Aa

“Quảng Nam luôn trân trọng những đóng góp to lớn của doanh nhân, doanh nghiệp”

Thứ Ba, 12/10/2021 - 06:00

Trao đổi với Reatimes, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định, Quảng Nam luôn trân trọng những đóng góp quan trọng của doanh nhân, doanh nghiệp vào sự phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội...

“Chính quyền tỉnh Quảng Nam luôn ghi nhận và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tối đa tài năng, trí tuệ và năng lực sản xuất - kinh doanh của mình”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ những đóng góp quan trọng, tích cực của doanh nghiệp, doanh nhân vì sự phát triển của Quảng Nam?

Ông Lê Trí Thanh: Quảng Nam luôn xác định đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đóng vai trò, vị trí rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có trên 8.200 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 300.000 lao động tại tỉnh. Các doanh nghiệp, doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (tăng trưởng GRDP trên địa bàn), quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng và dịch chuyển theo hướng tích cực. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân khoảng 9,53%/năm; năm 2020 quy mô kinh tế đạt 109.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 72,4 triệu đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 5 năm (2016 - 2020) là 110.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp đóng góp khoảng 80 - 85% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cố gắng thích nghi và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Nhiều sản phẩm công nghiệp đã khẳng định được chất lượng và thương hiệu trên toàn quốc như ô tô các loại, sản phẩm điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ... Nhờ vậy tổng thu ngân sách 8 tháng 2021 của tỉnh đạt 14.131 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trên 11,7%, đứng thứ 5 cả nước về tốc độ tăng trưởng.

Các doanh nghiệp làm ăn tại Quảng Nam luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền tỉnh Quảng Nam
Các doanh nghiệp làm ăn tại Quảng Nam luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền tỉnh Quảng Nam

PV: Doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh cần làm gì để khắc phục những hạn chế và phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương để vượt qua đại dịch Covid-19?

Ông Lê Trí Thanh: Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều ngành kinh tế như chúng ta đã thấy. Đồng thời, đại dịch đã thay đổi người tiêu dùng toàn cầu - từ quan điểm về giá trị, hành vi, cho tới cách họ tiêu dùng.

Do vậy, để ứng phó với đại dịch Covid-19 và hậu quả từ đại dịch sẽ là một trong những thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Trước bối cảnh này, tôi nghĩ rằng doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng cần tập trung vào chiến lược tái định vị, bao gồm cải tổ mô hình kinh doanh, xem xét lại mô hình tăng trưởng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, cải tổ phương thức sản xuất và áp dụng chuyển đổi số để tương tác hiệu quả với khách hàng.

Các doanh nghiệp của Quảng Nam đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì vậy khả năng “xoay chuyển” chiến lược kinh doanh cũng dễ triển khai nhanh hơn nếu biết nắm bắt “cơ hội". Đó cũng chính là điều tôi muốn nói “trong nguy có cơ”, trong bức tranh với màu xám chiếm chủ đạo thì các nhà kinh tế vẫn luôn chỉ ra những điểm sáng và cơ hội phía trước. Quan trọng là doanh nghiệp cần tái định vị để có thể nắm bắt tốt hơn các cơ hội phát sinh trong ngắn hạn và các cơ hội mới trong dài hạn. Tôi cho rằng đó là điều cốt lõi trong giai đoạn “bình thường mới” đối với doanh nghiệp.

Còn về phía tỉnh, ngoài việc quyết tâm thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai các phương án đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn; tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như Nghị quyết 18/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021, Nghị quyết 45/NQ-HĐND ngày 22/7/2021, Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 13/01/2021... và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện ngay các gói hỗ trợ của Chính phủ như Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021, Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021... Trong quá trình triển khai, cũng có những vướng mắc, bất cập phát sinh tỉnh đã kịp thời gửi văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp khá đồng bộ cũng tạo ra lợi thế cho cộng đồng doanh nghiệp làm ăn tại Quảng Nam 
Hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp khá đồng bộ cũng tạo ra lợi thế cho cộng đồng doanh nghiệp làm ăn tại Quảng Nam 

Bên cạnh đó, với thế mạnh của mình, giải pháp sắp đến của tỉnh Quảng Nam là cơ cấu, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó lấy việc phát triển du lịch - dịch vụ làm ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Xây dựng đề án chính sách tích tụ, tập trung đất đai để hình thành các vùng chuyên canh gắn với việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với địa phương và nông dân. Phát triển mạnh kinh tế biển và vùng ven biển của tỉnh. Trong đó sẽ ban hành các cơ chế, chính sách, đề án cụ thể để xây dựng vùng đồng bằng ven biển của tỉnh trở thành chuỗi đô thị - trung tâm dịch vụ, du lịch - công nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao... Qua đó, các doanh nghiệp có thể tham khảo những định hướng phát triển này của tỉnh để xây dựng chiến lược phục hồi sau đại dịch.

PV: Tỉnh đã có những chính sách, chủ trương hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như thế nào để hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Ông Lê Trí Thanh: Những năm qua, tỉnh Quảng Nam luôn đồng hành và nỗ lực tìm ra những giải pháp kiến tạo để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, gắn kết và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Tỉnh đã vận dụng linh hoạt và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; theo đó tập trung quán triệt các sở, ban, ngành và địa phương thay đổi tư duy quản lý hành chính đơn thuần sang nền hành chính kiến tạo - phục vụ, đổi mới toàn diện về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính năng động, chuyên nghiệp và trách nhiệm nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh kiểm tra dự án đầu tư xây dựng hạ tầng tại thị xã Điện Bàn
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh kiểm tra dự án đầu tư xây dựng hạ tầng tại thị xã Điện Bàn

Quảng Nam đã tập trung cho việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung lại các quy hoạch để chất lượng tốt hơn, hấp dẫn nhà đầu tư hơn và chỉ đạo tiến đến số hóa, minh bạch để mọi nhà đầu tư đều được biết và tiếp cận nhanh nhất. Tỉnh đang rà soát các dự án đầu tư, xét trong bối cảnh khó khăn, để quyết định cho giãn tiến độ hoặc thu hồi, trao cơ hội cho các nhà đầu tư khác. UBND tỉnh tập trung hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là các quy định về hướng dẫn trình tự, thủ tục đầu tư và hướng dẫn trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư (QĐ 2131/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 và  QĐ 2132/QĐ-UBND ngày 30/7/2021); về trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản theo hướng công khai, minh bạch, cắt giảm thời gian giải quyết, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn yêu cầu các cấp, các ngành rà soát quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp thị trường và quyền kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.

Đặc biệt, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; UBND tỉnh cũng thành lập Tổ Công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện các chỉ đạo của Thường trực Ủy ban; định kỳ hằng tháng, lãnh đạo tỉnh tiếp doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Ngoài ra, với tinh thần cầu thị, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng các kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp qua tổng đài 1022, ứng dụng Smart Quảng Nam và Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp thu ý kiến góp ý và giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh quan tâm đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp cho những dự án quy mô nhỏ và vừa trải đều trên toàn tỉnh và xây dựng những dự án chiến lược, quy mô lớn, khác biệt cao, tạo lan tỏa rộng để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, sau đó UBND tỉnh sẽ lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện theo đúng quy định.

Có thể thấy, mọi quyết sách của tỉnh từ lớn đến nhỏ, từ giải pháp phát triển đến hoàn thiện thể chế, từ cầu thị lắng nghe đến tận tâm tháo gỡ, đều hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Cũng nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) sắp đến, thay mặt UBND tỉnh, kính chúc quý doanh nhân luôn mạnh khỏe, vững tay chèo để chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua mọi sóng gió của đại dịch Covid-19./.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top