Aa

Nhiều điều kiện thuận lợi để Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển kinh tế hướng biển

Thứ Tư, 05/10/2022 - 06:06

Định hướng trong giai đoạn tiếp theo, khu vực đồng bằng ven biển thuộc vùng Đông Quảng Nam sẽ là khu vực động lực phát triển của tỉnh và khu vực, trong đó kinh tế hướng biển được xem là hướng đi chủ đạo.

Quảng Nam là một tỉnh công nghiệp ven biển và nằm ở vị trí chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,89%/năm, cao hơn mức bình quân của cả nước và cao hơn nhiều tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Định hướng trong giai đoạn tiếp theo, khu vực đồng bằng ven biển (vùng Đông Quảng Nam) sẽ là khu vực động lực phát triển của tỉnh và khu vực, trong đó kinh tế hướng biển được xem là hướng đi chủ đạo.

Khu kinh tế mở Chu Lai.

Ngành công nghiệp hướng biển

Cơ cấu công nghiệp của Quảng Nam tập trung chủ yếu ở Khu kinh tế mở Chu Lai trên địa bàn 3 địa phương là TP. Tam Kỳ, huyện Núi Thành và huyện Thăng Bình. Thống kê sơ bộ giai đoạn 2011 - 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của 3 địa phương kể trên chiếm 70% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh với nhiều cơ sở công nghiệp, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Dự báo, trong giai đoạn tiếp theo, những địa phương này nói riêng và vùng Đông Quảng Nam (bao gồm các địa phương ven biển, dọc theo tuyến cao tốc và Quốc lộ 1) sẽ là vùng động lực phát triển kinh tế và công nghiệp không những của Quảng Nam mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Trong đó, Khu kinh tế mở Chu Lai có nhiều điều kiện thuận lợi, kết nối liên vùng với Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) tạo thành động lực phát triển kinh tế liên vùng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Dự kiến, khu vực này sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp có quy mô lớn, có tính động lực tác động đến các ngành công nghiệp khác cùng phát triển, mang lại nguồn thu lớn ngân sách và tạo nhiều việc làm, thu nhập cao cho người dân. Các dự án ngành, lĩnh vực công nghiệp được ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 và sau 2030 sẽ là công nghiệp và dịch vụ, logistic… gắn với cảng biển và cảng hàng không Chu Lai; công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, cơ khí chế tạo; công nghiệp khí - năng lượng, sản phẩm sau khí và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng khí…

Tàu ra vào cảng Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)

Đây cũng là khu vực “đại diện” cho ngành công nghiệp hướng biển, hướng ra quốc tế của Quảng Nam với động lực phát triển là Cảng hàng không Chu Lai và hệ thống cảng biển. Trong đó, Cảng hàng không Chu Lai là sân bay có diện tích hiện trạng lớn nhất cả nước, được quy hoạch diện tích, quy mô, công suất lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên (quy mô tiêu chuẩn 4F, công suất quy hoạch đến năm 2025 đạt 5 triệu tấn hàng hóa và 4,1 triệu hành khách/năm). Trong tương lai, Quảng Nam sẽ nâng cấp Cảng hàng không Chu Lai thành cảng hàng không quốc tế và trung chuyển hàng hóa quốc tế gắn với hoạt động các khu phi thuế quan và logistics, phát triển trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, đào tạo phi công...

Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển tiếp tục được đầu tư, có thể đảm nhiệm vai trò “trạm trung chuyển quốc tế” và trở thành đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đi các nước trên thế giới. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng Chu Lai từ cảng biển loại 2 được nâng lên thành cảng biển loại 1 quốc gia. Trong đó, tuyến luồng Cửa Lở (H. Núi Thành) được quy hoạch là tuyến luồng đạt chuẩn tắc luồng 1 làn, 2 chiều, dài 6km, rộng 140m, cao trình đáy nạo vét -13,2m, đảm bảo tàu 30.000 tấn đầy tải ra vào thường xuyên và có thể tiếp nhận các tàu 50.000 tấn hoặc lớn hơn lợi dụng mực nước thủy triều ra vào cập cảng Chu Lai.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông ven biển được đầu tư lớn như đường Võ Chí Công kết nối xuyên suốt TP. Đà Nẵng đến cảng hàng không Chu Lai; tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Quốc lộ 1 kết nối với tuyến đường ven biển… hoàn thiện tạo nên sức bật lớn trong phát triển kinh tế hướng biển của Quảng Nam.

Phát triển công nghiệp năng lượng xanh để hướng đến tương lai

Nhiều nghiên cứu chỉ ra Quảng Nam nói riêng và các tỉnh khu vực miền Trung nói chung có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo. Đây được xem là nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp khác tương lai. Với định hướng công nghiệp vẫn là ngành chiếm tỷ trọng cao, giữ vai trò cốt lõi trong phát triển của tỉnh thì trong thời gian tới, sự mở rộng của các khu công nghiệp trên địa bàn sẽ kéo theo nhu cầu về điện công nghiệp và điện sinh hoạt ngày càng tăng. Điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo sẽ góp phần tạo nên sự đa dạng cho nguồn cung cấp điện trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, vào mùa cao điểm sẽ góp phần đảm bảo được nguồn cung điện liên tục khi có sự cố xảy ra.

Các chuyên gia đề xuất khai thác tiềm năng từ sóng biển ở Quảng Nam

Ngoài các loại năng lượng tái tạo đã khá quen thuộc ở Việt Nam như điện mặt trời, điện gió thì nhiều chuyên gia đã có những đề xuất, gợi ý để Quảng Nam phát triển năng lượng từ sóng biển. Theo chuyên gia Nguyễn Duy Tổng, Đại học Hải dương quốc lập Đài Loan, vùng biển Quảng Nam nằm trong vùng có năng lượng sóng cao nhất Việt Nam, là điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng sóng. Một trong những công nghệ được chuyên gia gợi ý để khai thác tiềm năng từ sóng biển ở Quảng Nam là mô hình cột nước dao động (OWC).

Nhiều năm qua, hệ thống đê biển chống xói mòn, bảo vệ bờ biển đã được Quảng Nam chú trọng đầu tư xây dựng. Các cột nước dao động có thể dễ dàng tích hợp vào hệ thống đê biển này. Chi phí xây dựng, bảo trì và vận hành sẽ giảm đáng kể nhờ được xây dựng trên nền tảng sẵn có này. Ngược lại, các cột nước dao động khi được tích hợp sẽ đóng vai trò hấp thụ năng lượng, giảm tác động đáng kể của sóng biển lên hệ thống đê, tăng thời gian sử dụng cho hệ thống đê biển.

Khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng sóng vẫn đang trong giai đoạn sơ khai nên vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Đặc biệt, theo định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 40% vào năm 2030, 50% vào năm 2045. Nếu phát triển thành công năng lượng tái tạo, trong đó bao gồm năng lượng sóng, thì Quảng Nam sẽ có vị thế quan trọng trong bản đồ năng lượng quốc gia, bên cạnh đó là điều kiện lớn để phát triển ngành công nghiệp ngày càng mở rộng quy mô./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top