Trên cơ sở quy định pháp luật về đất đai và tình hình biến động giá đất trên địa bàn, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa 8 đã ban hành Nghị quyết 130/2014/NQ-HĐND về giá đất, bảng giá đất thời kỳ 2015 - 2019.
Sau 5 năm triển khai, UBND tỉnh Quảng Nam đã 5 lần đề nghị điều chỉnh tại một số vị trí. Đến năm 2020, bảng giá đất thời kỳ 2015 - 2019 hết hiệu lực theo thời gian. Hơn nữa, điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội hiện nay có nhiều cải thiện, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, kéo theo giá đất trên thị trường có sự biến động.
Do đó, tại kỳ họp này, căn cứ quy định Luât Đất đai năm 2013, Nghi định số 44/2014/NĐ-CP ngay 15/5/2014 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Nam trình HĐND tỉnh xem xét ban hành giá đất, bảng giá đất để áp dụng cho thời kỳ tiếp theo.
Theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, việc xây dựng bảng giá đất phải căn cứ vào nguyên tắc định giá đất, phương pháp định giá đất và khung giá đất do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành khung giá đất mới theo quy định tại Điều 113, Luật Đất đai năm 2013.
Về phía UBND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng bảng giá đất thời kỳ 2020 - 2024 dựa vào dự thảo khung giá đất (thay thế khung đã quy định tại Nghị định 104/2014/NĐ-CP) do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng trình Chính phủ theo hướng dẫn, tại Công văn số 385/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 27/9/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Quá trình xây dựng Bảng giá đất thời kỳ 2020 - 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo điều tra, khảo sát tại 244 điểm/244 xã, phường, thị trấn trong thời điểm giá đất ổn định và kế thừa bảng giá đất thời kỳ 2015 - 2019. Qua rà soát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam nhận thấy giá đất ở có sự tăng mạnh, chênh lệch khá lớn giữa một số địa phương, giá đất giáp ranh giữa một số địa phương trong tỉnh còn chênh lệch cao.
Ví dụ, về đất ở đô thị, giá đất tại huyện Thăng Bình tăng bình quân 52%, đơn giá cao nhất 19.000.000 đồng/m2; huyện Duy Xuyên tăng bình quân 38%, đơn giá cao nhất 10.650.000 đồng/m2. Trong khi đó, ở tuyến Đường Thanh niên ven biển (ĐT 613B), các vị trí giáp ranh dọc đường Thanh niên ven biển giữa huyện Núi Thành - thành phố Tam Kỳ, thành phố Tam Kỳ - huyện Thăng Bình đều có tỷ lệ chênh lệch cao hơn quy định.
Đặc biệt là tuyến Tam Thanh - Tam Tiến có mức chênh lệch 289%. Tại Đường du lịch ven biển (ĐT 603B), tỷ lệ chênh lệch giữa đoạn qua phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) và đoạn qua phường Cẩm An (thành phố Hội An) là 95%. Tuyến ĐT 607A, 607B, 608 nối giữa thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An có tỷ lệ chênh lệch 118%...
Điều này sẽ tác động đến tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; tăng tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; tăng nguồn thu từ thuế sử dụng đất, phí, lệ phí trong quản lý sử dụng đất đai và tác động gián tiếp đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án.
Do vậy, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo khảo sát, điều tra, tham khảo thêm ý kiến người dân.
Trường hợp khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất, mà mức giá đất điều chỉnh tăng từ 20% trở lên, so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất của loại đất tương tự; hoặc khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất theo quy định, thì kịp thời chỉ đạo xây dựng bảng giá đất điều chỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến theo quy định.
Đây là bước đi nhằm từng bước đảm bảo sự cân đối về giá đất giữa các vùng; góp phần bình ổn giá nói chung, đảm bảo nguyên tắc tiệm cận dần với giá thị trường, hạn chế gây áp lực quá lớn cho người dân khi thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, ảnh hưởng thu hút đầu tư và khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án dở dang trên địa bàn.