Aa

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về đề xuất giảm diện tích rừng phòng hộ ở Quảng Nam

Thứ Hai, 16/05/2022 - 15:09

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vào cuối tháng 3 vừa qua.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, đánh giá cụ thể về diện tích rừng phòng hộ ven biển cần điều chỉnh quy hoạch.

Quảng Nam đề xuất giảm hơn 1.600ha rừng phòng hộ để phát triển cơ sở hạ tầng vùng Đông.

Hiện nay, vùng Đông được xác định là vùng động lực phát triển của tỉnh Quảng Nam, trong đó hệ thống giao thông động lực (như tuyến đường ven biển Võ Chí Công) đang được đầu tư tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, khu vực này nhiều năm về trước không phát triển do chưa được đầu tư phát triển giao thông nên tỉnh Quảng Nam đã triển khai trồng rừng phòng hộ trên đất cát và đưa vào quy hoạch các loại rừng với tổng diện tích quy hoạch 3.636ha, trong đó có rừng 2.875ha chủ yếu là keo, phi lao.

Đến nay, đây là một vướng mắc, khó khăn cho triển khai thực hiện các dự án đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp tại Khu kinh tế mở Chu Lai nói riêng và vùng Đông nói chung. Khi triển khai một số dự án sẽ phải liên quan đến việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng và trồng rừng thay thế đối với một phần diện tích rừng nằm trong quy hoạch kể trên.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, rừng phòng hộ ven biển phía Đông tỉnh Quảng Nam theo quy hoạch tại Quyết định số 120/QĐ-UBND ngày 11/01/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam có diện tích 3.636ha, trong đó diện tích có rừng 2.875ha; 761ha còn lại là đất trống, ngập nước theo mùa, không phải rừng tự nhiên, đa số được trồng từ những năm 90 của thế kỷ 20. Đây là đất cát, không có hạ tầng, thuộc địa bàn các xã đặc biệt khó khăn ven biển, chất lượng cây trồng rất thấp, đa số là cây keo, phi lao còi cọc; năm 2020 bị ngã đổ do thiên tai 292ha nên diện tích có rừng trên thực tế là 2.583ha.

Tuyến đường Võ Chí Công được đầu tư, mang lại bước đột phá cho sự phát triển của vùng Đông Quảng Nam.

Đến thời điểm này, hạ tầng giao thông đã được đầu tư đồng bộ, có điều kiện rất thuận lợi cho phát triển kinh tế và được Đảng bộ tỉnh Quảng Nam xác định là vùng động lực phát triển, trong đó hạt nhân là Khu kinh tế mở Chu Lai. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ ven biển tỉnh Quảng Nam với diện tích 2.000ha trên cơ sở phù hợp với hiện trạng rừng đủ điều kiện công nhận thành rừng hiện nay tại khu vực này, đồng thời thực hiện sắp xếp lại trồng rừng phòng hộ theo nội dung tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai (dọc các tuyến đường, bao quanh các khu chức năng, khu dân cư).

Cùng với đó cho phép thực hiện các hoạt động trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển theo hình thức hợp tác công - tư thông qua việc giao khoán cho các doanh nghiệp đang triển khai dự án tại khu vực này nhằm đảm bảo việc trồng, chăm sóc, quản lý thường xuyên kết hợp phát triển kinh tế với chức năng phòng chống thiên tai. Các loại cây trồng vừa có chức năng phòng hộ vừa có chức năng cảnh quan để tạo mỹ quan đô thị.

Sau khi nghe báo cáo và các đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác do một Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Tổ trưởng và một Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia Tổ công tác để phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam rà soát, thống kê, đánh giá cụ thể diện tích rừng phòng hộ ven biển cần điều chỉnh quy hoạch, đề xuất phương án xử lý các kiến nghị của tỉnh Quảng Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Về đề xuất giao khoán cho các doanh nghiệp trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển theo hình thức hợp tác công - tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý và khuyến khích việc các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực tham gia các hoạt động trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng ven biển theo hình thức phù hợp với quy định của pháp luật; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tỉnh Quảng Nam thực hiện theo quy định hiện hành.

Kiến nghị giải quyết dự án “treo” lâu nhất trên địa bàn

Cũng trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Thủ tướng xem xét bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng sạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 đối với dự án Làng Đại học thuộc Đại học Đà Nẵng. Nếu không bố trí được, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh dự án, điều chỉnh quy hoạch để chỉ thực hiện hoàn chỉnh dự án trên phần đất của TP. Đà Nẵng.

Dự án Làng Đại học thuộc Đại học Đà Nẵng có quy mô gần 300ha (trong đó 110ha thuộc địa phận TP. Đà Nẵng và 190ha thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam).

Qua làm việc với Đại học Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam nhận thấy dự án này chỉ có khả năng thực hiện trên phần đất của TP. Đà Nẵng. Phần quy hoạch trên đất tỉnh Quảng Nam tập trung rất đông dân cư, không thể đủ kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong khi từ nay đến năm 2030 chưa có nguồn kinh phí để thực hiện. Đây là dự án “treo” lâu nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam kể từ năm 1997 (25 năm), chính quyền và nhân dân địa phương rất bức xúc, càng để lâu càng không thể thực hiện được.

Liên quan đến dự án Làng Đại học thuộc Đại học Đà Nẵng, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP. Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Đoàn công tác để trực tiếp rà soát, đánh giá toàn diện về thực trạng, các khó khăn, vướng mắc của dự án Làng Đại học thuộc Đại học Đà Nẵng và đề xuất giải pháp xử lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top