Quận Thanh Xuân 5 năm "mặc kệ" chỉ đạo của TP Hà Nội?

Quận Thanh Xuân 5 năm "mặc kệ" chỉ đạo của TP Hà Nội?

Thứ Sáu, 18/09/2020 - 15:05

Vấn đề xây dựng và phát triển đô thị luôn là nhiệm vụ trọng tâm, được TP. Hà Nội đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, trong công tác quản lý, lãnh đạo TP cũng thừa nhận những tồn tại, hạn chế dẫn đến sai phạm, trong đó trách nhiệm cao nhất thuộc của Sở Xây dựng, các ban ngành liên quan.

Chính vì vậy, trong buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Bộ Xây dựng ngày 21/8 vừa qua, TP. Hà Nội đã nêu 15 nội dung phối hợp; 20 đề xuất, kiến nghị trên 5 lĩnh vực chính với Bộ Xây dựng nhằm tăng cường công tác phối hợp giải quyết những vấn đề, chủ trương lớn về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Thủ đô.

Buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Bộ Xây dựng ngày 21/8

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, trong nhiệm kỳ qua, để triển khai khâu đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước hạ tầng đô thị, nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, Thành ủy đã ban hành và tổ chức triển khai chương trình “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016 - 2020”. Trên cơ sở đó đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, các đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ

Bí thư Vương Đình Huệ khẳng định, qua 5 năm thực hiện, đánh giá chung diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vi phạm đã và đang diễn ra, chủ yếu về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Theo đó, công tác quản lý xây dựng trên địa bàn nhiều nơi chưa được quan tâm, chưa chú trọng nhiều đến công tác chỉnh trang đô thị. Khâu đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn còn có những khó khăn, thách thức. Tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (công trình giao thông, các nhà máy xử lý rác thải, nước thải, công viên...) còn chậm.

Tháng 8/2019, cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Uyển - Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội), ông Vương Đăng Quân - Nguyên Phó chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông và ông Mai Quang Bài - Cán bộ Đội quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông để điều tra những sai phạm liên quan đến ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh. Cả ba bị can bị khởi tố để điều tra về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Cơ quan điều tra cũng xác định 3 bị can trên có liên quan đến những sai phạm tại dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư Bemes (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông). Theo điều tra, dự án chung cư CT6, do Công ty CP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes làm chủ đầu tư được quy hoạch thiết kế được duyệt là 2 tòa, gồm CT6A và CT6B. Tuy nhiên, trong thực tế, chủ đầu tư đã tự ý xây thêm 4 căn biệt thự và toà CT6C cao 30 tầng, sai quy hoạch được duyệt.

Vào năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội thành lập các Hội đồng kỷ luật xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân thanh tra xây dựng có khuyết điểm trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn được giao phụ trách thời gian (từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2018).

Sau khi xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân thanh tra xây dựng có khuyết điểm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn được giao phụ trách, lãnh đạo Sở Xây dựng đã ban hành 1 quyết định, đồng thời chỉ đạo Chánh Thanh tra Sở ban hành 33 quyết định để kỷ luật đối với các cá nhân có khuyết điểm, vi phạm.

Cụ thể, khiển trách 29 trường hợp, cảnh cáo 5 trường hợp. Đồng thời yêu cầu 9 tập thể phải nghiêm túc tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn đơn vị về các tồn tại, hạn chế của đơn vị. Đáng chú ý trong số 34 cá nhân bị áp dụng hình thức kỷ luật, có 10 cá nhân hiện đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bao gồm: 1 Phó Chánh Thanh tra Sở, 3 Đội trưởng và 6 Đội phó Thanh tra xây dựng các quận, huyện.

Ngoài ra, có 6 lãnh đạo là đội phó các đội thanh tra xây dựng bị kỷ luật gồm: 2 đội Phó Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai; 1 đội Phó Thanh tra xây dựng huyện Thanh Trì; 3 Phó Thanh tra xây dựng quận Hà Đông.

Trước đó, vào ngày 2/8/2017, Thành ủy Hà Nội cũng ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Hoàng Mai và ông Nguyễn Anh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Hoàng Mai.

Ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Hoàng Mai

Cả hai ông này đều bị kỷ luật vì để xảy ra một số vụ vi phạm TTXD nghiêm trọng trên địa bàn trong thời gian còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND quận và Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng quận Hoàng Mai. Cụ thể, trong thời gian làm Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, ông Nguyễn Đức Hải trực tiếp phụ trách quản lý TTXD, đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, dẫn đến trên địa bàn có 8 dự án vi phạm về TTXD. Đồng thời ông Hải có trách nhiệm đối với việc kiểm tra, xử lý các công trình sai phạm TTXD trên địa bàn quận.

Đối với ông Nguyễn Anh Cường, trong thời gian giữ chức vụ Chánh Thanh tra xây dựng quận, sau đó chuyển thành Đội trưởng Đội TTXD quận đã thiếu chỉ đạo, kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án VP3, VP5, VP6 Linh Đàm vi phạm TTXD; không chỉ đạo lập hồ sơ vi phạm dự án VP3 Linh Đàm và có trách nhiệm trong việc để mất 27 hồ sơ vi phạm TTXD tại phường Hoàng Liệt.

Đầu tiên phải kể đến việc không xử lý sai phạm đã kéo dài 5 năm tại công trình xây dựng trái phép số nhà 28 Tô Vĩnh Diện, quận Thanh Xuân. Tại kết luận về “nội dung tố cáo của công dân số 26 Tô Vĩnh Diện”, UBND TP. Hà Nội nêu rõ dù thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND quận Thanh Xuân xử lý dứt điểm công trình xây dựng trái phép (cổng sắt rộng 1,5m cao 2,95m) tại ngõ nhà 28 phố Tô Vĩnh Diện nhưng sau 5 năm sai phạm vẫn chưa bị xử lý dẫn đến tố cáo, khiếu kiện kéo dài. 

Ngày 14/3/2016, UBND thành phố có Văn bản số 41/TB-UBND thông báo kết luận đơn tố cáo của công dân, trong đó giao UBND quận Thanh Xuân xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại số 28 phố Tô Vĩnh Diện theo thẩm quyền. Thế nhưng, sau nhiều lần UBND Thành phố đưa ra thông báo kết luận sai phạm, UBND quận Thanh Xuân vẫn không thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố.

Sự việc kéo dài từ năm 2016 nhưng không được giải quyết đã khiến công dân vô cùng bức xúc. Chính vì vậy, công dân đã gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân và ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân.

Sai phạm về trật tự xây dựng tại địa chỉ 28 phố Tô Vĩnh Diện đã được các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội chỉ rõ bằng các văn bản kết luận, thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, lãnh đạo quận Thanh Xuân liên tiếp xin không xử lý sai phạm?

Số nhà 28 tại phố Tô Vĩnh Diện bị tố cáo trong nhiều năm

Trải qua quãng thời gian dài và rất nhiều các tài liệu, văn bản liên quan đến sai phạm, thế nhưng sai phạm tại số 28 phố Tô Vĩnh Diện vẫn còn đó. Do đó, tháng 5/2020, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ra kết luận về việc lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân không thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố. Đồng thời cũng nêu rõ việc UBND quận Thanh Xuân chưa xử lý dứt điểm trật tự xây dựng tại số nhà 28 phố Tô Vĩnh Diện là nguyên nhân dẫn đến việc công dân tố cáo.

Theo UBND TP. Hà Nội, trách nhiệm trước hết thuộc về ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, ngoài ra còn có trách nhiệm của ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân là người đứng đầu. Như vậy, nội dung công dân tố cáo, là đúng một phần. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân tổ chức rút kinh nghiệm. Khẩn trương xử lý dứt điểm công trình xây dựng trái phép tại ngõ 28 phố Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Sai phạm tại số 28 phố Tô Vĩnh Diện chỉ là một trong những sai phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn quận Thanh Xuân gây bức xúc dư luận. Một số sai phạm khác tại đây có thể kể đến như việc thi công xây dựng công trình số 85 phố Hạ Đình, Thanh Xuân Trung không có giấy phép, không có pháp lý về đất, trong quá trình xây dựng gây bức xúc dư luận và tranh chấp khiếu kiện nhiều năm; công trình số 298 đường Khương Đình từng bị người dân phản ánh thi công có dấu hiệu vượt phép được cấp, được chủ đầu tư thi công gấp rút hoàn thiện và đi vào sử dụng nhưng không bị lực lượng TTXD và chính quyền sở tại can thiệp, xử lý...

Hay Trung tâm Thanh thiếu niên Trung Ương, đang sử dụng đất tại số 3 phố Nguyễn Quý Đức, phường Thanh Xuân Bắc, với diện tích đất là 7.125m². Giấy phép sử dụng đất số 5044 UB/XDCB do UBND Thành phố cấp ngày 14/11/1990 cho Trung tâm 9.100m² đất để xây dựng Trung tâm văn hóa giáo dục tổng hợp. Thế nhưng, trải qua thời gian, trung tâm đã “xẻ nhỏ” khu đất cho hàng loạt đơn vị, hộ gia đình thuê làm địa điểm kinh doanh không đúng quy định và sử dụng đất không đúng mục đích được thuê, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất, chưa được ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trung tâm Thanh thiếu niên Trung Ương

Cùng địa bàn quận Thanh Xuân, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Hà Nội - Xí nghiệp Chế biến thuỷ đặc sản xuất khẩu hiện đang quản lý và sử dụng khu đất có diện tích 34.384 m2 tại số 107 phố Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội theo Hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm với mục đích sử dụng là sản xuất, chế biến.

Tuy nhiên, trong báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần XNK Thuỷ sản Hà Nội trình đại hội cổ đông thường niên năm 2016 ghi rõ: “Hợp đồng thuê đất khu Nhân Chính của Công ty với Thành phố Hà Nội đã hết hạn vào 31/12/2015. Trong năm 2015, Hội đồng quản trị của Công ty đã có Nghị quyết về việc triển khai tiếp tục gia hạn thời gian thuê đất và tìm kiếm đối tác phát triển dự án tại khu đất này. Tuy nhiên, nội dung chưa được thực hiện nguyên nhân chủ yếu do TP. Hà Nội siết chặt quản lý đất, hạn chế và dừng cấp phép cho các dự án trong Vành đai 3".

Như vậy, hiện tại khu đất có diện tích 34.384 m2 trên địa bàn Phường Nhân Chính mà Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Hà Nội - Xí nghiệp Chế biến thuỷ đặc sản xuất khẩu đang sử dụng là trái phép do hết thời hạn thuê đất. Thế nhưng, công ty này cho nhiều đơn vị, cá nhân thuê đất để làm nhà xưởng và kinh doanh. Một số đơn vị có hành vi cải tạo, sửa chữa lại nhà xưởng, nơi kinh doanh.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Hà Nội - Xí nghiệp Chế biến thuỷ đặc sản xuất khẩu

Đến nay thực trạng chia nhỏ đất để cho thuê vẫn diễn ra và tình hình ngày càng phức tạp hơn. UBND phường Nhân Chính hay thậm chí UBND quận Thanh Xuân dường như chưa có những biện pháp mạnh tay để xử lý vấn đề này. Hơn nữa, việc Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Hà Nội đang sản xuất trên đất đã hết thời hạn cho thuê từ năm 2015 đến nay mà vẫn không hề bị xử lý.

Những sai phạm về TTXD tại quận Thanh Xuân khiến địa bàn này tiềm ẩn nguy cơ hoả hoạn vô cùng lớn bởi hệ thống phòng cháy chữa cháy không được đảm bảo. Năm 2017, Đoàn Thanh tra liên ngành của Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP. Hà Nội về thực hiện thanh tra, kết luận đối với các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn TP. Hà Nội có sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng đất. Bằng việc chọn ngẫu nhiên 50 dự án nhà ở, chung cư cao tầng để tiến hành kiểm tra, rà soát, kết quả thanh kiểm tra cho thấy, có tới 38/50 dự án có sai phạm về quy hoạch và xây dựng. Trong đó có 15 dự án sai phạm về xây dựng, quy hoạch ảnh hưởng tới an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Dự án chung cư số 143, ngõ 85 Hạ Đình

Một số dự án sai phạm có thể kể đến như: Dự án chung cư số 143, ngõ 85 Hạ Đình, do Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và CTCP Đầu tư 135 làm chủ đầu tư đã tự ý xây tăng hàng chục căn hộ, xây dựng 4 căn hộ thông tầng 20 lên 21, xây dựng tầng 22 không có trong giấy phép xây dựng. Ngoài ra, dự án này còn đưa vào sử dụng khi chưa được phê duyệt nghiệm thu PCCC. 

Công ty Đầu tư phát triển đô thị và thiết bị vật tư Hà Nội 1, chủ đầu tư dự án khu nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng trên đường Nguyễn Tuân tự ý xây 2 tầng chung cư ngoài giấy phép xây dựng, xây dựng sai giấy phép nhiều diện tích, chưa nộp tiền sử dụng đất với phần diện tích sử dụng thêm ngoài diện tích trúng đấu giá, chưa được nghiệm thu PCCC; Dự án Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng của Công ty cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn, chủ đầu tư xây tăng 2 tầng so với giấy phép xây dựng, công trình sử dụng khi chưa được nghiệm thu PCCC...

Vấn đề PCCC đã được cảnh báo tại rất nhiều chung cư. Trên thực tế tại Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy ở chung cư. Hiện nay vẫn có một tỷ lệ không nhỏ chung cư cao tầng dù chưa được thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn được cấp phép xây dựng hoặc chưa được nghiệm thu đã đưa người đến ở mà không bị đình chỉ. Điều này không chỉ thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng về pháp luật PCCC của chủ đầu tư, sự yếu kém trong việc kiểm tra xử lý mà còn xem thường tính mạng của hàng nghìn người dân.

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay ở một số địa phương tại các khu vực đô thị có người dân lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng nên các hộ gia đình, cá nhân đã tự ý thức thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ ở mà không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Các sai phạm tập trung chủ yếu là tình trạng xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi tự do mua bán, chuyển nhượng. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư; quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không cấp được Giấy chứng nhận sở hữu cho người mua căn hộ do vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và người bán.

Một điều dễ nhận thấy, đó là công trình được xây dựng sai phép hoặc vi phạm trật tự xây dựng thì thường không tiến hành nghiệm thu PCCC hoặc bỏ bê việc bố trí công tác cứu hỏa sao cho phù hợp. Nguyên nhân là vì chủ đầu tư của các công trình này không muốn các cơ quan chức năng biết về việc sai phạm xây dựng.

Bên cạnh việc các chung cư, công trình mới “bỏ qua” công tác nghiệm thu PCCC thì trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và quận Thanh Xuân nói riêng, vẫn tồn tại không ít các công trình đã có tuổi đời hàng chục năm, hoàn toàn bỏ qua công tác PCCC.

Vụ cháy ở Rạng Đông là tiếng còi cảnh tỉnh về công tác PCCC

Đơn cử là khu tập thể cũ tại phường Thanh Xuân Bắc được xây dựng từ thập niên 70 thế kỷ 20 theo phương pháp lắp ghép tấm lớn, để tăng diện tích sử dụng, người dân công khai xây dựng, cơi nới “chuồng cọp”. Không ít những “chuồng cọp” tại đây đã có tuổi đời lên đến 20 năm, nhiều “chuồng” đua ra ngoài từ 2 - 4m. Hệ lụy là, chính những “chuồng cọp” trên cao như thế vô tình đã ngăn lối thoát nạn duy nhất của căn nhà, khiến công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.

Những chuồng cọp giăng khắp các khu tập thể cũ của quận Thanh Xuân
... là hiểm nguy và trở ngại trong công tác PCCC.

Ngày 2/7/2018, một ngọn lửa bất ngờ bùng phát từ cửa hàng giày dép và nhanh chóng lan rộng ra khu tập thể 5 tầng tại nhà A11, khu tập thể quận Thanh Xuân Bắc trên đường Nguyễn Quý Đức. Vụ hỏa hoạn diễn ra khiến hàng trăm cư dân hoảng loạn sơ tán. Ít nhất 7 xe chữa cháy cũng hàng chục cán bộ chiến sĩ PCCC được huy động để dập lửa và giải cứu người mắc kẹt. Do cầu thang nhỏ hẹp khói bốc lên nồng nặc nên lực lượng cứu hộ đã phải tiếp cận từ các ban công của khu tập thể.

Theo báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn, lắp đặt các hệ thống, thiết bị PCCC không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến hệ thống không hoạt động theo đúng chức năng nên chưa đủ điều kiện để được nghiệm thu về PCCC. Mặt khác, do sức ép về thời hạn xây dựng công trình nên chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho người dân vào ở trong khi chưa hoàn thiện hệ thống kỹ thuật PCCC. Việc xử lý đối với các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến mặt bằng kết cấu xây dựng và kinh phí đầu tư khắc phục.

Những sai phạm về quản lý đất đai (QLĐĐ) và trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội dẫn đến việc thành phố phải xử lý kỷ luật nhiều cán bộ vi phạm cho thấy, thời gian qua đã có tình trạng buông lỏng quản lý và xử lý thiếu kiên quyết, dứt điểm của các cấp chính quyền cơ sở và đơn vị chức năng đối với các hành vi sai phạm.

Vi phạm tại tòa nhà số 8B Lê Trực, quận Ba Đình là một ví dụ điển hình, đã có nhiều cá nhân bị cách chức, điều chuyển công tác. Phần lớn cán bộ bị kỷ luật thuộc lực lượng thanh tra xây dựng. Các tập thể Thanh tra xây dựng quận Ba Đình, Thanh tra Sở Xây dựng, Phòng Quản lý và cấp phép xây dựng, Ban Thường vụ Quận ủy, UBND quận Ba Đình đều bị đề nghị nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục.

Bài học từ công tác quản lý đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức cũng không thể không nhắc đến. Trong 14 bị cáo bị đưa ra xét xử, có 10 người nguyên là cán bộ chủ chốt xã Đồng Tâm, 4 người nguyên là cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức. Việc giao quyền và thiếu kiểm soát quyền dẫn đến những cán bộ suy thoái câu kết vụ lợi, cấp, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức

Quay trở lại với địa bàn quận Thanh Xuân, sau kết luận của ông Nguyễn Văn Lưu - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân về công trình sai phạm tại số 85 Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung là một loạt cán bộ thanh tra xây dựng, cán bộ địa chính, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung đều bị kỷ luật. Theo đó, kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Phạm Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung. Kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Nguyễn Văn Đông, công chức địa chính - xây dựng và môi trường phường. Kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung. UBND quận Thanh Xuân giao Đội trưởng Đội TTXD quận báo cáo Chánh Thanh tra Sở xây dựng xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với một Phó đội trưởng cùng 3 cán bộ của đội.

Ngoài việc phải rút kinh nghiệm do chưa xử lý dứt điểm công trình xây dựng trái phép, không thực hiện chỉ đạo của thành phố liên quan đến địa chỉ số 28 phố Tô Vĩnh Diện, nhiều ý kiến cho rằng UBND thành phố cần phải xem xét, xử lý trách nhiệm của ông Đặng Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân khi để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trong lĩnh vực mình phụ trách, để nhiều cán bộ thuộc cấp của mình bị kỷ luật trong vụ việc số 85 Hạ Đình.

Thực trạng về câu chuyện xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội nói riêng trong nhiều năm qua đã thực hiện nhưng chưa chạm đến gốc rễ vấn đề khiến các vi phạm vẫn tiếp tục phát sinh ở nhiều nơi, nhiều cấp, tồn tại như một vấn nạn, gây thiệt hại chung cho toàn xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng cần luật hóa các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm khắc phục một cách cơ bản những vướng mắc, tồn tại sẵn có, đơn giản hóa những vấn đề phức tạp.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top