Quảng Trị 2025: Ưu tiên nguồn lực phát triển đô thị, tạo động lực và sức lan tỏa đối với kinh tế - xã hội
Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định và nhấn mạnh, trong chiến tranh, Quảng Trị là biểu tượng của khí chất oanh liệt hào hùng, trên dưới một lòng, gìn giữ độc lập, chủ quyền và thống nhất đất nước.
Trong hòa bình, Quảng Trị đang ra sức phát triển kinh tế, vươn lên mạnh mẽ với sức sống mới, khí thế mới, xứng đáng với những hy sinh xương máu của nhân dân cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc… Từ đó, Tổng Bí thư gợi mở và định hướng nhiều vấn đề thiết thực giúp tỉnh Quảng Trị phát triển thời gian tới.
Nhân dịp năm mới 2025, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã dành thời gian trò chuyện cùng Reatimes xung quanh những gợi mở mang tầm chiến lược của Tổng Bí thư Tô Lâm đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị.
PV: Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ các tiềm năng, lợi thế của Quảng Trị. Vậy trong thời gian tới, Quảng Trị sẽ làm gì để phát huy các tiềm năng và lợi thế này, thưa ông ?
Ông Hà Sỹ Đồng: Sự quan tâm của đồng chí Tổng Bí thư là nguồn động viên tinh thần và tiền đề rất thiết thực để tỉnh hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ và nhân dân tỉnh nhà. Ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư đã được cụ thể hóa tại Thông báo số 101-TB/VPTW ngày 28/10/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng, Công văn số 8386/VPCP-QHĐP ngày 15/11/2024 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp triển khai. Thực hiện mong muốn của đồng chí Tổng Bí thư, thời gian tới, tỉnh Quảng Trị tập trung các giải pháp tổ chức thực hiện như sau:
Thứ nhất, phối hợp với các bộ ngành Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư, mà cụ thể là nội dung tại Thông báo Thông báo số 101-TB/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng và Công văn số 8386/VPCP-QHĐP của Văn phòng Chính phủ; triển khai bằng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện.
Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, triển khai các công trình, dự án, đề án trọng điểm, cơ chế chính sách, đặc biệt là các nội dung quan trọng mà Tổng Bí thư đã nhắc đến và chỉ đạo thực hiện như: Hoàn thiện Đề án Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đen Xa Vẳn; phát triển các dự án điện gió (ngoài khơi, trên đất liền), điện mặt trời, các dự án điện khí và LNG. Bên cạnh đó, phát triển các cơ sở công nghiệp khí khác tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị; phát triển các dự án hydro xanh, amoniac xanh từ nguồn điện năng tái tạo; tiếp nhận, kết nối nguồn điện gió, điện mặt trời từ Lào; đề xuất tiếp nhận khí từ mỏ Kèn Bầu và các lô lân cận vào bờ tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị; nghiên cứu các chính sách mang tính đột phá trong tăng cường hợp tác với nước bạn Lào trong việc khai thác về khoáng sản, than đá và nông sản hàng hóa. Đồng thời, đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; đầu tư hạ tầng liên quan đến cụm cảng biển Mỹ Thủy, cảng hàng không Quảng Trị; xây dựng Đề án phát triển huyện Đảo Cồn Cỏ mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh; xây dựng bảo tàng quốc gia "Ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình"…
Thứ ba, triển khai ngay Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tập trung sắp xếp, tinh gọn, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy, quyết tâm tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, tăng tốc về đích, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và tạo tiền đề xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn tới.
Thứ tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định chung của Chính phủ; ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của địa phương. Quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục hành chính và triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành dự án.
Thứ năm, triển khai quyết liệt và có hiệu quả công tác chuyển đổi số trên cả ba nền tảng là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả theo hướng hội nhập quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị mong muốn được sự quan tâm hơn nữa của các bộ, ngành Trung ương, giúp tỉnh triển khai thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; giúp tỉnh có sự bứt phá mạnh mẽ, là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trở thành một địa phương phát triển, là trung tâm dịch vụ thương mại trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung.
PV: Có rất nhiều dự án đầu tư trọng điểm tập trung vào Quảng Trị trong thời gian qua như các lĩnh vực hạ tầng đô thị, cảng biển, sân bay, điện gió… Ông có chia sẻ gì về chủ trương, chính sách đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, làm ăn lâu dài tại Quảng Trị?
Ông Hà Sỹ Đồng: Để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, làm ăn lâu dài, thời gian tới tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì và nâng cao các chỉ số hành chính như PAR-Index, PAPI-Index, PCI. Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp và hoạt động đầu tư, kinh doanh, giúp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tiết kiệm nguồn nhân lực cho tổ chức, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức các cấp, nhất là các cơ quan liên quan đến công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục trong công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nhất quán trong thực hiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để tạo niềm tin và sự an tâm cho các nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án.
Thứ hai, đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; chủ động lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với phát triển nguồn nhân lực, tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động đầu tư. Hoàn chỉnh công tác quy hoạch tại các địa phương nhằm kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước mở rộng đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định chung của Chính phủ (chính sách hỗ trợ lãi suất, giảm thuế giá trị gia tăng, giãn, giảm tiền cho thuê đất...). Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương; các chính sách của tỉnh (chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách hỗ trợ đầu tư...). Bảo đảm cung cấp đầy đủ các hạ tầng thiết yếu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh như cấp nước liên tục, đầu tư lưới điện đến chân hàng rào dự án, bố trí quỹ đất sạch để xây dựng nhà ở tập trung cho công nhân, cung ứng đủ lao động và cơ sở đào tạo lao động cho doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục hành chính và triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành dự án. Trong lĩnh vực đất đai, bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tiền thuê đất, thuê mặt nước, tỉnh sẽ đồng hành với nhà đầu tư để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Thành lập các Ban chỉ đạo, Tổ công tác hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thường xuyên nắm tình hình, tổ chức đối thoại với nhà đầu tư, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án.
Thứ năm, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn mới cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng; tạo ra lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm đào tạo nghề cho toàn bộ khu vực, cung cấp ra thị trường lao động cho toàn vùng và trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu quả đầu tư để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện mở rộng ngành nghề đào tạo; tăng cường liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
PV: Ngày 8/8/ 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 813/QĐ-TTg công nhận TP. Đông Hà là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Quảng Trị. Vậy xin ông cho biết mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị của tỉnh, trong đó có TP. Đông Hà năm 2025 và những năm tiếp theo mà tỉnh đang hướng đến là gì?
Ông Hà Sỹ Đồng: Năm 2025, UBND tỉnh xác định phương thức chỉ đạo điều hành là "Thân thiện, tận tâm, quyết liệt, kết quả" với mục tiêu tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của kinh tế. Thực hiện cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị trên địa bàn. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Khu vực đô thị được xác định là một trong những động lực rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bên cạnh các khu vực trọng điểm khác như Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị; khu vực ven biển, biển - đảo; khu vực Cửa khẩu Lao Bảo, La Lay. Vì vậy, việc tập trung thúc đẩy đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị đồng bộ, hiện đại, bền vững theo hướng xanh, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường là mục tiêu được tỉnh đề ra trong các năm tiếp theo, làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư từ nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho dân cư đô thị.
Trong hệ thống 13 đô thị hiện hữu của tỉnh, TP. Đông Hà là đô thị có vai trò trung tâm, có tầm quan trọng nhất về cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và là đô thị hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư. Trong năm 2024, TP. Đông Hà đã được công nhận là đô thị đạt tiêu chí loại II, sau 19 năm xây dựng đô thị (từ năm 2005 được công nhận là đô thị loại III) và 15 năm xây dựng thành phố (từ năm 2009 được công nhận là thành phố). Tuy nhiên, vẫn còn 6/63 tiêu chuẩn chưa đạt chuẩn và cũng còn những tiêu chuẩn đạt ở mức tối thiểu, chưa bền vững. Vì vậy, trong năm 2025 và những năm tiếp, tỉnh sẽ có những ưu tiên tập trung đầu tư, có cơ chế cần thiết để tạo nguồn lực cho thành phố hoàn thiện, nâng cao các tiêu chuẩn, tiêu chí đô thị nhằm tạo động lực, cơ hội cho thành phố phát triển nhanh nhất để từ đó tạo sức lan tỏa, có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.
PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi cùng Reatimes!