Aa

Quản lý, khai thác sử dụng đất đai, tài nguyên còn nhiều lãng phí

Thứ Năm, 09/05/2019 - 05:40

Báo cáo với UBTVQH, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh việc đạt kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Sáng nay, UBTVQH nghe Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và tình hình triển khai Kế hoạch năm 2019.

Còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Báo cáo với UBTVQH, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh việc đạt kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

ộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Công tác điều hành và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chính sách tiền tệ, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do độ mở của nền kinh tế lớn, khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước chưa thực sự vững chắc.

Ngoài ra, việc quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn nhiều lãng phí, không theo quy hoạch, vi phạm pháp luật; môi trường nước, không khí tại nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, lưu vực sông không bảo đảm an toàn.

Bộ trưởng KH-ĐT nhấn mạnh tình trạng, kỷ luật, kỷ cương một số nơi chưa nghiêm; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; phối hợp công tác giữa các ngành, các cấp hiệu quả chưa cao, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tình hình an ninh, trật tự tại một số địa bàn diễn biến phức tạp.

Theo ông, những tồn tại, hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chủ yếu.

Bộ trưởng KH-ĐT cũng lưu ý, tốc độ tăng GDP đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Dự báo trong những tháng còn lại, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ đến từ nội tại nền kinh tế.

Báo cáo đầy đủ tác động tăng giá điện đối với CPI

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhìn nhận, tình hình sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo trong 4 tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại. Sản xuất nông, lâm, thủy sản nhìn chung còn nhiều khó khăn. Hoạt động tín dụng đen vẫn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất trật tự an ninh xã hội.

Có nhiều vấn đề về giáo dục được người dân hết sức quan tâm, đòi hỏi cơ quan quản lý phải rà soát và có giải pháp khắc phục, xử lý dứt điểm như gian lận trong thi cử, một số ít nhà giáo còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tình hình bạo lực học đường...

“Nhiều ý kiến của UB Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội”, ông Thanh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

UB Kinh tế cũng đề nghị xác định rõ các trường hợp sai phạm trong công tác tổ chức thi THPT quốc gia năm 2018, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nhất là sự tiếp tay, vi phạm của công chức, cán bộ trong ngành giáo dục hoặc giữ chức vụ quản lý ở địa phương.

Các ĐBQH cũng đề nghị ngành giáo dục tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi năm nay.

Cùng với đó là chấn chỉnh công tác quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra về đất đai và khai thác khoáng sản ở các địa phương, không để tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật lợi dụng. Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng rượu, bia vi phạm quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; sớm hoàn thành thực hiện thu phí tự động không dừng...

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý cần quyết liệt xử lý hành vi quấy rối tình dục phụ nữ, xâm hại trẻ em; điều tra, xử lý kịp thời hoạt động môi giới phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài mang thai hộ...

Chuyển giá: Kẽ hở sau 30 năm thu hút FDI

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết vấn đề chuyển giá là câu chuyện dài, từ 30 năm nay. Chuyển giá xảy ra ở 2 khâu, khâu đầu tư ban đầu và ở khâu sản xuất, kinh doanh.

Ở khâu đầu tư ban đầu, luật Đầu tư trước đây có quy định là yêu cầu phải giám định tài sản đầu tư ngay sau khi đầu tư xong để xác định giá trị tài sản chính thức, từ đó mới tính khấu hao và hạch toán thu nhập chịu thuế.

Trên thực tế triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1992, chúng ta thuê một công ty giám định độc lập vào giám định 17 dự án thì cả 17 dự án đều sai phạm. Nhưng để đưa ra xử lý về pháp lý thì tranh cãi vô cùng phức tạp.

"Sau đó luật Đầu tư sửa đổi đã bỏ điều khoản này, theo hướng để nhà đầu tư tự giác nhưng chúng tôi thấy rằng không thể để họ tự giác được nữa. Đây vẫn là kẽ hở sau 30 năm thu hút FDI. Có khi họ chỉ đầu tư 10 triệu USD nhưng khai 20 triệu USD, thì toàn bộ khấu hao tài sản cố định họ rút ra được hết, làm giảm thu nhập chịu thuế. Đây là hiện tượng lỗ giả, lãi thật, xảy ra rất lâu rồi", Bộ trưởng nói.

Sửa luật Đầu tư tới đây, Bộ KH-ĐT dự kiến đưa vào điều khoản trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể thuê công ty giám định giám định lại tài sản đầu tư. Đây là cơ chế mở để trường hợp nào cần thì áp dụng, bên bị giám định phải trả chi phí.

*Tiêu đề bài viết đã được thay đổi

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top