Mặc dù, UBND quận Long Biên, TP. Hà Nội đã có quyết định tháo dỡ 26 căn biệt thự xây dựng không phép tại dự án Khai Sơn Hill (quận Long Biên), tuy nhiên đã quá thời hạn xử lý 26 căn biệt thự không phép vẫn hiên ngang tồn tại khiến cho dư luận đặt ra nhiều nghi vấn, có hay không việc chủ đầu tư kéo dài xử lý để ngầm hợp thức hoá những căn biệt thự này.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, dự án Khai Sơn Hill thuộc dự án Khu chức năng đô thị hai bên tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh, do công ty CP Khai Sơn - Chi nhánh Hà Nội (địa chỉ: Số 22 ngõ Huế, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Quy mô dự án, có tổng diện tích 180ha thuộc địa phận 3 phường là Ngọc Thụy, Thượng Thanh và Đức Giang (quận Long Biên), được UBND TP. Hà Nội chấp thuận đầu tư. Trong đó, một số hạng mục thi công theo quyết định phê duyệt tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500.
Điều đáng ngạc nhiên nhất là dự án được phê duyệt một đằng thì chủ đầu tư lại làm một nẻo, ngang nhiên xây dựng 26 căn biệt thự có tổng diện tích sàn trên 500m2/căn mọc lên trái phép không có trong quy hoạch.
Để qua mặt các cơ quan chức năng, công ty CP Khai Sơn đã “ngấm ngầm” thi công 26 căn biệt thự trong gần 1 năm khi xong phần thô thì lực lượng chức năng quận Long Biên mới phát hiện sai phạm.
Khi phát hiện 26 căn biệt thự sai phép, quận Long Biên tức tốc ra quyết định xử phạt chủ đầu tư số tiền 80 triệu đồng, yêu cầu đình chỉ thi công, phá dỡ vi phạm trong thời hạn tối đa 60 ngày. Quyết định được UBND quận Long Biên ban hành ngày 14/11/2017.
Tưởng rằng, 26 căn biệt thự sai phép sẽ “xoá sổ” trong vòng 60 ngày, thế nhưng không hiểu vì lý do gì, cho đến nay, 26 căn biệt thự vẫn hiên ngang tồn tại mà chưa hề có dấu hiệu bị dỡ bỏ.
Trong khi đó, bộ Xây dựng đã từng khẳng định: “Tất cả các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng (xây dựng không phép; sai phép; sai thiết kế, sai quy hoạch được phê duyệt hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt đối với trường hợp được miễn Giấy phép xây dựng) phải bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (trước đó là Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, Nghị định 180/2007/NĐ-CP).
Qua đó, UBND quận Long Biên là cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp xử lý những vi phạm tại dự án Khai Sơn Hill. Tuy nhiên, đơn vị này đang có dấu hiệu "buông lơi" sự việc. Thậm chí, quận Long Biên còn tiếp tay cho công ty CP Khai Sơn hợp thức hoá 26 căn biệt thự này.
Trong thời gian chờ thực hiện phá dỡ vi phạm, không hiểu bằng cách gì, chủ đầu tư đã xin được giấy phép cho 26 căn biệt thự do Sở Xây dựng Hà Nội cấp.
Lý giải về những tồn tại trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Mạnh Trình - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho rằng: “Trước đây, quận ra quyết định xử lý 26 căn biệt thự không phép và đã gửi hồ sơ lên Sở Xây dựng. Sau đó, Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư củng cố bổ sung hồ sơ và Sở Xây dựng đã cấp phép cho 26 căn biệt thự này”.
Trước nghi vấn 26 căn biệt thự không phép được hợp thức hoá sẽ tạo tiền lệ xấu, ông Trình thừa nhận: “Về quản lý Nhà nước, quy định pháp luật sai ở đâu phải xử lý ở đó. Vì vậy, việc này là một câu chuyện cũng được đặt ra, có thể tạo tiền lệ xấu cho nhiều dự án. Sau khi Quận chờ Sở Xây dựng để giải quyết, nhưng Sở Xây dựng đã cấp phép rồi nên việc xử lý như nào Quận phải xin ý kiến”.
Để làm rõ việc cấp này của Sở Xây dựng có đúng hay không, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội. Ông Dũng xác nhận Sở đã cấp phép cho 26 căn biệt thự của Khai Sơn được tồn tại.
Khi được hỏi, trước đây đã có quyết định tháo dỡ vậy lý do gì Sở Xây dựng lại cấp phép, ông Dũng cho rằng, mình không nắm được quy trình cấp phép việc này thuộc thẩm quyền của phòng cấp phép nên không trả lời được!
Điều này khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn: Việc chậm trễ xử lý, tháo dỡ 26 căn biệt thự không phép có sự tiếp tay của cơ quan quản lý để ngầm hợp thức hoá những căn biệt thự này không?
Việc doanh nghiệp xây dựng xong 26 căn biệt thự rồi mới xin giấy phép đã đi ngược lại với quy trình theo quy định của Nhà nước. Sở Xây dựng có bị doanh nghiệp “dắt mũi” phải chạy theo doanh nghiệp để đi ngược lại chủ trương, quy định pháp luật?