Aa

Quan trọng là niềm tin

Chủ Nhật, 09/07/2017 - 15:11

Theo TS. Trần Hoàng ngân, tín hiệu giảm lãi suất lần này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được kiểm soát và ổn định sau những sóng gió về nợ xấu, hậu sáp nhập, tình hình tái cơ cấu ngân hàng…Và tác động đầu tiên của việc giảm lãi suất là mang đến niềm tin cho thị trường

Chiều tối ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ phát đi thông báo về việc điều chỉnh giảm 25 điểm cơ bản (0,25%) đối với các lãi suất điều hành và giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên. Các quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 10/7/2017.

Như vậy đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2014, NHNN mới lại có quyết định liên quan đến việc điều chỉnh lãi suất điều hành.

Quyết định lần này liệu có phải là một tín hiệu về nới lỏng chính sách tiền tệ hay không?, sẽ tác động thế nào tới các chủ thể nói riêng và nền kinh tế nói chung? và những tác động liệu có khác với các quyết định về chính sách trước đây hay không?...là câu hỏi nhiều người đặt ra. Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Hoàng Ngân, chuyên gia tài chính ngân hàng.

PV: Thưa ông, NHNN vừa có quyết định cắt giảm lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản (0,25%). Ông đánh giá thế nào về động thái này?

TS. Trần Hoàng Ngân: Việc NHNN cắt giảm lãi suất điều hành là quyết định rất tích cực, đã có tính đến yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài.

Yếu tố bên trong là với nền kinh tế ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát (đến tháng 6 lạm phát chỉ 2,54%), nên việc cắt giảm lãi suất là phù hợp với yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Ngay cả tỷ giá cũng thuận lợi, cán cân vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế có dấu hiệu thặng dư tốt, cung cầu ngoại tệ không căng thẳng, giá ngoại tệ ổn định. Việc Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về xử lý nợ xấu để các ngân hàng đẩy nhanh xử lý nợ hơn, giúp nguồn vốn lưu thông nhanh hơn cũng là những cơ sở để NHNN đi đến quyết định trên.

Một yếu tố nữa là chính sách tiền tệ không chỉ phục vụ ổn định kinh tế vĩ mô mà còn phục vụ tăng trưởng bền vững đảm bảo công ăn việc làm, an sinh xã hội… nên việc giảm lãi suất này sẽ hỗ trợ tốt hơn cho toàn bộ nền kinh tế.

Cùng với việc giảm lãi suất điều hành, NHNN cũng giảm lãi suất với lĩnh vực ưu tiên thêm 0,5%, đây là tín hiệu tích cực để hỗ trợ cho các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp phát triển tốt hơn.

Còn yếu tố bên ngoài là NHNN đã xem xét một cách thận trọng về việc Fed có khả năng nâng lãi suất tiếp trong thời gian tới nên chúng ta không chủ quan trong việc cắt giảm lãi suất.

Nhìn chung tôi cho rằng đây là sự phấn đấu của toàn ngành ngân hàng, đúng như thông điệp của Thủ tướng đã nhắc là NHNN cần điều hành chính sách theo hướng cắt giảm lãi suất.

TS.Trần Hoàng Ngân

TS.Trần Hoàng Ngân

PV: Có ý kiến cho rằng việc cắt giảm lãi suất lần này là tín hiệu NHNN phát đi cho thấy chính sách tiền tệ bắt đầu được nới lỏng, theo ông có phải như vậy không?

TS. Trần Hoàng Ngân: Yếu tố vĩ mô của Việt Nam đã cho đầy đủ điều kiện cần và đủ (về lạm phát, tỷ giá, môi trường bên trong bên ngoài) để hạ lãi suất và NHNN cần phải thực hiện ngay chứ không còn con đường nào khác. Do đó đây không phải là nới lỏng hay thắt chặt mà là điều hành hợp lý.

PV: Từ năm 2014 tới nay NHNN mới lại cắt giảm lãi suất. Theo ông những tác động lần này có giống những lần cắt giảm lãi suất trước đây?

TS. Trần Hoàng Ngân: Những năm trước đây chúng ta rất lo ngại yếu tố lạm phát và những tác động của lạm phát nên việc điều hành chính sách tiền tệ phải bám sát diễn biến lạm phát để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Tín hiệu giảm lãi suất lần này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được kiểm soát và ổn định sau những sóng gió về nợ xấu, hậu sáp nhập, tình hình tái cơ cấu ngân hàng…Việc giảm lãi suất cho thấy chính sách đã đi là đúng hướng.

Ngay cả vấn đề tỷ giá, mặc dù tình hình khá ổn định nhưng nhiều lúc NHNN đã chấp nhận kéo tỷ giá đi lên để cho VND mất giá nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu. Điều đó cho thấy NHNN thực sự đã bám rất sát và điều hành theo tín hiệu thị trường, làm chủ thị trường.

PV: Việc giảm lãi suất này sẽ tác động ra sao tới các chủ thể gồm ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung thưa ông?

TS. Trần Hoàng Ngân: Việc giảm lãi suất đầu tiên là mang lại niềm tin cho thị trường, và đó là điều quan trọng nhất. Còn tác động ra sao thì phải chờ độ trễ.

Khi lãi suất giảm, các ngân hàng sử dụng trái phiếu đặc biệt VAMC để vay vốn lại từ NHNN sẽ có chi phí thấp đi, từ đó hỗ trợ cho chi phí mà các ngân hàng cho vay với nền kinh tế cũng giảm theo, qua đó sẽ thúc đẩy cạnh tranh của doanh nghiệp. Khi kinh tế vĩ mô ổn định và phát triển thì tất cả các chủ thể từ cá nhân, doanh nghiệp cho đến người tiêu dùng đều có lợi.

Một tác động nữa của việc hạ lãi suất có thể cảm nhận được thời gian tới là góp phần thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước thuận lợi hơn. Bởi lãi suất giảm sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, tài chính đi lên, qua đó giúp cổ phần hóa nhanh hơn, sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.

PV: NHNN ngoài việc giảm lãi suất điều hành còn giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên vậy việc giảm lãi suất này có ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của ngân hàng không khi lãi suất huy động không giảm?

TS. Trần Hoàng Ngân: NHNN công bố cắt giảm lãi suất điều hành 0,25% có nghĩa là lãi suất bơm vốn cho các ngân hàng thương mại sẽ giảm đi, như vậy các ngân hàng cũng phải giảm lãi suất với các tổ chức, cá nhân. Mình có vốn rẻ hơn thì phải chia sẻ với khách hàng. Nếu kinh tế tốt hơn thì hệ thống ngân hàng cũng sẽ thuận lợi hơn.

Trước cuộc khủng hoảng 2008 – 2009, tại sao hệ thống ngân hàng phát triển mạnh? Vì khi ấy kinh tế phát triển mạnh, doanh nghiệp làm ăn được. Do đó, ngân hàng và doanh nghiệp là hai người bạn đồng hành, phải biết nắm tay chia sẻ và NHNN là người đứng giữa điều tiết, cân đối và hỗ trợ cho mối quan hệ ấy.

PV: Có nhiều lo ngại tín dụng sẽ khó có thể tăng trưởng được 18% trong năm nay. Liệu việc hạ lãi suất lần này của NHNN có là động cơ giúp các ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng?

TS. Trần Hoàng Ngân: Vốn hóa thị trường tài chính của Việt Nam đến nay vẫn còn nhỏ so với các nước khác, nền kinh tế chủ yếu dựa vào tín dụng của ngân hàng. Do đó, tăng trưởng tín dụng vẫn gắn chặt với tăng trưởng kinh tế, cứ 3 đồng tín dụng thì được 1 đồng tăng trưởng. Tôi cho rằng tín dụng năm nay tăng trưởng 18% là hợp lý với mục tiêu tăng trưởng và sẽ đạt được.

Song điều quan trọng với ngành ngân hàng hiện nay là phải đảm bảo chất lượng tín dụng. Làm được điều đó đòi hỏi cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương phải tăng cường công tác giám sát, thanh tra, đưa ra những cảnh báo sớm hơn cho các ngân hàng. Bản thân ngân hàng thương mại cũng phải ý thức được rằng tín dụng tăng cao thì gắn liền với rủi ro nợ xấu nên phải kiểm soát rủi ro, kiểm soát chất lượng tốt hơn.

PV: Với những chính sách ban hành mới đây là nghị quyết về xử lý nợ xấu cùng việc cắt giảm lãi suất, ông nhận định thế nào về bức tranh kinh tế những tháng còn lại của năm 2017?

TS. Trần Hoàng Ngân: Kinh tế 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng 5,73% - khá cao so với quý 1 và cao hơn cùng kỳ năm 2016. Với sự phục hồi và tăng trưởng khá, chính sách tiền tệ lần này của NHNN sẽ là chất dầu bôi trơn giúp kinh tế tiếp tục tăng trưởng để hướng tới mục tiêu 6,7%.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top