Aa

Quảng Nam lên kế hoạch ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng

Thứ Tư, 14/07/2021 - 15:30

Kế hoạch ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng trên địa bàn được UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra nhằm chủ động, sẵn sàng ứng phó, kịp thời triển khai tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời, khắc phục hậu quả do sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng và hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất về người và tài sản.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu xác định lực lượng và xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong công tác ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng trên địa bàn. Cụ thể, các hạng mục bao gồm: Sập đổ công trình, giàn giáo trong khi thi công xây dựng; sập đổ công trình nhà cao tầng, các cột tháp anten truyền thông…

Các giải pháp thực hiện chính được đưa ra gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ để trình UBND tỉnh ban hành; Đảm bảo cơ chế chính sách thống nhất trong chỉ đạo, chỉ huy, điều hành ứng phó hiệu quả; khuyến khích các thành phần tự nguyện tham gia hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, tăng cường vai trò trách nhiệm của các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.

UBND tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng trên địa bàn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất về người và tài sản. (Ảnh: Bội Nhiên)

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu xây dựng các tình huống giả định, phương án ứng phó và phối hợp khi xảy ra sự cố có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh: Nghiên cứu, xây dựng theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Tăng cường học tập kinh nghiệm quản lý, chỉ huy, điều hành, huấn luyện đào tạo; khai thác có hiệu quả các nguồn vốn viện trợ, tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Đẩy mạnh đầu tư phát triển và áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới trong lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Bảo đảm chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước theo thứ tự ưu tiên. Trong quá trình thực hiện bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương; Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc để kế hoạch được thực hiện đúng tiến độ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công tác ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh.

Nhiều công trình nhà ở cao tầng đang được đầu tư xây dựng tại Quảng Nam

UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Cơ quan thường trực về tìm kiếm, cứu nạn trên đất liền) chịu trách nhiệm xây dựng phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan. Bên cạnh đó, đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp, xây dựng danh mục, tham mưu đề xuất UBND tỉnh trong việc đầu tư trang bị các phương tiện, thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng.

Trước đó, tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt 100 dự án phát triển nhà ở trong năm 2021, trong đó 98 dự án nhà ở thương mại và 2 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp, có thể kể đến như: Khu đô thị sinh thái ven sông Tam Kỳ (TP. Tam Kỳ); dự án phát triển nhà ở trong Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (H. Thăng Bình); dự án phát triển nhà ở trong Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (H. Duy Xuyên)… Vì vậy, kế hoạch ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh được ban hành trong thời điểm này là rất cần thiết. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top