Quảng Ninh: Lấy phát triển hạ tầng làm điểm tựa để bứt phá

Quảng Ninh: Lấy phát triển hạ tầng làm điểm tựa để bứt phá

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Năm, 08/02/2024 - 06:01

Năm 2023 - một năm đáng nhớ với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có của nền kinh tế và cũng đáng nhớ khi đánh dấu cột mốc vàng son 60 năm xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023).

Trong bối cảnh khó khăn trùng điệp của năm 2023, tỉnh Quảng Ninh vẫn vượt qua mọi thử thách và đạt những thành tựu nhất định về phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, hiện Quảng Ninh đang trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế khi tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 11,03% (gấp đôi bình quân chung của cả nước), đứng đầu Vùng đồng bằng Sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước. Đây cũng là năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2015 đến nay) Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số, lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt trên 9.400 USD, cao gấp 1,4 lần so với năm 2020, đứng đầu khu vực phía Bắc và đứng thứ 2 cả nước. Đặc biệt, Quảng Ninh đã tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn đạt 3,1 tỷ USD, tương đương khoảng 73.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và tiếp tục đứng đầu cả nước.

Nhìn lại nửa chặng đường triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhận định, Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Quảng Ninh: Lấy phát triển hạ tầng làm điểm tựa để bứt phá- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, từ năm 2011 đến nay, Quảng Ninh đã tích cực đưa công cuộc đổi mới toàn diện đi vào chiều sâu, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xanh hoá, lấy du lịch làm mũi nhọn gắn với phát triển bền vững dựa trên các trụ cột thiên nhiên - con người - văn hoá. Đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường, tạo bứt phá về tốc độ phát triển các hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối; tạo đột phá về chất lượng cải cách hành chính, phát triển cân đối giữa các vùng miền. Từ đó tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hoá - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống và chất lượng sống của nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; tăng tính cạnh tranh và đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế.

Với đà tăng trưởng hai con số liên tục, công cuộc đổi mới của tỉnh Quảng Ninh ngày càng toàn diện, đi vào chiều sâu và hướng tới mục tiêu đạt dấu mốc một thập kỷ tăng trưởng trên hai con số, GRDP bình quân đầu người trên 10.000 USD.

Những kết quả đạt được trong chặng đường vừa qua chính là những dấu ấn, thành tích nổi bật được tạo nên bởi tinh thần đoàn kết, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh trong năm đặc biệt: Năm 2023 - Quảng Ninh tròn 60 tuổi.

Song hành cùng mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng của tỉnh Quảng Ninh là sự phát triển "thần tốc" của cơ sở hạ tầng. Với quyết sách "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", Quảng Ninh đã tạo đột phá trong phát triển hạ tầng. Đến nay, tỉnh đang dẫn đầu trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam, xếp trên cả TP.HCM, Bình Dương và Hà Nội.

Với vị trí là đầu mối giao thông quan trọng, là cửa ngõ ra biển của miền Bắc, Quảng Ninh hội đủ tất cả các loại hình giao thông bao gồm: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không và đường biển. 

Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tới các cảng biển, sân bay và hạ tầng các khu công nghiệp. Có thể kể đến các dự án: Cầu Rừng, cầu Lại Xuân, cầu và đường kết nối Uông Bí với Thủy Nguyên (Hải Phòng); cầu/hầm nối từ khu vực Tiền Phong (Quảng Yên) với Lạch Huyện (Hải Phòng); đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến Đông Triều; đầu tư mở rộng Quốc lộ 279, kết nối liên thông với đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 từ Hạ Long qua Ba Chẽ đến giáp ranh địa phận tỉnh Lạng Sơn; cao tốc Tiên Yên - Lạng Sơn; Quốc lộ 4B...

Đặc biệt, Quảng Ninh đã hoàn thành đầu tư tuyến đường bộ cao tốc đi dọc từ đầu đến cuối tỉnh với việc đưa vào khai thác cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Trong đó, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là tuyến đường huyết mạch kết nối tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tạo điều kiện thuận lợi để liên kết phát triển kinh tế vùng. Đáng chú ý, cho tới thời điểm hiện tại, trục cao tốc từ Hà Nội đến Móng Cái là một trong những trục cao tốc dài nhất trên cả nước.

Quảng Ninh: Lấy phát triển hạ tầng làm điểm tựa để bứt phá- Ảnh 2.
Quảng Ninh: Lấy phát triển hạ tầng làm điểm tựa để bứt phá- Ảnh 3.

Với vị trí là đầu mối giao thông quan trọng, là cửa ngõ ra biển của miền Bắc, Quảng Ninh hội đủ tất cả các loại hình giao thông bao gồm: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không và đường biển. (Ảnh: N/A - Đỗ Phương) 

Không chỉ đường bộ, Quảng Ninh cũng quy hoạch đường sắt đô thị kết nối các địa phương như: Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên - Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn; Hải Hà - Móng Cái. Đồng thời có kế hoạch phát triển hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao, tàu điện trên cao sau năm 2030 từ Đông Triều tới Móng Cái, có gắn với liên kết vùng, hợp tác quốc tế... là bước đi "không để đợi đến ngày mai".

Một điểm rất đặc biệt về cơ sở hạ tầng Quảng Ninh không thể không nhắc tới chính là Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên ở nước ta. Sân bay Vân Đồn đạt cấp 4E (theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế – ICAO), có cơ sở vật chất hiện đại với đường băng dài 3,6km, rộng 45m đủ điều kiện cất hạ cánh các máy bay tiên tiến nhất thế giới như Boeing 787. Nhà ga có công suất 2,5 triệu hành khách/năm; khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn/năm. Hiện, sân bay này đang khai thác các đường bay nội địa và quốc tế kết nối đến các vùng miền cũng như vươn ra thế giới.

Có thể nói, hạ tầng hoàn thiện chính là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giao thông kết nối thuận lợi sẽ đánh thức tiềm năng phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị và tạo sức hút lớn để các nguồn vốn đầu tư đổ về.

Từ trước tới nay, cơ sở hạ tầng và bất động sản luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là yếu tố nền tảng, đi trước nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị, thu hút dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh. Giá trị bất động sản có thể bị "đóng băng" vì hạ tầng nhưng cũng có thể tăng mạnh nếu hạ tầng đồng bộ. Việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng không chỉ giúp Quảng Ninh thay đổi diện mạo, mà còn thu hút nhiều tập đoàn lớn tới đầu tư phát triển dự án, thúc đẩy thị trường bất động sản. Chính vì vậy, sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng đã giúp thị trường bất động sản Quảng Ninh trở thành một trong những thị trường sôi động hàng đầu phía Bắc. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống giao thông huyết mạch, tăng sự liên kết vùng không chỉ thay đổi diện mạo của Quảng Ninh mà còn góp phần phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh khác của tỉnh như du lịch và khu công nghiệp.

Quảng Ninh: Lấy phát triển hạ tầng làm điểm tựa để bứt phá- Ảnh 4.

Việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng không chỉ giúp Quảng Ninh thay đổi diện mạo, mà còn thu hút nhiều tập đoàn lớn tới đầu tư phát triển dự án, thúc đẩy thị trường bất động sản. (Ảnh: Đỗ Phương)

Được mệnh danh là vùng đất thiên nhiên vô cùng ưu ái, Quảng Ninh hội tụ đủ "rừng vàng, biển bạc", sông núi, nước non hùng vỹ. Đặc biệt, với hơn 600 di tích lịch sử, danh thắng như Vịnh Hạ Long - di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới, Yên Tử - dấu ấn của nhà Trần, một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam, dòng sông Bạch Đằng với nhiều chiến tích hào hùng…, Quảng Ninh có điều kiện lớn trong việc phát triển đầy đủ các loại hình du lịch từ biển đảo, sinh thái đến văn hóa lịch sử, tâm linh, từ đó thúc đẩy việc phát triển các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh: Giá trị lý luận và thực tiễn", PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, Quảng Ninh nhận thức được giá trị của ngành công nghiệp văn hóa và định vị nó như một ngành kinh tế chủ đạo trong chiến lược phát triển của tỉnh. Định vị các lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng thương hiệu của Quảng Ninh, tạo cơ hội việc làm và thu hút du khách.

Đưa ra những gợi ý cho hướng phát triển công nghiệp văn hóa - sáng tạo, tạo đột phá chiến lược cho Quảng Ninh, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, Quảng Ninh cần tập trung đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa để thu hút du khách và phát triển ngành du lịch. Đồng thời tập trung phát triển ngành công nghiệp điện ảnh; đặt ra các mục tiêu cụ thể về tổ chức các sự kiện âm nhạc để thu hút khách du lịch và thúc đẩy sự phát triển của ngành này; tập trung nhiều hơn về tổ chức các buổi biểu diễn chuyên nghiệp và sự kiện nghệ thuật để giới thiệu văn hóa đặc trưng của địa phương...

Bên cạnh "rừng vàng, biển bạc", Quảng Ninh còn được biết đến với tên gọi thủ phủ "vàng đen" khi nơi đây có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với 209 mỏ và điểm quặng của 36 loại hình khoáng sản được điều tra, thăm dò, đánh giá như: Than đá, đá vôi…, tạo ra lợi thế lớn cho việc phát triển khu công nghiệp cũng như bất động sản công nghiệp.

Quảng Ninh: Lấy phát triển hạ tầng làm điểm tựa để bứt phá- Ảnh 5.

Quảng Ninh còn được biết đến với tên gọi thủ phủ "vàng đen" khi nơi đây có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú. (Ảnh: Lê Hữu Nghĩa)

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023, Quảng Ninh đã xây dựng phương án phát triển 5 KKT, 23 KCN của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030. Đến nay, Quảng Ninh đã có 5 KKT (2 KKT ven biển và 3 KKT cửa khẩu) với tổng diện tích 375.171ha; 9 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 7 KCN đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và phê duyệt thành lập với tổng diện tích 6.867,92ha.

Hiện, Tập đoàn Amata cùng với hai đối tác chiến lược từ Hàn Quốc và Nhật Bản đang nghiên cứu, đề xuất đầu tư hạ tầng KCN mới tại tỉnh. "Sau dự án đầu tiên là Khu công nghiệp Sông Khoai với 714ha đang được triển khai, Tập đoàn tiếp tục hướng tới việc mở rộng quỹ đất dành cho khu công nghiệp trong Khu kinh tế Quảng Yên, thông qua việc hợp tác với Tập đoàn Marubeni và Tập đoàn GS E&C", bà Somhatai Panichewa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam thông tin.

Cũng theo bà Somhatai, dự án mà Tập đoàn Amata cùng các đối tác đang đề xuất sẽ được thực hiện theo định hướng chiến lược phát triển khu công nghiệp từ Chính phủ Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh. Đó là thân thiện với môi trường, số hóa và phát triển công nghệ cao.

Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã xác định công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực quan trọng. Theo đó, tỉnh tập trung thu hút có chọn lọc các dự án công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách, hay còn gọi là thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới vào tỉnh. Do đó, trong định hướng phát triển các KCN mới của tỉnh, Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển các KCN bền vững theo mô hình "3 trong 1" (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ); KCN xanh với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu của dòng vốn FDI thế hệ mới. Vì vậy, trong trung hạn hay dài hạn, bất động sản công nghiệp nói riêng và thị trường bất động sản Quảng Ninh nói chung vẫn luôn có sức hấp dẫn và còn nhiều dư địa để khai phá, phát triển.

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, đổi mới, hoàn thiện chính sách đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản sẽ đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ văn minh, hiện đại, một cực tăng trưởng nhanh của phía Bắc. Một trong những điều cần quan tâm là khả năng tạo giá trị gia tăng của đất tại những vị trí được phát triển thành các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch, khu đô thị và khả năng thu hút đầu tư từ các nơi khác đến. Nguồn lực đầu tư làm cho giá trị đất đai tăng thêm trước hết là các khu du lịch, khu đô thị ở Quảng Ninh.

Quảng Ninh: Lấy phát triển hạ tầng làm điểm tựa để bứt phá- Ảnh 6.

Nhờ những ưu thế về vị trí địa lý và ưu đãi của thiên nhiên, Quảng Ninh đã khai thác, phát huy tốt tiềm năng sẵn có để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Đông Bắc)

"Việc cần làm lúc này là Quảng Ninh phải xem xét quy hoạch hệ thống các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, khu dịch vụ ngoài con đường hạ tầng ven biển đã hình thành. Các khu vực cần ưu tiên xem xét là các đảo lớn ngoài khơi xa có khả năng tạo thành các khu du lịch ở nhiều cấp hạng khác nhau gắn với các loại hình kinh tế biển. Tiếp theo là xem xét chuỗi đô thị dọc biên giới với Trung Quốc gắn với các khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng. Bên cạnh đó là các đô thị miền núi gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm vùng núi. Cuối cùng, các đô thị gắn với các khu công nghiệp khai thác than", GS.TSKH. Đặng Hùng Võ khuyến cáo.

Như vậy, nhờ những ưu thế về vị trí địa lý và ưu đãi của thiên nhiên, Quảng Ninh đã khai thác, phát huy tốt tiềm năng sẵn có để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện tốt phương châm hạ tầng phải đi trước một bước, lấy phát triển hạ tầng làm động lực, đòn bẩy để tạo sự bứt phá. Đó cũng chính là điểm tựa để Quảng Ninh tiếp tục là điểm sáng về thu hút đầu tư và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top