Chiều 7/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình sau chuyến khảo sát mô hình du lịch cộng đồng tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào sáng cùng ngày.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang cho biết, tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn từ 10 năm trước nên đã kêu gọi đầu tư nhiều dự án du lịch trọng điểm. Nhờ vậy, đời sống của người dân tại nhiều điểm du lịch đã cải thiện đáng kể mọi mặt từ vật chất đến văn hóa, tinh thần.
Năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 3,9 triệu lượt, tăng 18,25 so với năm 2017, trong đó khách quốc tế ước đạt 200.000 lượt, tăng 53,8%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 4.485 tỷ đồng, tăng 20,2% so với năm 2017, đóng góp xấp xỉ 10% GRDP.
Trong 3 tháng đầu năm 2019 số du khách đến Quảng Bình ước đạt 895.000 lượt, tăng 12,6% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 56.100 lượt, tăng 18,6% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Toàn tỉnh có khoảng 350 cơ sở lưu trú du lịch trong đó có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 5 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 8 khách sạn 3 sao, 31 khách sạn 2 sao, 39 khách sạn 1 sao cùng hệ thống các nhà nghỉ du lịch, homestay, farmstay với khoảng 5.200 buồng, khoảng 10.200 giường.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đánh giá dù còn nhiều khó khăn nhưng Quảng Bình đã dành nhiều nguồn lực quảng bá xúc tiến du lịch, nhất là với các thị trường nước ngoài như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc; quảng bá qua mạng xã hội; kêu gọi các hãng hàng không mở đường bay đến Quảng Bình…
Tuy nhiên, du lịch Quảng Bình còn rất thiếu các sản phẩm du lịch, khu vui chơi, giải trí, đội ngũ nhân lực có chuyên môn tay nghề cao, chưa có đơn vị “đầu đàn” trong lĩnh vực lữ hành.
“Quảng Bình xác định du lịch là ngành kinh tế trọng điểm thì càng cần sự chỉ đạo, quan tâm sâu sát của người đứng đầu”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng bày tỏ.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang mong muốn Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành Trung ương tạo thuận lợi về cơ sở hạ tầng giao thông để tiếp cận các điểm, khu du lịch ven biển, đơn giản hóa thủ tục cho du khách quốc tế.
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng cho rằng dù còn rất nhiều khó khăn, không thuận lợi về cơ sở hạ tầng giao thông nhưng tỉnh Quảng Bình đã rất nỗ lực, cố gắng, chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, góp phần giữ ổn định an ninh, chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
“Đặc biệt dù còn rất khó nhưng các đồng chí có tầm nhìn rất xa, mạnh dạn thuê tư vấn nước ngoài làm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh”, Phó Thủ tướng nói.
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh về hoạt động du lịch, theo Phó Thủ tướng, trong nhiều nguyên nhân làm nên thành công của du lịch hiện nay có nguyên nhân từ làn sóng đầu tư vào nhiều dự án du lịch lớn cách đây 10 năm. Vì vậy, chúng ta cần phải có sự tiếp nối. Điều đó cũng được thể hiện qua việc nhiều dự án khách sạn, khu du lịch lớn ở Quảng Bình đang dần hoàn thiện.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc phải đổi mới căn bản công tác xúc tiến, quảng bá du lịch mới có thể từng bước theo kịp các nước trong khu vực.
“Quảng Bình có những cách xúc tiến, quảng bá du lịch rất sáng tạo thông qua tiếp cận, giới thiệu với các đạo diễn, nhà làm phim Hollywood (Mỹ), tham gia nhiều hội chơ, triển lãm du lịch lớn trên thế giới, đón tiếp những nhân vật nổi tiếng, sử dụng mạng xã hội... Hiệu quả thu lại không chỉ cho Quảng Bình mà cho cả du lịch Việt Nam. Các đồng chí định hướng Quảng Bình là thủ đô du lịch mạo hiểm của châu Á là điểm rất độc đáo. Bộ VHTTDL phải sát cánh hơn nữa với Quảng Bình trong hỗ trợ đầu tư, quảng bá”, Phó Thủ tướng nói.
Qua báo cáo của địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng thiếu nhân lực du lịch trầm trọng không phải là vấn đề của riêng Quảng Bình. “Để khắc phục tình trạng này, các bộ ngành đã tháo gỡ một phần các quy định để đào tạo chuyển đổi sang ngành du lịch cho sinh viên tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm. Cùng với đó, tỉnh phải kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, đào tạo theo phương thức vừa học, vừa làm”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Cho rằng Quảng Bình có nhiều kinh nghiệm trong phát triển du lịch cộng đồng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mô hình này không chỉ giúp giảm nghèo mà còn mở ra cơ hội cho bà con, các em nhỏ tiếp cận với thế giới bên ngoài.
Qua trò chuyện với những nhân viên, du khách tại các điểm lưu trú du lịch cộng đồng trong cuộc khảo sát sáng nay, Phó Thủ tướng nhận xét một cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng trong xóm làm tốt, thì có 30/90 gia đình có người làm trực tiếp, 6 hộ là cơ sở vệ tinh trên tinh thần tự nguyện. Khi đó người dân ý thức bảo vệ môi trường hơn, tinh thần hợp tác tốt hơn. Những người làm du lịch cộng đồng có tâm huyết, sáng tạo còn giúp bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa rất tốt. Bởi du lịch cộng đồng là giúp du khách trải nghiệm văn hóa bản địa.
“Du khách đi du lịch cộng đồng là muốn trải nghiệm về sinh thái, không gian sống, các nét văn hóa truyền thống chứ không phải là ở khách sạn 5 sao. Nếu không có chỉ đạo để làm tự phát thì những nét đẹp nguyên sơ ở những điểm du lịch cộng đồng sẽ bị biến dạng. Đường đất, hàng rào, bờ dậu, nhà cửa bị bê tông hoá, hiện đại hoá…”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Trong công tác chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33/NQ-TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Quảng Bình cần trả lời các câu hỏi: Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy và chính quyền tỉnh đã thực sự coi văn hóa là nền tảng tinh thần, được đặt ngang hàng với kinh tế chưa? Nguồn lực dành cho công tác văn hóa được đảm bảo đến đâu? Ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã thực sự nêu gương trong thực hiện các phong trào, quy định về văn hóa hay chưa?
“Quy luật chung ở nhiều nước, thời gian đầu quá chú trọng phát triển kinh tế mà không chú ý đến môi trường, khi nhận ra thì mất hàng chục năm và nhiều phần trăm GDP để khắc phục, nhưng muộn hơn nữa, khi nhận ra hệ quả của việc không chú ý đến văn hóa xã hội thì phải mất hàng thế hệ và có khi mất nhiều lần mức tăng trưởng mới khắc phục được. Chưa kể, trong giải quyết các vấn đề văn hóa, ý kiến chuyên gia chưa được coi trọng đúng mức”, Phó Thủ tướng phân tích thực tiễn thế giới và cho rằng công tác sơ kết Nghị quyết 33 phải làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề này để làm tốt hơn nữa.
Về y tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến hiệu quả hoạt động, không chạy theo hình thức. “Nếu bác sĩ ở xã có trình độ, thuốc tốt như trên huyện, trên tỉnh thì dân sẽ đến, thiếu một trong hai điều này thì khó mấy người dân cũng sẽ lên tuyến trên. Bây giờ các quy định mới đã tháo gỡ một phần về tủ thuốc nhưng để nâng cao trình độ của cán bộ y tế xã thì phải là nỗ lực của địa phương. Bây giờ trạm y tế xã thuộc trung tâm y tế huyện nên các đồng chí phải thực hiện luân chuyển để cán bộ y tế xã được đào tạo về chuyên môn ở tuyến trên và ngược lại”, Phó Thủ tướng nói.
Trong giáo dục, Phó Thủ tướng đặc biệt đề nghị ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình quán triệt thực hiện đầy đủ việc phát huy mạnh mẽ dân chủ trong trường học, tăng cường vai trò của đảng ủy, ban giám hiệu, tổng phụ trách đội, hội phụ huynh học sinh để phòng ngừa, xử lý kịp thời các sự việc xảy ra đối với học sinh.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị của tỉnh Quảng Bình trong phát triển văn hóa cơ sở, hạ tầng phục vụ du lịch, đơn giản hóa thủ tục đối với du khách…