Toàn cầu hóa mở ra vô vàn cơ hội cho doanh nghiệp, song cũng đặt ra không ít thách thức. Trong bối cảnh này, ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) nổi lên như một chiến lược then chốt, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và thu hút dòng vốn đầu tư. Cụ thể, quản trị công ty đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thu hút vốn. Nó không chỉ là thước đo năng lực cạnh tranh mà còn là nền tảng tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, củng cố niềm tin với các nhà đầu tư. Bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn quản trị minh bạch, doanh nghiệp có thể tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp và đáng tin cậy, từ đó thu hút vốn đầu tư hiệu quả và phát triển bền vững.
Tuy vậy, mặt bằng quản trị công ty của Việt Nam đang ở cấp độ thấp nhất trong 6 nước ASEAN, thấp hơn mức độ trung bình trong đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty Đông Nam Á (ACGS). Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 (Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023) đặt mục tiêu đến 2030, nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực ASEAN. Điều này đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc thu hút vốn đầu tư của các quỹ đầu tư quốc tế, mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững cho chính thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Bối cảnh đó đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm ra cách thức để nâng cao chất lượng quản trị công ty, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để thu hút nguồn vốn đầu tư xanh đến từ các nhà đầu tư có trách nhiệm, đồng thời rút ngắn khoảng cách về mặt bằng quản trị công ty của Việt Nam với khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, diễn đàn Thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 7 (AF7) sẽ diễn ra vào ngày 5/12/2024 tại TP.HCM, tập trung thảo luận về chủ đề "Đầu tư vào quản trị công ty: Chiến lược thu hút nhà đầu tư có trách nhiệm trong xu thế quốc tế hóa thị trường". Sự kiện này sẽ kết nối các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, ngân hàng và doanh nghiệp, chia sẻ quan điểm về phát triển bền vững ESG và vai trò của quản trị công ty trong việc gia tăng giá trị nguồn vốn đầu tư, từ đó thu hút các nguồn vốn đầu tư bền vững và góp phần thúc đẩy sự minh bạch của thị trường tài chính Việt Nam.
Chia sẻ về chủ đề "Đầu tư vào quản trị công ty", bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) cho biết, ESG không đơn thuần là "màu xanh" của cây cỏ, mà là "màu xanh" của sự phát triển bền vững, nơi kinh tế tăng trưởng hài hòa với các giá trị xã hội và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tập trung vào chữ "E" - Môi trường, bằng cách thực hiện các dự án xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu tác động đến môi trường. Đây là bước đầu quan trọng trong hành trình phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, chữ "S" - Xã hội trong ESG không chỉ dừng lại ở việc thực hiện trách nhiệm xã hội, mà còn hướng đến việc tạo ra tác động xã hội tích cực và bền vững. Doanh nghiệp cần hài hòa mục tiêu kinh doanh với lợi ích xã hội, đo lường và nâng cao giá trị xã hội thông qua hoạt động kinh doanh của mình.
Còn chữ "G" - Quản trị đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện ESG. Một hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu về môi trường và xã hội, đồng thời thu hút các nhà đầu tư có trách nhiệm.
Bà Hà Thu Thanh nhấn mạnh: "Đầu tư vào quản trị công ty là một chiến lược thông minh, là một phần không thể thiếu trong hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp. Quản trị công ty cũng được đánh giá là một kênh rất quan trọng để dẫn vốn vào thị trường, vào doanh nghiệp. Văn hóa quản trị cần được thống nhất với chủ trương hành động, coi quản trị công ty là cốt lõi của ESG. Nâng cao năng lực quản trị giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, quản lý rủi ro hiệu quả, và tạo dựng niềm tin với các nhà đầu tư. Đồng thời, nhà đầu tư sẽ nhìn vào hệ thống quản trị để đánh giá cách doanh nghiệp quản lý nguồn vốn, ứng phó với rủi ro, đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn".
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thiên Hương, Chuyên gia E&S, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) chia sẻ, dòng vốn đầu tư vào các doanh nghiệp, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, đang hướng đến hai lĩnh vực ưu tiên. Thứ nhất là thúc đẩy bình đẳng giới, thông qua việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc có tỷ lệ nữ giới tham gia cao. Thứ hai là hỗ trợ các doanh nghiệp cam kết bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững.
Đặc biệt, theo bà Hương, để tiếp cận nguồn vốn cũng như huy động vốn từ các tổ chức quốc tế cũng như từ thị trường, các doanh nghiệp phải chứng tỏ được khả năng quản trị của mình trong việc bảo toàn và gia tăng vốn hiệu quả, tạo tác động tốt tới môi trường và kiến tạo những giá trị xã hội cao hơn.
Các chuyên gia cũng đồng quan điểm rằng, quản trị công ty theo ESG không chỉ là quản trị truyền thống, quản trị về tài chính mà bao gồm quản trị về nguồn nhân lực, tạo tác động xã hội và nguồn năng lượng. Đây là xu thế đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và các doanh nghiệp của Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.
Nhằm cải thiện thứ bậc của mặt bằng quản trị công ty Việt Nam, ông Phan Lê Thành Long, Tổng Giám đốc, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) cho hay, tại Diễn đàn sắp tới, VIOD sẽ lần đầu tiên công bố sáng kiến VNCG50. Đây là bộ tiêu chí đánh giá thực hành quản trị công ty dành cho các doanh nghiệp niêm yết, chủ yếu dựa trên các thông lệ tốt trong khu vực (chỉ số đánh giá của ACGS), từ đó giúp đề cử 50 doanh nghiệp tiên phong và cam kết bảo đảm các thực hành quản trị công ty theo thông lệ tốt.
Ông Phan Lê Thành Long hé lộ, năm 2024, VNCG50 được công bố theo dạng sáng kiến và sẽ nâng cấp lên bộ chỉ số VNCG50 vào năm 2025 - 2026. Những doanh nghiệp nằm trong danh sách này sẽ có lợi ích lớn khi trở thành điểm tham chiếu để thu hút đầu tư./.