Tại thời điểm thi hành Luật Đất đai năm 1993, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khi thực hiện việc giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (Giấy CNQSDĐ) đối với đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ đã kết hợp cấp cả đất ở và đất nông nghiệp chung trong một giấy chứng nhận và trong nhiều Giấy CNQSDĐ đã ghi gộp đất ở + đất vườn thành “đất thổ cư” ký hiệu chữ “T” mà không tách riêng diện tích đất ở và diện tích đất vườn, ao.
Do đó có nhiều trường hợp diện tích đất “thổ cư” ghi trên Giấy CNQSDĐ lớn hơn rất nhiều lần hạn mức đất ở, thậm chí có trường hợp đến 5.000 - 7.000m2 đất thổ cư mà không tách riêng diện tích đất ở.
Việc ghi trong Giấy CNQSDĐ loại “đất thổ cư” với diện tích lớn hơn hạn mức đất ở như nêu trên do không tách loại đất ở với loại đất nông nghiệp (vườn, ao, chuồng trại…) gắn liền với đất ở theo hiện trạng là không phù hợp với Luật Đất đai.
Mặt khác, Luật Đất đai cũng không có quy định nào xác định loại đất là “đất thổ cư”. Việc ghi “đất thổ cư” trong Giấy CNQSDĐ trước đây cũng làm phát sinh hệ luỵ khiếu kiện, khiếu nại gia tăng; trong đó có nguyên nhân chính là do việc ghi gộp đất ở và đất vườn thành đất thổ cư.
Để giải quyết tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất giải pháp theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, cụ thể đối với các trường hợp đã thực hiện các quyền của người sử dụng đất (chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…) đối với toàn bộ thửa đất thì không công nhận lại.
Trường hợp đã thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì xem xét, công nhận lại diện tích đất ở còn lại tại Giấy CNQSD đất gốc theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Trường hợp chưa thực hiện các quyền của người sử dụng đất thì xem xét, công nhận lại diện tích đất ở theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Theo đó, trường hợp người sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 và có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 thì thực hiện công nhận lại diện tích đất ở theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 24 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
Trường hợp người sử dụng đất từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 01/7/2004 và đang có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật đất đai, Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và khoản 16 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ mà giấy tờ đó ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó.
Trường hợp trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định theo khoản 2 Điều 9 Quy định hạn mức giao, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh được ban hành kèm theo Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 05/11/2020 của UBND tỉnh.
Riêng với trường hợp người sử dụng đất không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 thì thực hiện công nhận lại diện tích đất ở theo Quy định hạn mức giao, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh được ban hành kèm theo Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 05/11/2020 của UBND tỉnh.
Rà soát việc quản lý, sử dụng đất công ích
Theo quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ thì quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích đất công ích gồm 3 loại đất: đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản. Ngoài 3 loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp nêu trên thì các loại đất còn lại không được sử dụng để tạo lập quỹ đất công ích và quy định quỹ đất công ích để lại cho mỗi địa phương (xã, phường, thị trấn) không vượt quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ nhu cầu công ích của địa phương.
Để quản lý và sử dụng quỹ đất công ích đúng quy định, đồng thời giải quyết vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân đang sản xuất trên đất công ích ổn định cuộc sống, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất hướng giải quyết tồn tại, vướng mắc trong quản lý sử dụng quỹ đất công ích ở các địa phương theo các nhóm cụ thể.
Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng các loại đất không thuộc một trong 3 loại đất nêu trên nhưng trong hồ sơ địa chính được xác lập là đất công ích thì UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng với UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát lại hồ sơ địa chính và phương án giao đất nông nghiệp trước đây thực hiện theo Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ để điều chỉnh lại quỹ đất công ích (5%) đăng ký trong hồ sơ địa chính cho phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai hiện hành (kể cả trong trường hợp quỹ đất công ích nhỏ hơn 5% tổng diện tích 3 loại đất (đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản) trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Đối với các xã, phường, thị trấn để lại quỹ đất công ích vượt quá 5% mà người sử dụng đất sử dụng đúng mục đích của các loại đất: đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản thì UBND cấp huyện, chỉ đạo UBND cấp xã rà soát phần diện tích đất công ích vượt 5% để lập và trình UBND cấp huyện phê duyệt Phương án giao đất bổ sung cho các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất; trong đó, ưu tiên giao đất cho các hộ gia đình chính sách, người có công theo quy định tại khoản 3 Công văn số 5119/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 12/12/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng với UBND cấp xã và các cơ quan có liên quan chỉnh lý, điều chỉnh hồ sơ địa chính và thực hiện việc cấp Giấy CNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng các loại đất thuộc quỹ đất công ích nhưng không có hợp đồng thuê đất, nhận đấu thầu sử dụng đất với UBND xã, phường, thị trấn thì thống nhất việc giải quyết hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất theo Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định việc hỗ trợ khác (hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm; hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất còn lại) cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất công ích nhưng không có hợp đồng thuê, nhận đấu thầu sử dụng đất cho phù hợp với thực tiễn, đúng quy định của pháp luật về đất đai và ngân sách.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát để xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn tại, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng quỹ đất công ích trên địa bàn mình quản lý./.
Tình trạng khiếu kiện, khiếu nại về “đất thổ cư” nổi cộm ở Quảng Nam
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh có hơn 140.000 trường hợp có Giấy CNQSDĐ ghi mục đích sử dụng là “đất thổ cư”. Riêng ở Thị xã Điện Bàn, có hơn 21.000 trường hợp có Giấy CNQSDĐ cấp là “đất thổ cư” đối với thửa đất có diện tích lớn hơn hạn mức đất ở theo quy định của pháp luật.
Việc ghi gộp đất ở + vườn thành “đất thổ cư” tại tỉnh Quảng Nam đã làm cho nhiều người lầm tưởng đất ở là “đất thổ cư”. Khi cấp lại Giấy CNQSDĐ theo Luật Đất đai 2013, diện tích đất ở xác lập lại thấp hơn diện tích “đất thổ cư” nên đã phát sinh nhiều trường hợp khiếu nại, khiếu kiện.
Theo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, qua xem xét các loại khiếu kiện, khiếu nại về đất đai trong phạm vi toàn quốc thì thấy tình trạng khiếu kiện, khiếu nại về “đất thổ cư” nổi lên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, việc này ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nên cần được khẩn trương chấn chỉnh tình hình này.