Aa

Quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội: Vẫn còn tình trạng né trách nhiệm

Thứ Tư, 01/01/2020 - 06:10

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết đa số các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng thuộc nhà ở riêng lẻ, vì vậy, ở một vài nơi còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Năm 2019, Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng Thủ đô sáng-xanh-sạch-đẹp hướng đến các tiêu chí đô thị ngày càng văn minh hiện đại.

Đặc biệt, việc thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc các quận, huyện, thị xã từ tháng 8/2018 đã góp phần giúp Ủy ban Nhân dân cấp huyện, xã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với các vi phạm trật tự xây dựng phát sinh trên địa bàn.

Song thực tế cho thấy việc quản lý trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội vẫn còn những tồn tại, bất cập, dẫn tới nhiều vụ việc vi phạm xảy ra phức tạp, gây bức xúc dư luận.

Xử phạt 1.123 hành vi vi phạm

Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết năm 2019, 100% các công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội (với tổng số 19.697 công trình) đã được các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tiến hành kiểm tra, trong đó, tỷ lệ công trình có phép, miễn phép chiếm 98,4%.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, các Đội đã phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý 589 trường hợp có hành vi vi phạm trật tự xây dựng (giảm 2,1% so với năm 2018).

Ủy ban Nhân dân cấp huyện, xã đã xử lý dứt điểm 393/605 trường hợp vi phạm (đạt 78%); đang tiếp tục giải quyết, xử lý 212 trường hợp.

Đồng thời, các cấp chính quyền và đơn vị chức năng đã ban hành 1.123 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt gần 10 tỷ đồng.

Công trình cao 7 tầng và 1 tum tại 174-176 Nguyễn Xiển (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) phát hiện xây sai phép tầng tum từ năm 2014 nhưng giữa năm 2019 mới xử lý xong vi phạm. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng, cùng với việc thường xuyên đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn đọng trên địa bàn, không để phát sinh các vi phạm nổi cộm, Sở đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xem xét trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đã để xảy ra tình trạng thiếu kiên quyết khi xử lý vi phạm.

Đối với 858 trường hợp vi phạm tồn đọng từ giai đoạn 2015 - 2017 (bao gồm 409 trường hợp năm 2015 - 2016, 345 trường hợp năm 2017 và 104 trường hợp năm 2018), Thanh tra Sở đã tham mưu Sở Xây dựng Hà Nội hoặc trực tiếp ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã thực hiện. Đồng thời, tổ chức các cuộc họp liên ngành để thống nhất thẩm quyền, trách nhiệm cũng như biện pháp, lộ trình, thời hạn xử lý dứt điểm đối với các trường hợp tồn đọng. Tính đến ngày 25/11/2019, các địa phương đã xử lý, giải quyết được 715 trường hợp; đang tiếp tục xử lý, giải quyết đối với 133 trường hợp.

Cũng trong năm 2019, qua 15 cuộc thanh tra và 147 cuộc kiểm tra chuyên ngành tại 161 đơn vị, Thanh tra Sở đã ban hành 172 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền ra quyết định xử phạt trong kỳ báo cáo gần 4,5 tỷ đồng; tổng số quyết định thu hồi được ban hành là 23; tổng số tiền kiến nghị thu hồi trong kỳ báo cáo hơn 13,5 tỷ đồng.

Năm 2019, các quận huyện cũng tập trung giải quyết được 27/132 trường hợp nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo" tồn đọng trước năm 2005. Riêng 552 trường hợp hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông mới (từ năm 2005 đến nay) đã xử lý được 510 trường hợp (đạt tỷ lệ 89,31%).

Vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm

Có thể thấy, những năm qua, Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương và sở, ngành chức năng quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước, Thành ủy-Hội đồng Nhân dân-Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về quản lý trật tự xây dựng; trong đó, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên gắn với phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn để xảy ra nhiều vụ vi phạm trật tự xây dựng (kể cả công trình dự án và nhà ở riêng lẻ) nhưng chậm được kiểm tra, phát hiện và xử lý. Thậm chí, nhiều công trình quy mô lớn chỉ được phát hiện, xử lý khi báo chí và các cơ quan chức năng vào cuộc phản ánh, thanh kiểm tra.

Điển hình, mới đây, qua công bố kết luận thanh tra của Kiểm toán Nhà nước, dư luận mới bức xúc khi có tới 3 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội thi công xây dựng khi không có giấy phép xây dựng, có dự án đã xây xong phần thô chủ đầu tư mới làm thủ tục với cơ quan chức năng.

Cụ thể là dự án Khu nhà ở xã hội tại ô đất NO3, NO4 Khu đô thị Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) do Công ty cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu Khí làm chủ đầu tư; dự án nhà ở cho cán bộ thu nhập thấp của Bộ Tài chính (quỹ đất 20%) tại ô đất NO5 cũng tại Khu đô thị Tứ Hiệp; dự án nhà ở xã hội Hope Residences (quận Long Biên) của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Phúc Đồng. Đáng chú ý, dự án Hope Residences còn khởi công trước khi có quyết định giao đất và bản vẽ thi công được phê duyệt.

Hay tại địa bàn quận Nam Từ Liêm, dự án Bệnh viện An Sinh với quy mô 5 sao cũng ngang nhiên xây dựng không phép và mới bị các cấp chính quyền quận kiểm tra, ra quyết định đình chỉ thi công, cưỡng chế công trình vi phạm. Điều khó hiểu là chỉ trong một thời gian ngắn khi chờ quận hoàn tất các thủ tục để tiến hành cưỡng chế, chủ đầu tư đã được cấp giấy phép xây dựng và tiếp tục thi công?

Đánh giá về những tồn tại trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết đa số các trường hợp vi phạm thuộc nhà ở riêng lẻ, vì vậy, ở một vài nơi còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là những trường hợp vi phạm đã hoàn thành, việc xử lý liên quan đến vấn đề bức xúc dân sinh nên dễ gây khiếu kiện phức tạp.

Trong khi đó, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị một số nơi còn thiếu, nhất là các vùng ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, chất lượng cấp phép xây dựng chưa cao...

Cũng theo ông Dũng, hiện nay, thẩm quyền xử lý vi phạm đối với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm và báo cáo, đề xuất biện pháp dẫn đến tiến độ xử lý chậm, hiệu quả xử lý chưa cao. Thêm vào đó là sự bất cập về cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức hoạt động.

Ông Dũng dẫn chứng trước đây còn là mô hình thí điểm thanh tra xây dựng, cán bộ vẫn được cấp trang phục, được thi và bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên, thanh tra viên chính..., được hưởng phụ cấp thanh tra viên, thâm niên nghề.

Hiện nay, các chính sách trên không còn được áp dụng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tâm tư của cán bộ, công chức.

Đặc biệt, việc triển khai Nghị định 139/2017/NĐ-CP vẫn bộc lộ một số hạn chế như: một số hành vi vi phạm có mức phạt cao; thời hạn ngừng thi công 60 ngày đối với công trình không phép, sai phép chưa đáp ứng được với các dự án đầu tư; quy trình bắt buộc áp dụng đối với tất cả các hành vi vi phạm (ngừng thi công sau 60 ngày) là chưa phù hợp...

Mặt khác, Nghị định 139/2017/NĐ-CP không quy định hành vi vi phạm xây dựng trên đất không được phép xây dựng, do đó, các công trình xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp không có căn cứ để xử lý theo lĩnh vực trật tự xây dựng...

Tháo gỡ vướng mắc, xử lý nghiêm vi phạm

Đề cập đến các giải pháp để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương nhấn mạnh năm 2020, Sở tiếp tục kiến nghị Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010 theo hướng tổ chức Thanh tra chuyên ngành xây dựng 3 cấp (Bộ, Sở và huyện) tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM; xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về việc cấp giấy phép xây dựng đối với các nhà ở riêng lẻ ở nông thôn theo hướng chỉ quy định việc miễn phép xây dựng đối với các nhà ở riêng lẻ ở nông thôn tại khu vực chưa có quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn được phê duyệt.

Các trường hợp đã có quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch nông thôn vẫn phải xin cấp phép.

Hà Nội cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP theo hướng giảm mức phạt đối với một số hành vi vi phạm phổ biến như sai quy hoạch, lấn chiếm không gian... để việc xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, đảm bảo tính kịp thời, tăng tính chủ động cho chính quyền cơ sở trong xử lý vi phạm.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp ngăn chặn đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, năm 2020, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc xem xét kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm và chịu trách nhiệm trước Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố về tình hình trật tự xây dựng cũng như tiến độ xử lý các vi phạm tồn đọng.

Đặc biệt, các địa phương cần chủ động kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân có những biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu, bao che vi phạm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top