Có những con đường đất bị thổi đẩy giá lên gấp 3 đến 5 lần để rồi người thực sự có nhu cầu mua đất để ở thì không mua được, còn người có đất ngậm ngùi ôm đất không bán được, song tiền trăm, tiền tỷ thì các cò đất đã lặng lẽ mang đi tự lúc nào.
Đất tăng cao không theo quy luật cung cầu
Chiều muộn, sau nhiều lần hẹn chúng tôi mới gặp được Hoàng, một người bạn thân học cùng thời đại học từ Hà Nội giờ làm cho công ty bất động sản được công ty cử vào Đồng Hới “tăm đất” cả tháng nay.
Cầm ly cà phê, ngó trước ngó sau rồi Hoàng bảo “Lướt theo đất thì người dân ở Quảng Bình nhiều người tan cửa nát nhà như chơi. Quảng Bình không phải như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vân Đồn… nơi nhiều người kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp, ở đây người dân chỉ biết lướt đất theo cò, khi cò rút thì ôm hết nợ nần…”.
Chứng kiến nhiều người dân ở Đồng Hới còn chưa thông thạo trong việc buôn bán bất động sản rồi bị lừa lúc nào không biết nên dù làm cho công ty bất động sản nhưng Hoàng cũng không đành lòng. Hoàng bảo “buôn bán khác với lừa đảo” và Hoàng chứng kiến nhiều kiểu lừa đảo tinh vi trong việc buôn bán, làm giá đất ở Đồng Hới đang xảy ra.
Con đường dọc bờ sông Nhật Lệ ở xã Bảo Ninh, nơi được coi là cồn cát bên kia sông của TP. Đồng Hới nơi ít người qua lại, nay trở nên đỉnh điểm của cơn sốt đất vài tháng qua. Từ giá đất chỉ khoảng 5 triệu đồng một m2, nay đất dọc con đường này được đẩy lên giá 35 triệu đồng một m2 chỉ trong vòng 3 tháng.
Nhiều người dân sống trên con đường này từng nài nỉ người thân, người quen bán đất để có tiền làm nhà tránh mưa, trú bão nay luôn than phiền vì bán giá đất rẻ. Và nhiều người nơi đây thực sự có nhu cầu mua đất cho con ở riêng khi dựng vợ gả chồng cũng đành đứng ngó, vì giá đất quá cao hoặc có đất nhưng không ai muốn bán vì tâm lý sợ bán xong giá lại lên tiếp…
Xã Bảo Ninh cách đây vài năm thực sự là vùng đất chang chang cồn cát, nơi người dân chủ yếu trồng phi lao chắn bão, chắn cát. Đời sống người dân gắn với nghề biển đánh bắt gần bờ. Song từ khi tỉnh Quảng Bình mở vài trục đường, một vài nhà đầu tư đến Bảo Ninh lên kế hoạch xây sân gôn, khách sạn… thì đất thực sự sốt giá.
Điều đáng nói, giá đất sốt không theo đúng như cung cầu của thị trường, mà đi liền với nhà đầu tư là hàng loạt cò đất dưới danh nghĩa công ty bất động sản đi theo vào thổi giá đất lên chóng mặt. Cách xã Bảo Ninh không xa là xã Hải Ninh, nơi trước đây người Quảng Bình vẫn thường gọi đùa là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn cát” vì cát trắng bao trùm cả vùng đất này, đời sống của người dân hết sức khó khăn.
Nhưng rồi nhiều người dân nơi đây đổi đời vì giá đất tăng liên tục, và cũng không ít người dân nơi đây cuộc sống lại càng trở nên tăm tối vì nợ nần để mua đất. Không riêng gì Bảo Ninh, Hải Ninh mà rất nhiều khu vực ở TP. Đồng Hới như Phú Hải, Hải Đình, Đức Ninh Đông, Nam Lý… giá đất cũng đang bị đẩy lên rất cao so với giá trị thực của thị trường cũng như giá đưa ra của nhà nước.
Những chiêu trò “thổi” giá đất tăng chóng mặt
Sau nhiều ngày âm thầm thâm nhập giới cò đất, chúng tôi thực sự sửng sốt trước rất nhiều chiêu trò mà giới cò đất đang tìm cách thổi giá, phá giá, thao túng thị trường đất ở Quảng Bình. Chỉ trong vòng vài tháng đã có trên 500 cò đất của các công ty bất động sản đưa đến thành phố Đồng Hới.
Các chủ cò đất tìm thuê nhà nghỉ chỗ vắng cho các cò đất ở. Mỗi nơi như vậy có khoảng 20-50 cò đất ở chung hoạt động không khác gì kinh doanh kiểu đa cấp. Tối về các cò đất trải chiếu nằm la liệt ở sàn nhà, ăn uống qua loa nhưng sáng sớm thì quần áo bóng lộn, tay cặp xách trong vai những người thực sự dư dả về kinh tế và tỏa về các cung đường tìm cách mua bán đất…
Ông Nguyễn Văn T ở Bảo Ninh bán một lô đất 200m2 với giá 20 triệu đồng/m2 cho một người từ Đà Nẵng ra. Anh ta đặt cọc 100 triệu và bảo khi nào làm xong giấy tờ sổ đỏ (khoảng 3 tháng thì chuyển đủ tiền và nhận đất). Vài ngày sau có người đến trả ông T 25 triệu đồng một m2. Chỉ 2 ngày giá trị lô đất bán đã mất đứt cả tỷ đồng, vợ chồng ông T tiếc đứt ruột.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, hơn một tuần có người lại đến trả 30 triệu, rồi 35 triệu đồng một m2. Lúc này ông T đứng ngồi không yên mới điện cho người mua đất đầu tiên đến xin thương lượng chứ giá đất ông bán quá thấp. Ông T lấy cớ đã nhận tiền đặt cọc mua bán đất, nhưng giấy tờ chưa làm nên đề nghị người mua tăng giá lên, hoặc cho ông trả lại tiền đặt cọc.
Người mua đất dứt khoát không chịu, và chỉ khi vợ chồng ông T xuống nước xin trả lại tiền đặt cọc và bù thêm 500 triệu đồng anh ta mới thôi… Sau hơn 3 tháng, đến nay mảnh đất của vợ chồng ông T vẫn chưa bán được dù ông chỉ cần giá 25 triệu đồng cho một m2, ông cần bán gấp để lấy 500 triệu trả cho ngân hàng mà ông đã mượn để bù cho người đặt cọc. Vợ chồng ông T không hề biết cả 3 người đến trả giá mua đất của ông đều là cò đất ăn cùng mâm, ngủ cùng giường…
Được biết để thổi giá đất cả một trục đường dọc bờ sông Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới, các cò đất chỉ cần mua giá rất cao vài lô đất đầu và cuối đường, sau đó rải người đi lùng mua, đặt cọc rồi cùng nhau đẩy giá đất lên chóng mặt. Từ lô đất vài tỷ chỉ hơn 1 tuần đã có giá 4 tỷ, rồi 6 tỷ nhưng người mua cuối cùng là người ôm nợ.
Điều đáng nói, những người ôm đất sau cùng toàn là người địa phương. Thấy đất tăng giá chóng mặt, nhiều người đã cầm cố cả sổ đỏ, nhà cửa cho ngân hàng, thậm chí vay nóng… để lướt bán kiếm lời nhưng mua xong đều không bán được vì lúc này các cò đất đã rút và lại chuyển đến một trục đường, vùng đất khác cùng thành phố để làm giá đất tiếp theo.