Quảng Nam: Huyện Tiên Phước dẫn đầu phong trào OCOP

Quảng Nam: Huyện Tiên Phước dẫn đầu phong trào OCOP

Thứ Năm, 23/12/2021 - 12:00

Năm 2018, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đề án chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là chương trình OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Chương trình này được các địa phương trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, tích cực thực hiện và mang lại nhiều hiệu quả. 

Trong giai đoạn 2018 - 2020, huyện Tiên Phước là địa phương luôn đi đầu về phong trào OCOP của tỉnh khi có tổng số 28 sản phẩm đạt sao cấp tỉnh, trong đó có 10 sản phẩm đạt 4 sao (cao nhất cấp tỉnh) và 18 sản phẩm đạt 3 sao với 20 chủ thể tham gia, đa dạng thành phần (4 Công ty cổ phần; 12 HTX; 1 Tổ hợp tác; 1 Hộ sản xuất - kinh doanh).

Bứt phá về kinh tế từ sự lồng ghép nhiều chương trình

Trên địa bàn huyện Tiên Phước, cùng với giai đoạn thực hiện chương trình OCOP (theo Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 22/5/2018), các cấp chính quyền tại huyện đã đẩy mạnh triển khai đề án Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng Trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025 (gọi tắt là Đề án 548).

Mục tiêu của Đề án 548 là đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, xây dựng, nhân rộng mô hình vườn mẫu nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới đến năm 2025. Cùng với đó là giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống địa phương, xây dựng văn hóa làng quê, không gian vườn sinh thái mang đặc trưng vùng Trung du xứ Quảng, đưa kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. 

Giai đoạn 2018 - 2020, Tiên Phước là địa phương mạnh về phong trào OCOP tại của Quảng Nam.

Qua gần 4 năm thực hiện (từ 2018 - 2021), tổng diện tích vườn trên địa bàn huyện đạt khoảng 6.368ha, tăng 921ha so với năm 2017, diện tích vườn được cải tạo chỉnh trang, cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả kinh tế chiếm 78% tổng diện tích vườn. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả điển hình, cho thu nhập bình quân hằng năm từ 200 - 300 triệu/ha như mô hình trồng tiêu, trồng măng cụt, trồng thanh trà.

Về trang trại, toàn huyện hiện có 68 trang trại, gia trại hoạt động theo mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi, trang trại tổng hợp, trang trại lâm nghiệp. Năm 2021, huyện hỗ trợ xây dựng 8 trang trại từ nguồn vốn thuộc Đề án 548. Có 11 tổ chức, cá nhân đăng ký đầu tư xây dựng trang trại trồng trọt, chủ yếu là trồng cây ăn quả chủ lực với tổng quy mô 36,5ha, tổng vốn đầu tư 35,62 tỷ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo Đề án 548 là 3,885 tỷ đồng). 

Kết quả phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại đã tạo ra các vùng nguyên liệu đa dạng, phong phú, hỗ trợ đắc lực để thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020. Toàn huyện có 52 HTX, trong đó có 46 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Hầu hết các HTX hoạt động theo mô hình liên kết sản xuất, tham gia chương trình OCOP. Giai đoạn 2018 - 2020, huyện có 28 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP, trong đó 10 sản phẩm 4 sao và 18 sản phẩm 3 sao.

Đến nay đã hình thành được các bộ sản phẩm, dòng sản phẩm thế mạnh của địa phương có bao bì, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Điển hình như dòng sản phẩm thảo dược của HTX Nông dược xanh Tiên Phước (25 sản phẩm), bộ sản phẩm trầm hương của HTX Trầm hương Tiên Kỳ (9 sản phẩm), dòng sản phẩm rượu các loại của HTX Nhật Linh và HTX Phước Tuyên,… Năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất kinh tế vườn đạt 390,4 tỷ đồng, chiếm 35,7% giá trị sản xuất nông lâm nghiệp của huyện. 

Phát triển vùng nguyên liệu, tạo tiền đề vững chắc cho các sản phẩm OCOP. 

Quan trọng nhất là việc thực hiện lồng ghép các chương trình, đề án đã mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao đời sống cho nhân dân. Ông Trần Văn Dũng - Giám đốc HTX Trầm hương Tiên Phước, cho biết: “Trước đây đơn vị của ông chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, từ khi phát triển theo mô hình HTX và được huyện hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng… nhờ đó mà lợi nhuận vượt trội so với trước. Cùng với đó là nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp ở huyện trong quá trình tham gia chương trình OCOP mà đơn vị đã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao và 4 sao của tỉnh”. 

Trong năm 2021, huyện Tiên Phước tiếp tục có 4 chủ thể/5 sản phẩm tham gia chương trình OCOP với các sản phẩm như trái măng cụt Tiên Phước, bộ đĩa mo cau xứ Tiên, thực phẩm bảo vệ sức khỏe rượu sâm Ngọc Linh Thaphaco, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sâm Ngọc Linh ngâm mật, nhang trầm hương Như Ý. 

Theo ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Phước: “Thời gian đến, huyện sẽ tiếp tục thực hiện theo Quyết định 1599 của UBND tỉnh. Phấn đấu trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ tiếp tục tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị trên thị trường. Tạo cơ hội cho các HTX, Tổ hợp tác và các hộ dân triển khai thực hiện các hiệu quả hơn nữa chương trình mỗi xã một sản phẩm, đưa sản phẩm của huyện tham gia vào các siêu thị, cửa hàng tại TP. Tam Kỳ, TP. Hội An, TP. Đà Nẵng, trên cả nước và hướng đến xuất khẩu”.

Tạo tiền đề vững chắc cho các sản phẩm OCOP

Ngay từ khi thực hiện các đề án của tỉnh, huyện Tiên Phước đã xác định đây là chương trình mới, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sản xuất và đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân. UBND huyện Tiên Phước đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực triển khai chương trình và tham mưu thành lập Ban điều hành, Tổ giúp việc chương trình mỗi xã một sản phẩm do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Cùng với đó, huyện đã mời chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm thực hiện chương trình này để quán triệt về ý nghĩa, tầm quan trọng, nguyên tắc thực hiện và quy trình OCOP cho các cấp, ngành các địa phương và các chủ thể sản xuất. 

Trong các yếu tố để dẫn đến sự thành công cũng như phát triển bền vững cho các sản phẩm OCOP, huyện Tiên Phước xác định tạo vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ lâu dài, mở rộng thị trường là một yếu tố quan trọng.

 

Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tập trung xây dựng vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP như HTX Nông nghiệp Phước Tuyên xây dựng dự án liên kết với 50 hộ nông dân tại các xã trên địa bàn huyện, thực hiện tư vấn, hướng dẫn chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây lòn bon để cung ứng cho HTX chế biến rượu vang lòn bon; HTX Nông nghiệp Phước Hà liên kết với các hộ dân trồng cam giấy tại Tiên Hà.

Đồng thời, việc triển khai đề án phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng Trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025 (Đề án 548) đã tạo vùng nguyên liệu rất lớn cho chương trình OCOP. Nhiều loại cây trồng đặc trưng của địa phương trở thành nguyên liệu cho các sản phẩm OCOP chủ lực.

Điển hình như cây tiêu, hiện nay toàn huyện thực hiện được 423 mô hình trồng mới tiêu Tiên Phước trên 100 choái, trong đó có 4 mô hình từ 500 - 1000 choái và 1 trang trại trồng tiêu quy mô 3ha. Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp về giống, vật tư, khoa học kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, hệ thống tưới, sơ chế, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm (tổng mức hỗ trợ trên 1 tỷ đồng mỗi năm) nên diện tích tiêu tăng từ 110ha năm 2015 lên 160ha năm 2021.

Nhờ chất lượng tốt, nhiều năm qua giá hạt tiêu khô Tiên Phước luôn duy trì ở mức cao, từ 400.000 - 500.000 đồng/kg với tổng doanh thu bình quân hằng năm trên 40 tỷ đồng. Nhiều vườn tiêu thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Năm 2015, tiêu Tiên Phước đạt giải thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam; năm 2018 được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.  

Đến với Tiên Phước, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những vườn cau được người dân trồng xung quanh nhà. Vượt qua khỏi hình ảnh biểu tượng miền quê tại xứ này, cây cau dần trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.

Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 640ha cau với sản lượng 4.000 tấn quả (năm 2020), giá trị thu nhập trên 120 tỷ đồng. Các phần phụ như mo cau, tàu cau, thân cau đều được tận dụng làm nguyên liệu cho các sản phẩm thủ công như chén, dĩa, muỗng, tô… với mẫu mã, kiểu dáng đẹp, thân thiện với môi trường.

Cau là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, thời gian kiến thiết cơ bản ngắn, thời kỳ kinh doanh dài và mang lại giá trị kinh tế ổn định. Người dân trồng cau kết hợp đan xen với cây lòn bon dưới tán, vừa tận dụng được diện tích, vừa tạo thêm một sản phẩm đặc trưng của địa phương. Hiện trên địa bàn huyện có trên 350ha lòn bon với sản lượng hằng năm trên 1.000 tấn quả. Ngoài bán quả tươi, lòn bon cũng được chế biến thành rượu lòn bon Tiên Phước và được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2018, rượu vang lòn bon được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019.

Một số sản phẩm OCOP của huyện Tiên Phước.

Quế cũng là cây trồng truyền thống của địa phương. Từ năm 2019, nhờ sự đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khảo sát quỹ đất… chính quyền đã vận động được các hộ dân trồng phân tán với diện tích hơn 80ha. Để giải quyết đầu ra cho cây quế, nâng cao giá trị gia tăng cho người dân, huyện đã hỗ trợ HTX Nông dược xanh Tiên Phước liên kết với các hộ trồng quế thu mua nguyên liệu vỏ, cành, lá quế để chưng cất, chiết xuất trên 12 sản phẩm cung ứng cho thị trường.

Năm 2018, HTX Nông dược xanh Tiên Phước đăng ký tham gia chương trình OCOP với 2 sản phẩm là tinh dầu quế Tiên Phước và tinh dầu sả Tiên Phước, 2 sản phẩm kể trên đều đạt chứng nhận 4 sao. HTX tiếp tục phối hợp hỗ trợ các hộ gia trình phát triển vùng nguyên liệu cây quế, tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ ổn định, phục vụ sản xuất, mở ra hướng đi mới trong việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây quế theo chuỗi giá trị nhằm khôi phục diện tích quế trên địa bàn huyện.

Tiên Phước cũng là vùng đất nổi tiếng với trầm hương từ cây dó bầu. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 2.000 hộ trồng cây dó bầu với diện tích trên 300ha, phân bố chủ yếu ở các vườn đồi, vườn rừng.

Nhiều năm qua, việc đảm bảo được vùng nguyên liệu cây dó bầu đã giúp phát triển ngành thủ công mỹ nghệ trầm hương, trầm cảnh từ đó giải quyết việc làm và đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Năm 2015, trầm cảnh Tiên Phước đạt giải thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam. Năm 2019, huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ HTX Trầm hương Tiên Phước phát triển 2 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, kết quả sản phẩm hương nụ đạt 3 sao, sản phẩm vòng đeo tay trầm hương đạt 4 sao./.   

OCOP đóng góp quan trọng cho phát triển

Theo UBND huyện Tiên Phước, chương trình OCOP triển khai tại huyện đã mang lại những hiệu quả lớn, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của địa phương. Nhờ có chương trình OCOP và sự tuyên truyền, vận động của chính quyền mà phong trào khởi nghiệp tại địa phương ngày một nhiều, số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh, chủ yếu là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết được lao động tại chỗ, tận dụng các thế mạnh có sẵn để đưa Tiên Phước vươn mình phát triển, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top