Aa

Quảng Trị phê duyệt chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030

Thứ Năm, 08/12/2022 - 06:18

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng vừa ký ban hành Quyết định số 295/QĐ-UBND Phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045 với các nội dung quan trọng.

Theo đó, chương trình nhà ở (CTNƠ) tỉnh Quảng Trị hướng đến mục tiêu phát triển nhà ở đáp ứng nhu cầu về xây mới và cải tạo nhà ở của người dân, đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đối với các nhà ở hiện hữu khi xuống cấp, không đảm bảo chất lượng thì được cải tạo, xây dựng lại; phát triển nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của các đối tượng thụ hưởng chính sách; phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở.

Diện tích nhà ở 27m² sàn/người

Theo mục tiêu CTNƠ mà tỉnh đặt ra đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh Quảng Trị phấn đấu đạt khoảng 27m² sàn/người, trong đó tại khu vực đô thị đạt khoảng 31,5m² sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt khoảng 24,5m² sàn/người. Phấn đấu phát triển tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 18.077.000 - 19.053.000m² sàn (tăng thêm khoảng 3.069.000 - 4.045.000m² sàn).

Trung tâm huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Trường Sơn)

Trong đó, nhà ở thương mại diện tích đạt 379.000 - 965.000m², 1.680 - 4.290 căn nhà; nhà ở công vụ 10.000m², 399 căn nhà; nhà ở xã hội đạt 894.820 - 1.114.820m², 14.854- 19.414 căn; nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động khu công nghiệp 30.000 - 60.000m², 500 - 1.000 căn; nhà ở xã hội cho học sinh, sinh viên là 2.820m², 94 căn; nhà ở người có công với cách mạng 216.000 - 240.000m² , 4.800 - 5.330 căn; nhà ở hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn 256.000 - 400.000m², 5.700 - 9.000 căn; nhà ở hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu là 79.000 - 85.000m², 1.760 - 1.890 căn; nhà ở của hộ gia đình, cá nhân là 1.785.180 - 1.955.180m², 8.926 - 9.776 căn nhà... Tổng cộng Quảng Trị sẽ có 3.069.000 - 4.045.000m² , 25.859 - 33.879 căn trong CTNƠ thuộc giai đoạn năm 2021 - 2025.

Riêng đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh Quảng Trị đạt khoảng 30,7m² sàn/người, trong đó, tại khu vực đô thị đạt khoảng 33,3m² sàn/người, tại khu vực nông thôn đạt khoảng 28,7m² sàn/người. Phấn đấu phát triển tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đến năm 2030 đạt khoảng 21.763.000 - 23.200.000m² sàn (tăng thêm khoảng 3.687.000 - 5.123.000m² sàn).

Khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở chung cư nhiều tầng

UBND tỉnh Quảng Trị cũng đặt ra các chỉ tiêu nhằm nâng cao chất lượng nhà, như nhà ở phát triển mới phải đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng số, thiết kế mở rộng không gian tiện nghi chức năng của căn nhà theo hướng phát triển không gian xanh, bền vững, phát thải thấp; nâng cao chất lượng nhà ở hiện hữu thông qua thúc đẩy áp dụng thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch khi cải tạo và xây dựng lại; đến năm 2030, phấn đấu tăng tỷ lệ nhà ở kiên cố trên toàn tỉnh đạt trên 90%, trong đó tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 75 - 80%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên toàn tỉnh, đặc biệt là khu vực đô thị; phấn đấu đạt tỷ lệ 90% nhà ở trên toàn tỉnh có hệ thống cấp điện, cấp nước; tăng tỷ lệ nhà ở có hệ thống thoát nước thải đồng bộ và được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản là một trong những giải pháp cho CTNƠ tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Đình Toàn)

Cùng với đó việc phát triển các loại hình nhà ở đi kèm với việc phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, bao gồm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở để phục vụ tái định cư và nhà ở của hộ gia đình, cá nhân. UBND tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở chung cư nhiều tầng; nhà ở hiện đại, mang bản sắc văn hóa địa phương, thân thiện với môi trường, phát thải thấp, đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực; phát triển nhà ở thương mại theo dự án, đa dạng loại hình sản phẩm nhà ở cho thuê, cho thuê mua, để bán; gắn với phát triển đô thị, chương trình phát triển nhà ở; có cơ cấu sản phẩm, diện tích trung bình và giá cả hợp lý.

Ngoài ra, Quảng Trị đặt ra việc thúc đẩy phát triền nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở như người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân; theo dự án, có vị trí, quy mô phù hợp, tại các quỹ đất phát triển nhà ở xã hội được bố trí trong quy hoạch, đảm bảo công bằng và tăng khả năng tiếp cận hạ tầng đồng bộ và các dịch vụ xã hội thiết yếu; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội; đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ; đa dạng phương thức tạo lập quỹ nhà ở công vụ thông qua hình thức Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng hoặc đầu tư mua, thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ; quan tâm bố trí đủ quỹ đất để tái định cư. Ưu tiên việc bố trí tái định cư tại chỗ, tại khu vực lân cận nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng tái định cư...

Chuẩn bị nguồn lực, quỹ đất để phát triển

Để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu CTNƠ, UBND tỉnh Quảng Trị đề ra mức nhu cầu vốn đầu tư CTNƠ giai đoạn năm 2021 - 2025 là khoảng 30.461,31 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở thương mại là 8.083,64 tỷ đồng (chủ yếu từ doanh nghiệp); nhà ở công vụ 60 tỷ đồng (nguồn ngân sách và nguồn hỗ trợ); nhà ở xã hội là 6.738,42 tỷ đồng (nguồn từ ngân sách, doanh nghiệp, người dân); nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động khu công nghiệp là 340,61 tỷ đồng (từ doanh nghiệp); nhà ở xã hội cho sinh viên 16,01 tỷ đồng (từ ngân sách); nhà ở người có công với cách mạng là 1.535,87 tỷ đồng (nguồn ngân sách, hỗ trợ và người dân); nhà ở hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn là 2.270,76 tỷ đồng (nguồn ngân sách, hỗ trợ và người dân); nhà ở hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu là 482,54 tỷ đồng (nguồn ngân sách, hỗ trợ và người dân); nhà ở riêng lẻ do dân tự xây dựng 15.579,26 tỷ đồng... Riêng giai đoạn năm 2026 - 2030, tổng nhu cầu vốn cần để phát triển nhà ở khoảng 43.480,79 tỷ đồng.

Bản làng vùng cao huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Trường Sơn)

UBND tỉnh Quảng Trị cũng đề ra nhiều giải pháp để thực hiện CTNƠ. Về quy hoạch, phát triển quỹ đất với những nội dung như trong quá trình lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn,ế hoạch sử dụng đất được phê duyệt nhằ quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở bảo đảm phù hợp với quy hoạch, km đáp ứng phát triển các dự án đô thị, dự án phát triển nhà ở, dự án phát triển nhà xã hội, nhà công vụ, nhà ở phục vụ tái định cư; quá trình lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để làm nhà ở xã hội đảm bảo quy định của pháp luật và đáp ứng nhu cầu của địa phương; quan tâm quy hoạch phát triển loại hình nhà chung cư; tăng cường công tác thi tuyển, tuyến chọn, lấy ý kiến tham gia của cộng đồng về ý tưởng, phương án quy hoạch, kiến trúc, thiết kế đô thị.

UBND tỉnh đặt ra nhiệm vụ tập trung rà soát, tổ chức lập, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, khu chức năng; quy hoạch chung đô thị, nông thôn; triển khai phủ kín các quy hoạch phân khu và nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết; ưu tiên tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng các khu vực có lợi thế thu hút đầu tư. Thường xuyên rà soát các quy hoạch được phê duyệt nhưng thời gian thực hiện kéo dài, thiếu khả thi để điều chỉnh hoặc xóa bỏ.

Ngoài ra, giải pháp nâng cao năng lực phát triển nhà ở theo dự án cũng được nêu ra. Trong đó, tỉnh yêu cầu việc tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chặt chẽ năng lực của chủ đầu tư thực hiện dự án phát triển nhà ở, đảm bảo chủ đầu tư phải có đủ chức năng, năng lực, kinh nghiệm theo quy định, ưu tiên chủ đầu tư có phương án được đánh giá cao về giải pháp quy hoạch, kiến trúc, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tiến độ thực hiện dự án, đưa công trình vào sử dụng, giải pháp quản lý vận hành; công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, theo đó chủ yếu thực hiện thông qua phương thức đấu giá, đấu thầu cho các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở, phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó tỉnh cũng đặt ra nhiều giải pháp khác để phát triển nhà ở, như theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh; giải pháp về nguồn vốn và thuế; giải pháp phát triển thị trường bất động sản; giải pháp cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư...

Đối với giải pháp về phát triển thị trường bất động sản, tỉnh tham gia sửa đổi, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật về kinh doanh bất động sản để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản của tỉnh; khuyến khích việc giao dịch kinh doanh bất động sản qua các sàn giao dịch bất động sản để công khai, minh bạch hoạt động thị trường bất động sản; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trong đó có hoạt động giao dịch kinh doanh nhà ở, góp phần quản lý thông tin giao dịch bất động sản, tăng tính công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi người dân; tăng cường kiểm soát hoạt động môi giới bất động sản trong đó có hoạt động môi giới kinh doanh nhà ở của các tổ chức, cá nhân theo hướng:

Nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đối với cá nhân hành nghề môi giới bất động sản (chuẩn hóa việc đào tạo, thi sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề); khuyến khích các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản đăng ký, tham gia hoạt động có tổ chức quản lý (hoạt động theo doanh nghiệp, văn phòng, hội...); theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường bất động sản; triển khai thực hiện các giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo thị trường bất động sản và nhà ở phát triển ổn định, lành mạnh, kịp thời xử lý các hiện tượng “sốt nóng”, “đóng băng”; tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và nhà ở; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản của các ngành và địa phương; hoàn thiện việc xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản để đảm bảo tính công khai, minh bạch; nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý, ngăn chặn sai phạm trong kinh doanh nhà ở và bất động sản...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top