Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị (sửa đổi) để thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị; trong đó quy định phát triển đô thị theo khu vực, cũng như xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Những điểm sáng nổi bật
Theo đại diện Bộ Xây dựng, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã từng bước thúc đẩy các hoạt động đầu tư phát triển đô thị trên cả nước theo quy hoạch và có kế hoạch và tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị, có sự kiểm soát thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tình trạng phát triển đô thị theo dự án tràn lan, tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch phổ biến đã được hạn chế, khắc phục.
Đến nay, hệ thống đô thị quốc gia đã không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng; bước đầu đã hình thành mạng lưới đô thị được kết nối, phát triển theo kế hoạch, không dàn trải. Chất lượng đô thị đã tăng trưởng đáng kể với sự đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kể cả những khu vực nông thôn cũng được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Tỷ lệ dân đô thị được cung cấp nước sạch tăng từ 76% (năm 2010) lên 86%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 87,5%; 100% tuyến đường chính, 90% tuyến đường nhánh và trên 65% các đường ngõ xóm đã được chiếu sáng.
Các đô thị cũng đã phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế, sáng tạo, văn hóa nghệ thuật, phát huy giá trị di sản, du lịch… là động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội của các vùng miền và cả nước. Tăng trưởng ở các đô thị trực thuộc Trung ương và một số đô thị tỉnh lỵ đã góp phần tăng nhu cầu lao động, việc làm, giải quyết lao động dôi dư từ khu vực nông thôn.
Ngoài ra, các dự án đầu tư xây dựng đô thị tăng nhanh cả về số lượng dự án cũng như phân bổ lan tỏa ở nhiều địa phương, kể cả ở các khu vực trung du, miền núi.
Minh chứng là, năm 2011 cả nước mới có khoảng 635 dự án có quy mô trên 20ha trên tổng số 2.500 dự án nhà ở, khu đô thị thì đến năm 2018 đã có 284 dự án có quy mô trên 50ha trên tổng số 4.438 dự án nhà ở, khu đô thị, tổng diện tích sử dụng đất các dự án lên đến 110 nghìn ha với tổng vốn đầu tư hơn 4,8 triệu tỷ đồng.
"Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, 1 đồng đầu tư bất động sản kéo theo 3 đồng đầu tư các ngành kinh tế khác. Một số khu đô thị đã được áp dụng các mô hình tiến bộ như khu đô thị sinh thái, khu đô thị thông minh," đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Nhiều vướng mắc cần sửa đổi
Mặc dù đã có những thay đổi tích cực, song đại diện Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận thực tiễn thi hành Nghị định số 11/2013/NĐ-CP đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, qua tổng kết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn cũng như tiếp nhận kiến nghị của các địa phương, Bộ Xây dựng nhận thấy quy định về nội dung chương trình phát triển đô thị chưa làm rõ được sự khác biệt theo từng loại hình đô thị, quy mô và vùng miền; mối quan hệ với kế hoạch đầu tư công trung hạn để xác định nguồn lực đầu tư; thiếu cơ chế kiểm tra, rà soát việc thực hiện chương trình.
Tương tự, quy định về cách xác định quy mô, ranh giới, đối tượng phải lập khu vực phát triển đô thị còn chưa cụ thể, đặc biệt là mối quan hệ của khu vực phát triển đô thị với quy hoạch phân khu dẫn tới khó khăn trong quá trình thực hiện.
Việc quy định thành lập mới ban quản lý khu vực phát triển đô thị cũng cần xem xét trong bối cảnh chủ trương giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy quản lý.
Ngoài ra, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP cũng quy định chưa cụ thể về việc vừa xây dựng vừa khai thác sử dụng công trình trong các khu đô thị dẫn tới khó khăn cho cơ quan quản lý cũng như chưa đảm bảo quyền lợi người sử dụng. Nghị định cũng chưa có quy định về đánh giá tác động hạ tầng khi xây dựng khu đô thị trong nội đô dẫn tới nhiều khu trung tâm trong đô thị quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Đối với các quy định về chương trình phát triển đô thị, các địa phương vẫn còn có lúng túng về căn cứ, nội dung chương trình phát triển đô thị đối với các trường hợp khác nhau.
Tại hầu hết các đô thị thuộc tỉnh chưa gắn kết được kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung của đô thị với chương trình phát triển đô thị của từng đô thị cũng như khó khăn trong xác định danh mục các dự án sử dụng đất phù hợp với chương trình và khu vực phát triển đô thị…
Hướng tới đô thị “xanh” thông minh
Với những vướng mắc và yêu cầu mới đặt ra, tại Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đối với lĩnh vực xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất quy định chương trình phát triển đô thị phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Xây dựng năm 2014 và kế thừa có sửa đổi bổ sung quy định tại Thông tư số 12/2014/TT-BXD; bãi bỏ Nghị định số 42/2009/NĐ-CP.
Cụ thể, bộ sẽ xây dựng quy định nguyên tắc, nội dung, trình tự, thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh và tổ chức thực hiện chương trình phát triển đô thị quốc gia, toàn tỉnh và từng đô thị; chương trình phát triển đô thị đối với thành phố trực thuộc trung ương; chương trình phát triển đô thị cho các đô thị dự kiến hình thành mới; quy định bổ sung các nội dung có liên quan giữa chương trình phát triển đô thị với kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch sử dụng đất, phân loại đô thị và đơn vị hành chính đô thị.
Bên cạnh đó, bộ cũng hướng dẫn quy định phát triển đô thị theo khu vực đối với khu vực xây dựng mới và khu vực hiện hữu cải tạo chỉnh trang; quy định căn cứ xác định, trình tự lập, quyết định hình thành, triển khai, điều chỉnh, công bố, quản lý đầu tư xây dựng các khu vực phát triển đô thị; mối quan hệ với quy hoạch phân khu; tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương trong việc hình thành, quản lý.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề cuất quy định chi tiết nội dung được giao tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị: Quy định các nội dung quản lý đáp ứng yêu cầu của các khu đô thị khác nhau về đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án và kết nối với hạ tầng kỹ thuật; đánh giá tác động hạ tầng đối với dự án cải tạo, chỉnh trang khu đô thị trong nội đô.
Quy định các yêu cầu để xác định và đầu tư xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu; công trình sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, thân thiện môi trường.
Đặc biệt là quy định chỉ tiêu đánh giá xây dựng công trình sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, thân thiện môi trường; chỉ tiêu giám sát xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh; quy định cơ chế ưu tiên, ưu đãi đối với các công trình, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị sinh thái, phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu./.