Thực hiện Đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, triển khai thực hiện khoảng 14.700 NƠXH và giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục triển khai khoảng 4.900 NƠXH.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, việc đầu tư NƠXH hiện nay trên địa bàn tỉnh thực hiện chủ yếu từ vốn của doanh nghiệp. Do vốn đầu tư các doanh nghiệp bỏ ra lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao, nên việc kêu gọi đầu tư phát triển NƠXH trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, thủ tục hành chính lựa chọn chủ đầu tư còn vướng mắc do quy định của pháp luật về công tác lựa chọn chủ đầu tư còn chồng chéo, chưa cụ thể; quy trình thực hiện nhiều bước, thủ tục phức tạp nên trong thực hiện mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư.
Đến nay, mới chỉ có 200 căn của khu nhà ở công nhân Công ty Panko Tam Thăng (TP. Tam Kỳ) hoàn thiện, đưa vào sử dụng, các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp đang triển khai trên địa bàn tỉnh đều gặp vướng mắc kéo dài.
UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, việc phát triển NƠXH cho người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh chưa đạt được mục tiêu do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Cụ thể, quỹ đất ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh còn nhiều, mức giá đa dạng, phù hợp với thu nhập của người dân nên có nhiều sự lựa chọn thay vì mua nhà ở tại dự án NƠXH khiến cho các nhà đầu tư chưa quan tâm đến loại hình này; các doanh nghiệp, tổ chức không mặn mà đầu tư NƠXH do lợi nhuận thấp, nhiều thủ tục, nội dung phức tạp; một số chủ đầu tư các nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng, chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động. Mặt khác, việc lựa chọn chủ đầu tư vẫn phải thực hiện theo quy trình của Luật Đấu thầu dẫn đến kéo dài thời gian và chi phí cho nhà đầu tư…
Để khắc phục, thời gian tới, Quảng Nam sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về quy hoạch, phát triển quỹ đất; chỉ đạo UBND cấp huyện, cơ quan chức năng xác định cụ thể vị trí, địa điểm, quy mô diện tích đất, đảm bảo đủ quỹ đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, đảm bảo đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu dân cư, khu đô thị, quy hoạch khu công nghiệp; tại các đô thị còn lại (loại IV, loại V).
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các bộ, ngành có liên quan kịp thời ban hành các văn bản, quy định, hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực bất động sản, trong đó có NƠXH như cơ chế chính sách; về trình tự, hướng dẫn thực hiện; hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án nhà ở...
Liên quan đến vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng cho hay, chương trình NƠXH dành cho người nghèo, người thu nhập thấp là chủ trương lớn, được Tỉnh ủy Quảng Nam quan tâm, chỉ đạo, nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn. "Những khó khăn đã được UBND tỉnh nêu ra, nhưng chung quy lại là vì nguồn lực để đầu tư còn nhiều khó khăn; điều kiện thu nhập của người lao động hiện nay vẫn chưa đủ để sở hữu NƠXH, dù cho mức giá NƠXH thấp hơn so với những nơi khác. Thực tế những vướng mắc này cũng không nằm ngoài khó khăn chung của cả nước", ông Lê Văn Dũng chia sẻ và kỳ vọng: "Hiện nay, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều quy định mới sát với thực tiễn. Đây sẽ là cơ sở để gỡ vướng và thúc đẩy các dự án NƠXH vướng mắc nhiều năm qua tại Quảng Nam"./.