại quyết định số 70/2014/QĐ-UBND ngày 12/09/2014). Bảo tồn, tôn tạo, khai thác, phát huy các giá trị di sản và đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững. Quản lý phát triển đô thị, cấp phép xây dựng, cải tạo, chỉnh trang theo đúng các quy định pháp luật hiện hành, đúng quy hoạch, đồng thời bảo vệ kiến trúc, cảnh quan đô thị.

Tại Phụ lục 5-B của Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội có quy định quản lý chiều cao tối đa, mật độ xây dựng, tổ chức không gian kiến trúc các ô phố. Theo đó, các công trình xây dựng tại phố Trần Tế Xương, Nguyễn Khắc Hiếu, Ngũ Xá, Phạm Hồng Thái có chiều cao tối đa với mặt ngoài là 3-5 tầng, còn mặt trong là 5-7 tầng, mật độ xây dựng không quá 70%, khoảng lùi từ mặt ngoài vào trong từ 3-6m. 

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, hiện nay công trình xây dựng số 25 Ngũ Xã, 75 Phạm Hồng Thái, 15 Nguyễn Khắc Hiếu đang có dấu hiệu vi phạm TTXD, phá vỡ quy hoạch phố cũ khi được chủ đầu tư cho xây dựng vượt phép nhưng vẫn ngang nhiên thi công mà không bị xử lý.

Công trình xây dựng số 25 Ngũ Xã thuộc phường Trúc Bạch

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, phóng viên đã đi tìm hiểu thực tế và nhận thấy phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Theo đó, công trình xây dựng số 25 Ngũ Xã thuộc phường Trúc Bạch hiện đang được chủ đầu tư cho xây dựng với chiều cao, các tầng đều lấn chiếm khoảng không để chờ sắt nhằm gia tăng diện tích sử dụng, mật độ xây dựng 100%.

Hàng loạt công trình tại phố Nguyễn Khắc Hiếu ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội đang vi phạm nghiêm trọng TTXD đô thị.

Bên cạnh đó công trình xây dựng số 75 Phạm Hồng Thái cũng có chiều cao khủng, được thi công với 7 tầng 2 lửng 2 hầm. Theo quan sát, phần lửng của công trình đã bị biến tướng, được chủ đầu tư thay đổi, xây dựng tràn thành tầng. Theo tìm hiểu công trình này cũng đang nằm trong quy hoạch phố cũ với với chiều cao tối đa đối với mặt ngoài là 3-5 tầng, còn mặt trong là 4-6 tầng, mật độ xây dựng không quá 70%, khoảng lùi từ mặt ngoài vào trong từ 3m đến 6m.

Công trình xây dựng số 75 Phạm Hồng Thái cũng có chiều cao khủng, được thi công với 7 tầng 2 lửng 2 hầm khác biệt với quy chế quy hoạch phố cũ. Hiện công trình này đang gấp rút hoàn thiện đi vào sử dụng.

Vi phạm TTXD tập trung nhiều tại quận Ba Đình

Ngày 18/2/2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành văn bản 1316/SXD-TTr đề nghị UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng của quận, huyện, UBND các xã, phường xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm. Văn bản cũng nêu rõ: Trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các xã phường, nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị đình chỉ công tác. Trường hợp cần thiết, có thể tạm dừng công tác điều hành của các chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cho đến khi xử lý xong vi phạm.

Chia sẻ quan điểm về các dự án có sai phạm, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết: “Các dự án có sai phạm về xây dựng không đảm bảo tiến độ, sai giấy phép được cấp, không nghiệm thu phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể: tại Khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Câu chuyện vi phạm TTXD tại khu vực phố cổ không còn mới, nhưng để chấm dứt thực trạng “bát nháo” xây dựng phá vỡ quy hoạch rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt.

Ngày 26/02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, lực lượng chuyên ngành của Sở Xây dựng Hà Nội cùng với UBND các quận, huyện, thị xã và Đội quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đã tiến hành kiểm tra 10.531 công trình (đạt tỷ lệ 100% công trình); phát hiện, xử lý 237 trường hợp vi phạm mới. Trong đó, 59 trường hợp xây dựng không phép; 92 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 15 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 71 trường hợp có các vi phạm khác.

Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội - ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, đến nay đã xử lý dứt điểm 157/237 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 66,2%. Trong đó, cưỡng chế phá dỡ 6 trường hợp; tự khắc phục 114 trường hợp; cấp bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng 37 trường hợp.

Sở đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 80/237 trường hợp, chiếm 33,8%. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 669 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 13,4 tỷ đồng.

 Ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội.

Tuy nhiên, theo đánh giá, mặc dù số lượng công trình xây dựng mới vi phạm TTXD có chiều hướng giảm, nhưng về hình thức vi phạm lại diễn biến phức tạp và khó lường hơn.

Một số cá nhân, hộ gia đình cố tình vi phạm, số khác thì "lách luật" móc nối với cán bộ chính quyền địa phương "bật đèn xanh" để được xây dựng thêm những phần ngoài giấy phép. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các quận, huyện của Hà Nội, nhưng tập trung nhiều nhất ở một số quận trung tâm, như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai...

Nội dung Quyết định 6398/QĐ-UBND, của UBND TP Hà Nội chỉ đạo không được xây dựng các trung tâm thương mại lớn, không xây dựng các công trình nhà ở mới làm tăng dân số, tăng mật độ xây dựng, tạo áp lực lên hạ tầng giao thông, môi trường…

Công trình xây ở các phố quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận gồm Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng, Nhà Chung, Nhà Thờ, Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ không được phá vỡ cảnh quan, không gian mặt nước, các công trình công cộng, di tích lịch sử…, do vậy, nhà mặt phố ở đây chỉ được xây cao không quá 4 tầng (16 m), nhà lớp sau xây dựng không quá 6 tầng (24 m); Khu phố cũ được chỉ định chiều cao công trình không quá 6 tầng, và khu vực hạn chế phát triển thuộc các quận: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, từ vành đai 2 trở vào trung tâm, được giới hạn chiều cao công trình từ 5 - 7 tầng, nhằm khống chế mật độ dân số các quận này từ 220 – 260 người/ha.

Trong bối cảnh vấn đề xây dựng sai phép và quản lý đất đai trên địa bàn quận Ba Đình đang rất “nóng” với nhiều vi phạm đã được chỉ rõ và khi chính quyền TP Hà Nội tiếp tục có những chỉ đạo tích cực, quyết liệt để “siết” công tác quản lý TTXD thì việc xuất hiện nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm tại phường Trúc Bạch phải chăng đang đi ngược lại chủ trương của UBND TP Hà Nội?

Trên cơ sở những chỉ đạo “nóng” của TP Hà Nội, rất mong các đơn vị quản lý trên địa bàn, sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm của công trình tại phường Trúc Bạch nói riêng và quận Ba Đình nói chung. Để đưa quy hoạch thủ đô Hà Nội đi đúng hướng xanh-sạch-đẹp mà nhân dân, Đảng và Nhà nước đã đề ra. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top