Aa

Định hướng phát triển đô thị Quảng Nam trong tương lai

Chủ Nhật, 05/06/2022 - 06:05

Hiện nay, Quảng Nam có 15 đô thị, gồm: Ái Nghĩa, Đông Phú, Khâm Đức, Tân An, Thạnh Mỹ, Trà My, Tiên Kỳ, Phú Thịnh, P’Rao, Tam Kỳ, Hội An, Núi Thành, Hà Lam, Nam Phước, Điện Bàn.

Ngoài ra, có 3 khu trung tâm huyện chưa được công nhận thị trấn là Trung Phước (Nông Sơn), Tắc Pỏ (Nam Trà My) và Tơ Viêng (Tây Giang). Dân cư đô thị của Quảng Nam là 276.800 người, tỷ lệ dân số đô thị đạt 19,08% và tỷ lệ đô thị hóa đạt 26,3%. Các đô thị phát triển chủ yếu theo dạng “tuyến - điểm”, tập trung tại các trục giao thông chính như Quốc lộ: 1, 14B, 14E, 14D, đường Nam Quảng Nam, đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường tỉnh.

Tốc độ đô thị hóa ở Quảng Nam ngày càng tăng cao.

Đô thị có sự chênh lệch lớn

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ đô thị hóa của Quảng Nam có sự tăng trưởng khoảng 1,66%, tăng mạnh nhất là khoảng 2019 - 2020 gần 1%, đây cũng là giai đoạn mà thị trường bất động sản đạt đỉnh lịch sử, các dự án bất động sản nở rộ trong cả nước. Dự án bất động sản dân dụng, đặc biệt là bất động sản du lịch phát triển tập trung ở khu vực ven biển với làn sóng dòng tiền đầu tư vào đất ven biển. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa lại có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, giữa các địa phương với nhau. Tỷ lệ đô thị hóa ở vùng núi - trung du (vùng Tây) thấp hơn khá nhiều so với vùng đồng bằng và ven biển (vùng Đông). Theo số liệu thống kê năm 2020, trong khi tỷ lệ đô thị hóa vùng Đông đạt 31,77% thì vùng Tây chỉ đạt 13,34%.

Với vùng Đông, tỷ lệ đô thị hóa cũng có khác biệt giữa các địa phương. Cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa của TP. Tam Kỳ là 75,4%, của TP. Hội An là 74,6%, của thị xã Điện Bàn là 41,99%, trong khi đó của Phú Ninh là 5,64%. Vùng Tây với chỉ số khiêm tốn khi tỷ lệ đô thị hóa cao nhất là Nam Giang đạt 29,22%, đây là cửa ngõ phía Tây của tỉnh Quảng Nam và cũng là của Việt Nam với của khẩu cửa khẩu Đắk Ốc giao thương với nước bạn Lào. Đáng chú ý, vùng Tây có 3 đơn vị hành chính là Nam Trà My, Nông Sơn và Tây Giang có tỷ lệ đô thị hóa bằng 0% do các khu vực thị tứ Tắc Pỏ (huyệnTrà My), Tơ Viêng (huyện Tây Giang) và Trung Phước (huyện Nông Sơn) chưa được nâng cấp để trở thành thị trấn.

Đa phần các đô thị được hình thành và phát triển chủ yếu trên sự đảm nhiệm chức năng là đô thị hành chính, thiếu yếu tố động lực phát triển quan trọng như sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, do đó tốc độ đô thị hoá và quy mô phát triển đô thị chậm và yếu. Chất lượng đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không đồng đều. Hiện nay, các đô thị vùng phía Đông đặc biệt là Hội An, Tam Kỳ có nhiều cơ sở hạ tầng và kinh tế xã hội được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, các đô thị vùng Tây chất lượng đô thị còn khiêm tốn.

Các đô thị ở Quảng Nam tiếp tục phát triển gắn với các tuyến giao thông chính.

Dự báo, tiến trình đô thị hóa ở Quảng Nam sẽ theo dạng chuỗi bám theo các đô thị như chuỗi đô thị dọc theo Quốc lộ 1, đường ven biển Việt Nam (Điện Bàn, Nam Phước, Duy Nghĩa, Hương An, Hà Lam, Kế Xuyên…); chuỗi đô thị theo trục đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14B (Khâm Đức, cụm Thạnh Mỹ - Bến Giằng, P’Rao, Ái Nghĩa); chuỗi đô thị theo tuyến Nam Quảng Nam (Tắc Pỏ, Trà My, Tiên Kỳ, Phú Thịnh); chuỗi đô thị theo tuyến Đông Trường Sơn (Thạnh Mỹ, Trung Phước, Tân An, Trà My, Tơ Viêng).

Các hình thái chuỗi đô thị này sẽ là kết quả của quá trình đô thị hóa tập trung cao chủ yếu tại các khu vực gần các đô thị trung tâm cấp vùng: Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai; các điểm dân cư tập trung, nơi có hạ tầng giao thông thuận lợi như các trục Quốc lộ: 1, 14E, 14B, 14D, 14G, 40B đường Hồ Chí Minh, các trục đường ĐT, ĐH… và gần các cụm công nghiệp, khu công nghiệp.

Phát triển đô thị dựa trên các tuyến giao thông chính

Giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam sẽ phát triển hệ thống đô thị theo hướng xanh, thông minh, đáp ứng quá trình đô thị hóa nhanh, hệ thống hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với bảo tồn phát huy các di sản, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên biển đảo.

Đô thị hóa ở Quảng Nam có sự chênh lệch giữa các vùng.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, dự kiến sẽ có 18 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 37% và đạt khoảng 40% với dự kiến 27 đô thị vào năm 2030. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đến năm 2025 đạt tối thiểu 12 - 17%, đến năm 2030 đạt 17 - 24%.

Đến năm 2030, hoàn thiện và cơ bản hiện đại hoá hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; nhựa hoá và bê tông hoá 99% đường huyện và cứng hoá 99% đường xã, thôn của tỉnh; 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý; 85% số các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn về môi trường…

Các đô thị phát triển theo chuỗi dựa trên các tuyến giao thông chính đã được định hình, gồm 2 chuỗi đô thị Bắc Nam nằm ở vùng Đông dựa trên 2 tuyến giao thông chính là Quốc lộ 1 và tuyến đường bộ ven biển; 4 chuỗi đô thị Đông Tây nằm ở vùng Tây dựa trên các tuyến giao thông chính là Quốc lộ 14B, 14D, 14G 40B, 40E, ĐT606, tuyến đường Hồ Chí Minh. Với mỗi chuỗi đô thị sẽ xác định các đô thị chính và đô thị thứ yếu. Các đô thị chính là chủ thể của chuỗi, đóng vai trò tính chất nổi trội cho chuỗi hàng kinh tế.

Trong hai chuỗi đô thị Bắc Nam của vùng Đông sẽ xác định 4 đô thị chính là Núi Thành, Tam Kỳ, Hội An - Điện Bàn và các đô thị còn lại là đô thị thứ yếu. Các đô thị sẽ ưu tiên phần không gian gắn với tuyến giao thông chính tương ứng và ưu tiên phát triển công nghiệp.

Giai đoạn 2019 - 2020, thị trường bất động sản Quảng Nam đạt đỉnh kéo theo tốc độ đô thị hóa tăng mạnh.

Ở vùng Tây, chuỗi đô thị Tiên Kỳ, Trà My, Tắc Pỏ sẽ gắn với tuyến Quốc lộ 40B, trong đó Trà My là đô thị chính của chuỗi. Chuỗi đô thị Việt An, Tân An, Phước Hiệp, Khâm Đức gắn với tuyến Quốc lộ 14E và đường Hồ Chí Minh, trong đó Khâm Đức đóng vai trò là đô thị chính. Chuỗi đô thị Lâm Tây, Trung Phước, Thạnh Mỹ - Bến Giằng, Chà Val gắn với tuyến Quốc lộ 14D, trong đó Chà Val là đô thị chính. Chuỗi đô thị Sông Vành, P’Rao, Tơ Viêng gắn với tuyến Quốc lộ 14G, với chuỗi đô thị này đẩy mạnh phát triển khu kinh tế cửa khẩu Tây Giang trở thành một trung tâm trong chuỗi.

Cùng với đó, mỗi đô thị sẽ có từng mô hình phát triển riêng như mô hình đô thị du lịch; đô thị hành chính - thương mại dịch vụ; đô thị Cảng; đô thị sân bay; đô thị công nghiệp công nghệ cao - dịch vụ logistics; đô thị cửa khẩu; đô thị nông nghiệp./.

Đô thị hóa ở Quảng Nam so với các tỉnh trong vùng

So với vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, tỉnh Quảng Nam có tỷ lệ đô thị hóa còn khiêm tốn, đạt 26,3%, chỉ đứng trên Quảng Ngãi (21,1%) là tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất, các tỉnh, thành phố còn lại bao gồm Đà Nẵng (87,3%), Thừa Thiên - Huế (49,6%), Bình Định (40,3%). Quảng Nam cũng là tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa ở mức trung bình khi so với các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng (39,3%), Kon Tum (32,7%), Gia Lai (29%), Đắk Lắk (24,7%), Đắk Nông (15,3%).                                                                                            

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top